Bức tâm thư người vợ gửi chồng đêm khó thở vì sợ "không qua khỏi"
"Sài Gòn.
Ngày 4/9/2021.
Có những điều bình thường như hơi thở cũng là điều khó khăn ngay lúc này. Em vẫn chưa hết hoang mang khi mắc Covid-19, phải cách ly, chỉ được nhìn anh và Bắp qua màn hình điện thoại. Tuy khó chấp nhận nhưng em thầm biết ơn vì cả nhà mình vẫn đang an toàn.
2 ngày qua em luôn cố gắng suy nghĩ tích cực, lạc quan, lúc nào anh hỏi, em cũng bảo 'ổn' để mọi người vững tinh thần và tin là nhà mình sẽ chiến thắng Covid-19. Em vẫn cố làm việc bình thường để quên đi cảm giác đau nhức, rệu rã khắp cơ thể và những nỗi sợ...
Bình thường em vẫn mạnh miệng nói với anh 'sống chết có số hết rồi', lỡ em không qua khỏi thì anh hãy nuôi con. Nhưng ngay lúc này khi việc hít thở cũng trở nên khó khăn, gắn máy đo SpO2 trên tay nhìn chỉ số 92%, em lại thấy rất sợ, sợ rằng nếu ngủ sẽ không tỉnh dậy được nữa.
Mọi thứ dường như quá mong manh.
Em lục xem lại những video, bức hình của ngày xưa khi 2 vợ chồng du lịch Phú Quốc, Bali, Đà Lạt, hình ảnh Bắp lúc chào đời và những video con cười giòn tan. Xem xong, em lại sợ, sợ không được cùng con lớn lên, không được cùng anh già đi, không được chăm sóc ba má. Lúc này, em hơi ích kỷ nhưng nếu em không qua khỏi anh có thể chăm sóc ba má em luôn được chứ...?
Viết những dòng này mà nước mắt cứ rơi, lại càng thấy khó thở, thôi em sẽ không nghĩ lung tung nữa. Anh vẫn hay nói em khoẻ như trâu nên chắc sẽ ổn thôi anh nhỉ? Em hi vọng anh sẽ không đọc những dòng tâm sự này một mình, em sẽ vượt qua và chiến thắng bệnh tật, rồi một ngày nào đó, chúng mình sẽ đọc cùng nhau, tưởng tượng lúc đó chắc sẽ bị anh chọc quê vì em trẻ con, hay nghĩ xàm xí... Nhưng thật sự chưa bao giờ em lại sợ chưa kịp nói với anh những điều em muốn nói.
Em mong ngày mai vẫn có thể thức giấc, được hít thở và nhìn ngắm Bắp, nhìn anh và ba má qua màn hình điện thoại. Em cầu mong mọi điều bình an, để sớm được ôm và hít hà cục Bắp. 2 ngày nay chỉ nhìn nhau qua màn hình điện thoại, thấy khoé mắt cay cay, thương con!".
Đây là bức tâm thư chị Đặng Thị Mỹ Xim, 28 tuổi, tư vấn viên bảo hiểm, sống cùng gia đình tại quận Tân Phú, TP.HCM gửi chồng trong đêm khó thở sau 2 ngày dương tính với SARS-CoV-2. Chị không dám ngủ vì sợ "không qua khỏi", nhưng sau cùng, hành trình 19 ngày tự điều trị Covid-19 tại nhà đã trôi qua với nhiều cảm xúc lắng đọng.
Bất chợt một ngày test nhanh 2 vạch
Gia đình chị Xim có 6 thành viên, gồm ba mẹ chồng (trên 60 tuổi), em chồng (24 tuổi), vợ chồng chị cùng cậu con trai 20 tháng tuổi. 5 người lớn đều đã được tiêm 1 mũi vaccine Covid-19 AstraZeneca vào đầu tháng 8.
Tình hình dịch bệnh phức tạp, một số người quen xét nghiệm đều mắc Covid-19, chị Xim mua 10 bộ test nhanh cất sẵn trong nhà, phòng trường hợp khẩn cấp.
Sáng 2/9, cả nhà lên kế hoạch ăn mừng lễ Quốc khánh thật "hoành tráng" tại gia, thì khoảng 10h, nhà đối diện bị cơ quan chức năng chăng dây, dựng bảng "có F0 cách ly tại nhà". Thời điểm đó, chị Xim không có triệu chứng gì, nhưng linh tính mách bảo test thử xem sao? Mẹ chồng còn bảo con dâu bị ám ảnh, nhưng không ngờ, que test nhanh hiện lên 2 vạch trong sự hoang mang tột độ của mọi người.
Nghĩ rằng làm sai cách, chị Xim nhờ em chồng test lại lần nữa, nhưng kết quả vẫn là 2 vạch rõ ràng. Cả nhà bắt đầu hốt hoảng, lần lượt test thì đều âm tính và hoài nghi chị Xim bị dương tính giả.
Dù vậy, để an toàn, chị chủ động lên phòng làm việc tự cách ly, gọi điện cho tổ trưởng tổ dân phố báo cáo tình hình thì được hướng dẫn đến bệnh viện test PCR. Chị quyết định gọi test PCR tại nhà, vì đúng ngày lễ nên được hẹn sang 3/9.
"Lúc này, mình nuôi hi vọng là âm tính", chị kể và cho biết vẫn làm việc bình thường, tối 2/9 còn livestream trên kênh TikTok và thức xem bóng đá trận Việt Nam gặp Ả Rập tới hơn 3h sáng mới đi ngủ.
Chị Xim cùng mẹ chồng và con trai đã trải qua 19 ngày tự điều trị Covid-19 tại nhà
Sáng 3/9, nhân viên y tế tới nhà lấy mẫu xét nghiệm và hẹn 24 giờ sau có kết quả, cả gia đình hồi hộp chờ đợi. Hơn 3 tháng ở nhà nên chị hơi chủ quan, không chuẩn bị thuốc men hay dự trữ nhiều đồ ăn. Chị bắt đầu tìm mua thuốc, máy đo chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên), nước muối, cồn khử khuẩn, que test nhanh, sả, gừng, tỏi, cam, rau củ,...
"Chỗ nào bán và giao hàng liền là mừng lắm nên mình mua mà không thèm nhìn giá luôn, tới lúc ra hóa đơn cũng hết hồn", chị Xim kể.
Căn nhà của gia đình thông 2 căn, một bên cho thuê, một bên sinh sống, nhưng vì dịch kéo dài nên khách thuê trả phòng về quê hết. Chị Xim và gia đình thực hiện cách ly, chị ở một căn riêng, tới giờ ăn, người thân sẽ mang cơm để ngoài cửa phòng.
Chị được một đồng nghiệp cũng là F0 chia sẻ tham gia nhóm Zalo hỗ trợ tự điều trị tại nhà. Nhóm gồm các tình nguyện viên, sinh viên trường Y luôn theo sát và hướng dẫn rất tận tình, tập hít thở, tập thể dục, tư thế nằm ngủ, cách tự đo nhịp thở, dinh dưỡng thế nào để mau hồi phục sức khoẻ. Họ còn hướng dẫn cách hạn chế lây nhiễm virus cho người nhà chăm sóc, cập nhật các chỉ số nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ, chỉ số SpO2, huyết áp sáng, trưa, chiều, tối và có gì bất thường hoặc cần uống thuốc sẽ nhờ bác sĩ tư vấn.
Trưa 3/9, dù chưa có kết quả test PCR nhưng triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện. Chị Xim sốt, đau đầu, nhức khắp cơ thể, hơi rát họng, giọng bị khàn nhưng mọi thứ giống như bệnh cảm thông thường. Ngoại trừ việc lần đầu tiên chị trải nghiệm bị mất vị giác.
Tối đó, chị nhận kết quả PCR dương tính, lúc này mới chịu chấp nhận sự thật mình là F0. Chị không lo lắng cho bản thân, vì đã tiêm 1 mũi vaccine, sức khỏe tốt và được một vài đồng nghiệp đã từng "đánh bại" Covid-19 chia sẻ cách tự điều trị tại nhà. Chị nghĩ nhiều về con nhỏ và bố mẹ chồng đều đã trên 60 tuổi, lại có bệnh nền.
"Đến hiện tại, mình vẫn không biết chính xác nguồn lây, có thể suy đoán khu nhà sinh sống là vùng đỏ, xung quanh nhiều F0. Cả gia đình đều ở nhà hơn 3 tháng qua. Ba mẹ chồng thỉnh thoảng nhận hàng ở đầu hẻm, nhưng đều xịt khuẩn an toàn và đầy đủ trước khi vào nhà", chị Xim nhớ lại.
Chồng gửi lời động viên hai mẹ con sớm chiến thắng Covid-19
Mẹ chồng 63 tuổi và con trai 20 tháng cũng mắc Covid-19
Ngày 4/9, các triệu chứng bệnh nặng hơn. Chị Xim bị nghẹt mũi nặng, không thể thở bằng mũi, chuyển qua hít thở bằng miệng. Người rã rời, đau đầu, không thể tập thể dục nổi, chỉ đi qua đi lại vài bước trong phòng cũng thấy khó khăn.
Chị bổ sung vitamin A, C, D, thuốc giảm đau đầu và súc họng, rửa mũi bằng nước muối. Về đêm, chị bị khó thở và đo SpO2 tụt xuống còn 92 - 93%, nằm mãi không dám ngủ. Tối đó, chị viết tâm thư gửi chồng.
Sang ngày 5/9, triệu chứng đã nhẹ hơn, không còn bị khó thở, nhưng lúc này nỗi lo lắng của chị lại chuyển qua cậu con trai tên Bắp. Em bé bắt đầu âm ấm, tới trưa là sốt, nhưng cả gia đình không ai dám test nhanh cho bé.
Chị Xim gọi dịch vụ test PCR, họ hẹn thứ 2, nhưng chị năn nỉ nói "con em nhỏ lắm, nhờ anh/chị xét nghiệm kịp thời". Chiều Chủ nhật hôm đó, nhân viên y tế tới lấy mẫu cho bé Bắp và toàn bộ gia đình.
"Ở trên tầng 2 nghe tiếng con khóc thét lúc lấy mẫu, mình xót xa lắm. Lòng thầm cầu mong con âm tính, nhưng không, hôm sau trả kết quả dương tính, lại một cuộc di dời", chị Xim kể.
Chị quyết định chuyển con qua cùng mình, mang thêm máy tiệt trùng, máy nước nóng lạnh, đồ chơi của bé, mền gối,… Lúc bế, nghe tiếng con rên hự hự, người thì nóng, nhiệt độ đo được 39,2 độ C, chị rất lo lắng. Em bé từ khi sinh ra tới giờ chưa bao giờ sốt cao như vậy, trộm vía bé chưa từng ốm vặt nên kinh nghiệm chăm sóc con ốm của chị là con số 0. Trong nhà cũng không có sẵn thuốc cho em bé, chỉ còn 2 gói thuốc hạ sốt đề phòng lúc bé đi tiêm ngừa.
5 phút sau khi uống thuốc, bé Bắp nôn hết. Bé sợ, nên khóc càng to hơn. Ba và bà nội nóng ruột, hốt hoảng chạy lên. Người bế, lau người cho Bắp, người dọn dẹp.
"Mình chỉ biết khóc, khủng hoảng thật sự, dặn chồng và mẹ xuống nhà để mình tự chăm sóc, sợ lây nhiễm chéo nhưng mẹ mình bảo hi sinh thôi chứ không đành lòng nhìn 2 mẹ con như vậy", chị Xim tâm sự.
Đến chiều, Bắp hạ sốt, nhưng mẹ vẫn phải bế ẵm trên tay. Chị Xim liên hệ người quen bên Bệnh viện An Sinh để 2 mẹ con được nhập viện, vì sợ em bé điều trị tại nhà không được chăm sóc đúng cách cũng như đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho các thành viên khác.
Sau khi đánh giá mức chi phí và được tư vấn sẽ phải tự chăm sóc con một mình, ở chung với các F0 khác, sợ ảnh hưởng tâm lý khi chứng kiến bệnh nhân khác trở nặng, chị quyết định tiếp tục bế con tự chiến đấu tại nhà.
Em bé mắc Covid-19 sốt nhiều ngày, chị Xim chăm con đến nỗi quên luôn mình là F0
Từ lúc chăm con, chị Xim cũng quên luôn mình là F0. Bé sốt 3 ngày đầu, ngày thì ẵm bế trên tay, tối thức canh lau người cho con. Đến khi bé ổn cũng là lúc chị hết triệu chứng, 2 mẹ con gần như bình thường chỉ chờ đợi ngày âm tính.
Tuy nhiên, đến chiều 9/9, mẹ chồng bắt đầu ngứa cổ, nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi xét nghiệm. Cả nhà lại thêm một phen lo lắng, vì bà lớn tuổi, có bệnh nền huyết áp, suy tĩnh mạch và trước đó từng điều trị rối loạn nhịp tim. Hơn nữa, bà thường nấu ăn, chăm lo dinh dưỡng cho cả nhà. Tình thế bắt buộc em chồng chị Xim phải học nấu cháo cho Bắp, chuẩn bị cơm cho gia đình.
"Đó là chuỗi ngày ăn chả lụa, chả cá chiên, trứng chiên, măng tây xào… nhưng sau đó cô Út cũng đã 'tốt nghiệp' đầu bếp chuyên nghiệp sau 7 ngày vật vã dậy sớm nấu nướng cho cả nhà", chị Xim chia sẻ.
Điều quan trọng nhất là tinh thần lạc quan
Ngoài thuốc men, chị Xim còn làm theo những "mẹo" dân gian chia sẻ: chưng tỏi với mật ong, uống nước dừa nấu với gừng. Mẹ chồng xông mũi bằng tỏi, xông người bằng sả, gừng, uống trà gừng. Sáng sớm, chị tham gia lớp thiền và yoga online, tập điều chỉnh hơi thở và tập thể dục, giúp tinh thần sảng khoái hơn.
Những lúc khó thở, chị chủ động đo SpO2, còn bình thường đo theo khung giờ bác sĩ tình nguyện hướng dẫn. Bé Bắp chỉ đo SpO2 lúc ngủ, hoặc lúc còn thức chị Xim kiểm tra nhưng kẹp vào ngón chân cái của bé, thấy trên 95% và bé vẫn chơi bình thường thì cũng an tâm.
Còn mẹ chồng dù mắc bệnh nền, nhưng may mắn không xuất hiện triệu chứng nặng. Bà chỉ bị sốt, ho và tiêu chảy nhẹ.
"Đối với mình và mẹ chồng thì Bắp chính là động lực để cố gắng mau khoẻ còn chăm con/cháu tốt hơn. Nhìn Bắp sụt cân, chân đi không vững mà xót xa, mình chỉ mong mau trở lại cuộc sống bình thường để con được xuống nhà chạy nhảy, phá phách và ăn uống tốt hơn", chị chia sẻ.
Sau 14 ngày, chị Xim âm tính trở lại, bé Bắp và bà nội vẫn dương tính. Mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm, Bắp đều khóc ré lên khiến chị xót xa. Đến ngày 19/9, 2 bà cháu đều âm tính, ngày 20/9, kết quả lần 2 cũng âm tính. Cuối cùng, cả gia đình kết thúc cách ly, quay về trạng thái "bình thường mới".
Trong đêm khó thở, sợ "không qua khỏi", chị Xim đã viết một bức tâm thư gửi chồng
Các thành viên vẫn tuân thủ đeo khẩu trang, không ăn chung như trước mà chia riêng từng phần ăn, rửa mũi và khò họng thường xuyên bằng nước muối, chăm xịt khuẩn và vệ sinh nhà cửa.
Sau hành trình chiến đấu với Covid-19, đối với chị Xim, điều quan trọng nhất chính là tinh thần. Hãy luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan, nghĩ về những người bạn yêu thương, nghe nhạc, xem những video truyền động lực. Theo chị, các F0 nên cố tập thể dục vận động nhẹ dù cơ thể có đang rệu rã, cố gắng ăn, ăn thật nhiều dù mất vị giác, để có sức khỏe chiến đấu với bệnh tật.
Bắp đã cùng mẹ đánh bay con Covid rồi nhé!
"Và một lời khuyên cho những ai vẫn còn khoẻ mạnh, đừng chủ quan với Covid-19, hãy luôn chuẩn bị sẵn những thứ cơ bản (các loại thuốc hạ sốt, đau đầu, ho, tiêu chảy, sổ mũi, vitamin, nước muối, cồn khử khuẩn, máy đo SpO2), sinh hoạt điều độ, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng", chị nói.
Đặc biệt, theo chị Xim, những lúc bệnh, dinh dưỡng cũng vô cùng cần thiết. Chị khuyên, những anh chồng nào chưa biết nấu ăn thì nên tìm hiểu một số công thức cơ bản, để nếu rơi vào tình huống tương tự gia đình chị, còn biết cách chăm sóc người thân.
Clip hướng dẫn cách tự phát hiện các triệu chứng Covid-19 nặng tại nhà (Nguồn: Bộ Y tế)
Theo kenh14.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.