Một số thí sinh tham dự cuộc thi. Ảnh: TL
Chủ tịch và Giám đốc đều phủ định nhau
Với tên gọi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu, cuộc thi này mở rộng vòng tuyển sinh ra phạm vi nước ngoài. BTC cho biết, vòng Sơ khảo sẽ diễn ra ở 4 quốc gia: Việt Nam, Ba Lan, Mỹ, Úc.
Tuy nhiên cho đến nay, cụ thể của các vòng Sơ khảo này tại các khu vực Bắc Mỹ và Đông Âu ra sao thì vẫn không được công bố rộng rãi như các cuộc thi sắc đẹp khác. Thanh tra Bộ VH-TT&DL đang có đoàn kiểm tra toàn diện công tác tổ chức cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam 2018 nhưng cho đến nay, vẫn chưa có thông tin kết luận.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) cho biết: “Cục cũng chưa có thông tin về kết quả làm việc này nhưng nếu là vấn đề nội bộ của công ty tổ chức và theo Luật Doanh nghiệp thì giải quyết theo Luật Doanh nghiệp. Nếu thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý văn hóa thì xem xét xử lý”.
Nguyên nhân dẫn đến việc bị thanh tra toàn bộ khi đêm Chung kết của cuộc thi chỉ còn vài ngày là do trước đó, ngày 9/4, bà Phạm Thị Tuyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thiết kế và Đào tạo Phương Nam (đơn vị tổ chức cuộc thi) đã có văn bản đề nghị với Bộ VH-TT&DL được trả giấy phép cuộc thi.
Văn bản này cho rằng, quá trình điều hành, ông Lý Minh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Thiết kế và Đào tạo Phương Nam đã kết hợp với Công ty CP Truyền thông đa phong cách để gạt bỏ sự hiện diện của đơn vị tổ chức.
Ngoài ra, theo bà Tuyết, lý do để bà “trả lại giấy phép” còn bởi, trong quá trình tổ chức đã xảy ra một số vi phạm khác, trong đó có vấn đề liên quan đến tài trợ, in vé v.v...
Để ngăn chặn hậu quả sau này, Đại hội đồng quản trị họp và ra nghị quyết dừng cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018.
Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội chiều 20/4, luật sư Nguyễn An - cố vấn pháp lý của cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu lại khẳng định: Dù trên danh nghĩa, bà Phạm Thị Tuyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị của của Công ty CP Thiết kế và Đào tạo Phương Nam, nhưng trên góc độ pháp lý, điều này chưa được công nhận một cách chính thức.
Hơn nữa, về nguyên tắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng không có tư cách phát ngôn mà chỉ có chức năng triệu tập các cổ đông”.
Trả lời báo chí trước đó, ông Lý Minh Tuấn cũng khẳng định rằng, con dấu của Công ty CP Thiết kế và Đào tạo Phương Nam mà ông đang quản lý là con dấu duy nhất của Công ty đang có hiệu lực và đã được niêm yết trên cổng thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội.
Vì vậy, bà Phạm Thị Tuyết không đủ tư cách pháp nhân để đề nghị dừng cuộc thi. Cho đến thời điểm chung kết chỉ còn một ngày, luật sư Nguyễn An khẳng định, cuộc thi vẫn sẽ diễn ra như dự kiến, tức là vào tối 21/4 tại Phú Quốc, Kiên Giang.
Ái ngại về sự chuyên nghiệp
Mặc dù bà Phạm Thị Tuyết bị phủ nhận vai trò pháp lý, nhưng theo thông tin trên Báo Giáo dục & Thời đại, ngày 19/4, Bộ VH-TT&DL đã mời đại diện Công ty CP Thiết kế và Đào tạo Phương Nam là bà Phạm Thị Tuyết đến làm việc. Phía Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã xác nhận tư cách làm việc của bà Tuyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thiết kế và Đào tạo Phương Nam.
Về những cáo buộc của bà Phạm Thị Tuyết cho rằng Công ty của bà được cấp phép tổ chức cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu năm 2018, nhưng đã bị gạt ra khỏi cuộc thi bởi Công ty CP Truyền thông đa phong cách, chúng tôi đã liên hệ với đại diện Công ty này. Phía Công ty cho biết sẽ trả lời nhưng hiện vẫn chưa có phản hồi.
Mặc dù BTC thông tin, vòng sơ khảo cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam được diễn ra ở các nước như Mỹ, Ba Lan, Úc, nhưng đêm bán kết (5/4), mặc dù chọn được 40 thí sinh trong tổng số 70 thí sinh dự thi, nhưng nhìn vào danh sách, khán giả vẫn vô cùng “vất vả” để chọn người đẹp triển vọng.
Tất nhiên, với một cuộc thi nhan sắc, ngoài vẻ đẹp hình thể còn phải tính đến khả năng giao tiếp, học vấn, sự tự tin trước công chúng và các hoạt động xã hội… nhưng thông qua mặt bằng chung của một cuộc thi cũng ít nhiều nói lên tầm vóc, sức hấp dẫn của nó với các người đẹp ra sao.
Cùng với những lùm xùm trong nội bộ của BTC cuộc thi, Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu một lần nữa khiến công chúng tỏ ra ái ngại về sự chuyên nghiệp, đẳng cấp mà lẽ ra, một cuộc thi mang quy mô toàn cầu cần phải có.
Tối 21/4, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã diễn ra đêm chung kết Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018. Vượt qua 37 thí sinh trong đêm chung kết, người đẹp Nguyễn Thị Kim Ngọc (19 tuổi) đến từ Tiền Giang đã đăng quang Hoa hậu; Á hậu 1 thuộc về người đẹp Nguyễn Thị Ngọc Huyền đến từ Bắc Ninh; Á hậu 2 thuộc về người đẹp Nguyễn Phương Khánh đến từ Singapore. Phần thưởng của Tân Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018 nhận được là một vương niệm bằng ngọc trai với 37 viên South Sea trắng, 690 viên đá sapphire trắng trị giá 1,7 tỉ đồng và phần thưởng 500 triệu đồng tiền mặt; Á hậu 1 với phần thưởng trị giá 300 triệu đồng và Á hậu 2 với phần thưởng trị giá 200 triệu đồng và nhiều giải phụ khác. Cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu có tiền thân là cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam, tổ chức tại Quảng Ninh. Ngôi vị Hoa hậu khi đó thuộc về Phạm Thùy Trang đến từ Hòa Bình. Năm 2017, cuộc thi tổ chức họp báo tại Hà Nội và cho biết, đổi tên từ Hoa hậu Biển Việt Nam thành Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu. |
Theo giadinh.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.