Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 là ngày lễ vô cùng hạnh phúc với trẻ em, nếu ngày đó trùng với dịp cuối tuần thì sẽ càng vui hơn, bố mẹ dẫn con cái ra ngoài vui chơi và mua sắm. Hầu như các phụ huynh đều đáp ứng những đòi hỏi của con trẻ. Tuy nhiên, một ngày lễ tràn ngập niềm vui như thế lại có nguồn gốc không mấy tích cực.
Tháng 6/1942, phát xít Đức đã bắn chết những người đàn ông trên 16 tuổi và tất cả trẻ sơ sinh ở ngôi làng Lidice (Cộng Hòa Séc) và đưa phụ nữ lẫn trẻ em đến các trai tập trung của chúng. Làng Lidice sau đó đã không còn 1 bóng người.
Tháng 11/1949, để tưởng nhớ những đứa trẻ đã chết ở làng Lidice và cuộc chiến chống phát xít, Liên đoàn Phụ nữ Quốc tế đã tổ chức 1 cuộc họp tại Moscow và ấn định ngày 1/6 hằng năm là ngày Quốc tế Thiếu nhi.
Nhưng vì phong tục và tập quán khác nhau, không phải ngày Thiếu nhi ở quốc gia nào cũng là ngày 1/6, chẳng hạn như ở Hàn Quốc là ngày 5/5, ở Brazil là ngày 15/8. Riêng tại Mỹ, đến năm 2001, tổng thống George Bush mới chỉ định ngày 3/6 là ngày Quốc tế Thiếu nhi và ngày Chủ nhật của tuần thứ 2 tháng 6 hằng năm là ngày của trẻ em.
Ngày Thiếu nhi ở Trung Quốc hiện nay diễn ra vào ngày 1/6 và ngày lễ được gọi là "Tết Thiếu nhi" trong xã hội Trung Quốc cổ đại hàng nghìn năm qua đã diễn ra như thế nào?
Trong xã hội phong kiến Trung Quốc hoàn toàn không có ngày Thiếu nhi, cái gọi là "Tết Thiếu nhi" là những hoạt động diễn ra xuyên suốt các lễ hội truyền thống. Vậy thì, những hoạt động truyền thống nào được tổ chức vì trẻ em?
Có 4 lễ hội, cụ thể là: Tết Thượng Tị, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán. 4 lễ hội này tương ứng với 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.
Tết Thượng Tị
Tết Thượng Tị hiện không còn phổ biến rộng rãi, chỉ diễn ra ở 1 số khu vực dân tộc thiểu số. Hiện tại, khu tự trị Quảng Tây vẫn tổ chức Tết Thượng Tị trong 2 ngày liền.
Trước triều Tống - Minh, Tết Thượng Tị là một ngày lễ vô cùng quan trọng và đây cũng là ngày lễ cổ xưa nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nó còn được gọi với cái tên khác là Lễ Tình nhân Trung Quốc hay Lễ Con gái. Mặc dù gọi là Lễ Con gái nhưng trên thực tế, trẻ em bất kể nam hay nữ đều sẽ được người lớn đưa đi dã ngoại.
Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ là 1 trong 4 lễ hội truyền thống lớn nhất của Trung Quốc còn được truyền lại đến ngày nay. Vào dịp Tết Đoan Ngọ, những phong tục và hoạt động giải trí dành cho trẻ em cũng rất phong phú. Vào ngày diễn ra Tết Đoan Ngọ thời cổ đại, từ sáng sớm những đứa trẻ đã luôn mang bên mình 1 túi hương trừ tà do người lớn làm ra và tay quấn dây ngũ sắc cầu phúc. Lũ trẻ vừa ăn trái cây vừa xem đua thuyền rồng và chơi đùa cùng nhau.
Tết Trung Thu
Tết Trung Thu là ngày gia đình đoàn viên. Ngoài hoạt động quây quần bên nhau, cùng ăn bánh trung thu, uống trà và ngắm trăng, thì trò chơi thịnh hành từ cuối thời Minh - Tống đến hiện tại là chơi đèn lồng.
Tết Nguyên Đán
Không cần giới thiệu chi tiết, Tết Nguyên Đán luôn là khoảng thời gian hạnh phúc được trẻ con mong chờ nhất và nó đã được truyền lại từ hàng nghìn năm trước.
Trung Quốc cổ đại không có ngày lễ Thiếu nhi riêng biệt là vì trong xã hội phong kiến, trẻ em không được xem là một chủ thể độc lập, không có tính cách độc lập (đề cập đến sự độc lập, tự chủ và sáng tạo của mọi người, là tính cách không dựa dẫm hay ỷ lại vào người khác).
Người xưa có câu "quân vi thần cương, phụ vi tử cương, phu vi thê cương", trong đó "phụ vi tử cương" nghĩa là con cái phải tuyệt đối phục tùng cha mẹ. Bất kể là ai sai thì lỗi luôn là của người con. Dù là cha mẹ sai thì đứa trẻ cũng là người có lỗi, bởi bác bỏ ý kiến của cha mẹ thì cũng là một hành động không đúng.
Trẻ em không hề có địa vị trong xã hội phong kiến thì nói chi đến tôn nghiêm và muốn có ngày lễ Thiếu nhi riêng cho mình?
Tư tưởng không cho trẻ em một tính cách độc lập vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Nhiều bậc cha mẹ vẫn buộc con cái phải làm điều này điều kia, dù đó không phải những gì trẻ muốn làm hoặc muốn học, mà chỉ là mong muốn của người lớn.
Nguồn: Toutiao
Link báo gốc: http://ttvn.toquoc.vn/vi-sao-tre-con-thoi-trung-quoc-co-dai-co-nhieu-ngay-tet-thieu-nhi-dien-ra-suot-4-mua-nhung-van-khong-co-vi-tri-nhat-dinh-trong-xa-hoi-phong-kien-222020260617153.htm
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.