Vụ người mẹ khai bóp mũi hai con nhỏ: Trầm cảm đáng sợ mức nào?

(lamchame.vn) - Ở thế giới, cứ 100 phụ nữ sinh con thì có từ 8-15 người mắc bệnh trầm cảm sau sinh tùy quốc gia. Trong số những người mắc bệnh này, 50% tự vượt qua được nhưng nhiều người lại không thể, tìm đến những kết cục tiêu cực.

Mới đây, tại tỉnh Kiên Giang đã xảy ra vụ việc hết sức đau lòng, chấn động dư luận: Hai đứa trẻ 1 tuổi và 2 tuổi chết thảm do bị bóp mũi. Sau vụ việc, người mẹ hai bé là Nguyễn Thị Thảo (SN 1996) đã khai nhận rằng mình bóp mũi giết chết 2 con của mình. Tuy nhiên, người mẹ trẻ này được cơ quan chức năng đưa đi giám định tâm thần vì lời khai còn khá lơ mơ, không nhất quán.

Cụ thể, Thảo khai rằng vào sáng 30-9, trong lúc chồng và cha mẹ chồng đi đám cưới thì chị ta đã ra tay sát hại con ruột bằng cách bóp mũi bé Phạm Thanh Ngân (SN 2017) đến tử vong. Sau đó, Thảo dùng gối ôm đè vào mặt bé Phạm Thanh Lãm (SN 2016) cho đến tắt thở rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Đây không phải là lần đầu tiên một người mẹ chính tay giết chết con đẻ của mình sau sinh. Trước đó, ở Hà Nội, có bà mẹ đã dìm đầu con mình trong thau nước vì chứng trầm cảm sau sinh hay có người mẹ tự vẫn cùng con dưới dòng sông Hồng. Dư luận đặt câu hỏi những bà mẹ này liệu có bị trầm cảm hay không, và trầm cảm đáng sợ mức nào?

Ở thế giới, cứ 100 phụ nữ sinh con thì có từ 8-15 người mắc bệnh trầm cảm sau sinh tùy quốc gia. Trong số những người mắc bệnh này, 50% tự vượt qua được nhưng nhiều người lại không thể, tìm đến những kết cục tiêu cực. Trong khi đó, theo số liệu thống kê ở Bệnh viện Hùng Vương TP HCM, trong số những sản phụ gửi con dưỡng nhi ở bệnh viện này, có tới 11,6% số người mắc bệnh trầm cảm sau sinh.

Theo các chuyên gia, do mất ngủ, mệt mỏi kéo dài, cộng với thái độ không chia sẻ, không tâm lý của chồng và người thân trong gia đình, nhiều bà mẹ có những cách đối phó tiêu cực với thực tế. Một số người tìm đến sự lảng tránh như xa lánh con, không cho con bú, nhiều người khác hung hãn hơn còn muốn giết con, ném con ra cửa. Trong khi đó, một số người muốn làm hại chính mình bằng cách tự tử. Do đó, người chồng, người thân trong gia đình cần tiếp cận gần gũi, chăm sóc chu đáo người mới sinh xong để không gặp phải những hậu quả đáng tiếc.

Dưới đây là cảm giác của người trầm cảm mà mọi người cần biết để can thiệp kịp thời:

Họ cảm thấy bị cô lập

Các chuyên gia cho rằng những người trầm cảm rất thận trọng khi chia sẻ, gần gũi với người khác vì họ có cảm giác xấu về bản thân, không muốn thành gánh nặng cho người khác.

Thù ghét bản thân

Những người trầm cảm có thể nuôi những suy nghĩ tiêu cực không dễ dàng thuyết phục được. Do đó, nếu nghe một người nói về những chuyện tiêu cực, hãy cố gắng phân tích cho người đó thấy rằng lỗi không chỉ đến từ họ, mà còn từ những người khác.

Cử chỉ nhỏ, ý nghĩa lớn

Chỉ cần kiên trì tiếp cận, trao những cử chỉ nhỏ cũng tạo ra sự khác biệt cho những người trầm cảm. Tuy có thể mất nhiều năm để họ thoát ra căn bệnh này nhưng sự quan tâm mọi người giúp họ biết rằng cánh cửa luôn mở bất cứ khi nào họ sẵn sàng.

Trầm cảm gây suy nhược thể chất

Dấu hiệu của trầm cảm nặng là người bệnh không có khả năng chăm sóc nhu cầu cơ bản của mình như bỏ bê chuyện học hành, ăn uống, tắm rửa…

Thay đổi quan điểm điều trị

Không phải dẫn đến bác sĩ, cho người bệnh uống thuốc là sẽ khỏi trầm cảm. Càng bắt họ thoát khỏi căn bệnh, người nhà có thể càng khiến bệnh nhân rơi vào vòng xoáy suy nghĩ tiêu cực. Do đó, nếu người trầm cảm không muốn điều trị, hãy tìm cách làm xao lãng họ như đưa đi xem phim, đi dạo hoặc làm những điều các bạn cùng làm trong quá khứ.

Nhìn chung, trầm cảm là căn bệnh có thể điều trị nếu người bệnh được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Nếu bạn hoặc một người nào đó bạn biết đang bị trầm cảm, đừng ngại tiếp cận để được giúp đỡ.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang