Vụ án vợ chặt đầu chồng ở Bình Dương: Phải làm sao để giúp hai đứa trẻ hòa nhập lại với cuộc sống

Những ngày gần đây dư luận xôn xao bởi vụ án nghiêm trọng, vợ giết chồng, chặt xác rồi phi tang ở nhiều bãi rác khác nhau. Trong khi động cơ gây án của người vợ đang tiếp tục được mổ xẻ, thì vấn đề cần được quan tâm hơn là làm sao để giúp hai đứa con của đôi vợ chồng này vượt qua được cú sốc để tiếp tục cuộc sống.

Được biết nghi phạm của vụ án là Hàng Thị Hồng Diễm, 32 tuổi quê ở tỉnh Hậu Giang. Nghi phạm kết hôn với chồng năm 18 tuổi và đến nay, hai vợ chồng đã có với nhau 2 người con, bé lớn hiện đang học lớp 8 còn bé thứ hai đang học lớp 3.

Nghi phạm Hàng Thị Hồng Diễm

Theo mẹ ruột của nghi phạm, hiện cả hai đứa trẻ đều chưa được biết gì về thảm cảnh của cha mẹ mình. Tuy nhiên, với việc báo chí đưa tin rầm rộ như hiện nay thì việc các bé biết tin chỉ là sớm muộn. Đây chắc chắn sẽ là cú sốc lớn với 2 đứa trẻ. Tội lỗi do người lớn gây ra, nhưng hậu quả lớn nhất để lại sẽ là những nỗi ám ảnh không bao giờ có thể quên với những đứa con ngây thơ, vô tội.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia Tâm lý Lê Thị Lan Anh, điều phối viên chương trình Tâm sự bạn trẻ 360 (tamsubantre.org) để làm rõ hơn về những sang chấn tâm lý mà những đứa trẻ, con của nghi phạm và nạn nhân có thể gặp phải.

Theo chuyên gia, việc hai em bé bị sang chấn tâm lý là điều chắc chắn. Bởi ngay đến những người lớn như anh trai của nạn nhân hay mẹ ruột của nghi phạm đều không tránh khỏi bị sốc khi biết đến sự việc. Trên thực tế, tất cả các vụ án liên quan đến bạo lực dù dưới hình thức nào đều có thể gây ra những sang chấn tâm lý cho người thân của nạn nhân và đặc biệt là những đứa trẻ. Nhất là trong vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như thế này, hai em bé sẽ phải đối mặt với thảm cảnh bố thì mất, mẹ thì có nguy cơ phải vào tù. Chắc chắn cú sốc này sẽ trở thành nỗi ám ánh lớn cho các em.

Việc những đứa con của nghi phạm và nạn nhân bị sang chấn tâm lý là khó tránh khỏi

Trong trường hợp này, trẻ em chính là nạn nhân gián tiếp của bạo lực. Mặc dù không trực tiếp bị bạo lực, nhưng các em lại chịu hậu quả nặng nề về tâm lý. Lúc này sự hỗ trợ của người thân, nhà trường và các tổ chức xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các bé vượt qua cú sốc để tái hòa nhập với cuộc sống. Dĩ nhiên, cuộc sống của các em sẽ không thể giống như trước đây được nữa, bởi lẽ cú sốc này sẽ như một dấu vết không thể xóa được trong tâm lý của các em.

Về phía gia đình, người thân cần có sự động viên, quan tâm, chăm sóc thường xuyên. Nếu cần thiết phải gửi các em tới gặp các chuyên gia tư vấn tâm lý, hoặc các tổ chức xã hội chuyên hỗ trợ cho những trẻ có trường hợp đặc biệt như thế này.

Về phía nhà trường, cần có sự quan tâm, phối hợp với người thân để đảm bảo việc học tập của các bé không bị ngắt quãng. Nhà trường cũng cần có sự giáo dục và quán triệt các em học sinh khác tuyệt đối không kỳ thị, xã lánh bạn. Nếu không trẻ rất dễ tự ti, sợ giao tiếp với người khác và dẫn đến những bất ổn về tâm lý.

Ngoài ra cần có sự phối hợp chặt chữ giữa các bên để nhận biết sớm các biến động tâm lý của trẻ như sợ sệt không dám giao tiếp với người khác, rối loạn giấc ngủ, tỉnh giấc giữa đêm, thường xuyên la hét… để có biện pháp điều trị tâm lý kịp thời.

Bạo lực gia đình luôn là vấn đề nóng hổi và để lại nhiều hệ lụy. Những năm gần đây, các vụ án bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Trong đó chịu hậu quả đau đớn nhất luôn là trẻ em, những người có thể trực tiếp hoặc gián tiếp là nạn nhân của bạo lực.

Hiện tại, bên cạnh công tác điều tra làm rõ động cơ của vụ án và có hình thức xét xử thích đáng cho kẻ gây án, thì việc quan tâm, giúp đỡ hai đứa trẻ con của nan nhân cũng là việc làm vô cùng bức thiết và quan trọng.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang