Video tuyển cô gái lừa vào các điểm có hoạt động kích dục.
Lên phương án cụ thể và thận trọng
Đội hỗ trợ Phòng chống tội phạm quận Bình Tân, TP.HCM (SOS 247) được thành lập vào 2017 với 30 thành viên. Công việc của Đội là hỗ trợ pháp lý cho các tài xế, đồng thời can thiệp bảo vệ những người yếu thế.
Khoảng 2 tháng gần đây, SOS 247 liên tục nhận được nhiều cuộc gọi cầu cứu của những cô gái bị ép vào các điểm kinh doanh có hoạt động kích dục và đã giải cứu thành công 4 vụ.
"Trong 2 tháng qua, SOS 247 có nhận được nhiều cuộc điện thoại của các cô gái nhờ giải cứu ra khỏi các quán karaoke, cà phê, massage có hoạt động kích dục. Hầu hết các cô gái bị lừa vào đường dây có hoạt động kích dục là ở dưới quê lên Sài Gòn tìm việc. Vì thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin, một số cô đã bị các đối tượng trong đường dây môi giới lừa gạt" - Anh Lâm Quân Trường - Đội trưởng SOS 247 nói.
Các thành viên SOS 247 nhập vai cùng PV Báo Lao Động để lần theo đường dây môi giới.
Theo anh Trường, khi tiếp nhận thông tin cầu cứu, Đội liền tập hợp các thành viên để lên phương án giải cứu cụ thể. Các thành viên SOS 247 tìm hiểu, xác minh địa điểm có hoạt động kích dục, chủ kinh doanh địa điểm này và cả nạn nhân. Sau đó, lên phương án giải cứu như thế nào để không xảy ra va chạm, tránh gây thương tích giữa các thành viên SOS 247 với các đối tượng bảo kê của quán.
"Một số quán khi bị anh em SOS 247 gây áp lực, thì chủ chấp nhận thả nạn nhân ra về và không đòi tiền chuộc. Ngược lại, một số quán có "máu mặt", được nhiều đối tượng bảo kê thì cương quyết bắt gia đình nạn nhân hoặc anh em SOS 247 phải bỏ tiền ra chuộc thì mới được ra" - anh Trường nói.
Một trong những nạn nhân được nhóm SOS 247 và PV Báo Lao Động giải cứu đưa về đồn công an.
Anh Trường cung cấp thêm thông tin là khi có được "con mồi", các đối tượng môi giới sẽ phân loại các cô gái theo từng mức độ. Trên cơ sở tùy vào nhan sắc sẽ ra giá với các chủ kinh doanh từ 3 -15 triệu đồng/cô gái. Khi lọt vào tay chủ quán thì các cô khó có thể thoát ra được.
"Các cô đều bị chủ quán giam lỏng, không cho ra ngoài và thậm chí là đánh đập, ép phải "tiếp khách". Khó khăn cho chúng tôi là chưa có đủ chứng cứ để thông báo cho cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ. Mặt khác, khi liên lạc với chúng tôi, các nạn nhân thường mượn điện thoại của khách vì quán cấm và tịch thu điện thoại nên việc giải cứu gặp nhiều khó khăn"- anh Trường nói.
Phải đưa nạn nhân ra khỏi quán, trước khi đối tượng bảo kê kéo đến
Hai cô gái được nhóm hiệp sỹ Bình Dương giải cứu ra khỏi quán cafe có hoạt động kích dục
Anh Nguyễn Thanh Hải - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm Thủ Dầu Một (Bình Dương) - người được mệnh danh là "hiệp sỹ" cho biết, anh em "hiệp sỹ" tham gia giải cứu các cô gái bị bắt vào làm cho các tụ điểm kích dục, nếu không thận trọng thì khả năng đổ máu là rất lớn.
Theo anh Hải, việc giải cứu phải diễn ra trên nguyên tắc nhanh gọn, an toàn và tránh va chạm gây thương tích. Điều quan trọng nhất là tránh để chủ quán phát hiện ra, sẽ nhanh chân "tẩu tán" nạn nhân bịt đầu mối.
"Các quán này đều có lực lượng bảo kê hùng hậu với vũ khí nóng. Vì vậy, khi chúng tôi vào giải cứu là phải chặn đứng mọi liên lạc của chủ quán với các đối tượng bảo kê. Không để cho chủ quán gọi điện báo cho lực lượng này đến. Vì nếu bọn chúng đến thì rất nguy hiểm đến tính mạng của anh em thành viên và cả nạn nhân" - anh Hải nói.
Các thành viên SOS 247 bàn phương án giải cứu một cô gái ở quán karaoke có hoạt động kích dục tại quận Gò Vấp.
Đồng tình với quan điểm của anh Hải, anh Trần Nhật Duy - Phó Đội SOS 247 là người trực tiếp giải cứu 2 cô gái tại một quán karaoke ở quận Gò Vấp và huyện Nhà Bè (TP.HCM) đã kể lại những hiểm nguy trong quá trình giải cứu.
"Các quán kinh doanh có hoạt động kích dục đều có những đối tượng "máu mặt" bảo kê. Vì vậy, một khi đã đụng chạm đến "nồi cơm" của bọn chúng thì chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm không thể lường hết. Việc giải cứu phải nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho anh em và cả nạn nhân. Phải luôn liên lạc với nạn nhân để đảm bảo không bị mất dấu, đồng thời hướng dẫn nạn nhân cách ứng phó với bọn ma cô" - anh Duy nói.
Khi đi giải cứu các cô gái, nhiều anh em thành viên trong nhóm giải cứu, có thêm một nỗi khổ tâm là vợ con và người nhà lo lắng cho sự an nguy của bản thân.
"Anh em luôn mong rằng xã hội và nhất là gia đình ủng hộ, vì những việc như vậy mà không giúp thì anh em rất cắn rứt lương tâm. Chị em phụ nữ nên xem đây là bài học cảnh giác, cần thận trọng với những lời mời tuyển dụng cho công việc nhẹ nhàng nhưng lương cao"- anh Duy nói.
Theo Trí thức trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.