Nhiều nước ao ước có năng lực của Việt Nam
Khi đến thăm trường đại học cũ của mình ở Việt Nam, Tran Thi Ngoc Guong không ngờ rằng tất cả các sinh viên đều tò mò về ngành của cô đến vậy: Thiết kế chip.
"Mọi người có rất nhiều câu hỏi và chúng rất chi tiết", cô nói. "Tôi đã rất ngạc nhiên".
Ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam đang đổ xô vào lĩnh vực bán dẫn, và chính phủ đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư và nhà thiết kế chip vào năm 2030.
"Tôi không nghĩ một ngày nào đó, tôi sẽ làm việc trong một lĩnh vực 'hot' như vậy", Guong nói.
Sức nóng này đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một là nhu cầu tăng cao đối với các kỹ sư chip trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo bùng nổ. Sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang thúc đẩy nhu cầu về nhân tài địa phương. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng ở các nền kinh tế sản xuất chip truyền thống như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cũng như Mỹ, khiến các công ty phải mở rộng phạm vi tìm kiếm nhân lực.
Alchip Technologies, nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip AI hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc), đang mở rộng nhóm R&D sang Việt Nam, cũng như đang có kế hoạch mở văn phòng đầu tiên trong năm nay. Công ty có khả năng sẽ tăng số lượng nhân viên lên tới 100 kỹ sư trong vòng 2 - 3 năm, Giám đốc tài chính Daniel Wang cho biết.
Trong khi đó, Washington đang hợp tác với 7 quốc gia, bao gồm Việt Nam, để xây dựng chuỗi cung ứng chip. Một quan chức Mỹ đã chia sẻ với Nikkei vào đầu năm nay rằng kinh nghiệm lâu năm của Việt Nam trong lĩnh vực lắp ráp sẽ giúp nước này mở rộng phát triển sang lĩnh vực thiết kế chip.
"Có nhiều quốc gia trên thế giới ao ước có năng lực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói [ATP] của Việt Nam", Jose Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường cho biết.
Tương tự như vậy, các công ty Hàn Quốc đang chuyển hướng sang Việt Nam.
Vị trí chiến lược của Việt Nam
Marvell mô tả Việt Nam là "vị trí chiến lược để phát triển nhân tài kỹ thuật". Chuyên gia Lê Quang Đạm đã giúp xây dựng văn phòng đầu tiên của Marvell tại Việt Nam. Từ chỉ vài chục kỹ sư trong vài năm đầu, nhóm của ông hiện có hơn 400 người, tăng từ 300 người vào năm ngoái.
"Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thiết kế chip lớn thứ 3 của Marvell, chỉ sau trụ sở chính tại Mỹ và Ấn Độ", ông Đạm, tổng giám đốc Marvell Việt Nam, nói với Nikkei Asia.
Marvell đặt mục tiêu tăng số lượng nhân viên địa phương lên khoảng 500 người vào năm 2026. Kế hoạch tuyển dụng không chỉ bao gồm nhân viên cho các văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn có một địa điểm mới tại Đà Nẵng.
Ông Đạm cho rằng đội ngũ tại Việt Nam "có khả năng thực hiện mọi khía cạnh trong R&D, bao gồm phát triển những công nghệ chip tiên tiến nhất".
"Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng lớn, vì ngày càng có nhiều công ty công nghệ đang mở rộng hoạt động tại quốc gia này", Brian Chen, đối tác tại KPMG Đài Loan và KPMG Việt Nam chia sẻ với Nikkei Asia.
So với thị trường Đài Loan hay Hàn Quốc, năng suất và mức lương của các kỹ sư tại Việt Nam khiến nơi này trở nên hấp dẫn đối với các công ty.
Theo trang web về nguồn lực nghề nghiệp Salary Explorer, các kỹ sư Việt Nam kiếm được trung bình 665 đô la một tháng, thấp hơn so với mức 5.627 USD của với các đồng nghiệp ở Singapore, 3.782 USD ở Đài Loan, 2.826 USD ở Hàn Quốc và 1.313 USD ở Malaysia.
Lợi thế không kéo dài mãi
Nhưng khi đầu tư công nghệ tràn vào, các dấu hiệu quá tải đang xuất hiện. Ông Đạm cho biết giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đã trở nên tắc nghẽn hơn. Ông giải thích rằng công ty duy trì hai văn phòng trong thành phố để giúp cắt giảm thời gian đi lại bằng cách cho phép nhân viên lựa chọn làm việc ở địa điểm thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, những lợi ích hiện đang thu hút đầu tư nước ngoài có thể không kéo dài, một trong số đó là vấn đề mức lương.
Chen, đối tác của KPMG, ước tính rằng mức lương ở Việt Nam có thể sớm bắt kịp với các dịch vụ ở Đài Loan (Trung Quốc) do nhu cầu tuyển dụng lao động mạnh mẽ.
"Mức lương đang tăng mạnh. Những nhân tài trình độ cao sẽ được hưởng mức tăng lương ít nhất 10% mỗi năm", Chen nói.
Chen cho rằng sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn chớm nở và các công ty sẽ chuyển đến Hà Nội giai đoạn tiếp theo, khi thị trường nhân tài tại TP Hồ Chí Minh bão hòa.
Tổng giám đốc Pegatron Việt Nam Chi-Liang Chen cho biết Pegatron thực sự hy vọng chính phủ và các trường học có thể tích cực hơn trong việc mở thêm nhiều khoa liên quan đến kỹ thuật với các ưu đãi để mở rộng nguồn nhân tài.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.