Những hình ảnh này khiến nhiều người phản ứng vì cho rằng bệnh nhân PTTM cần được bảo mật thông tin, quay phim, chụp hình ảnh lộ bộ phận nhạy cảm lên mạng xã hội là việc làm phản cảm. Về việc này, PV báo SK&ĐS đã trao đổi với luật sư để làm rõ hơn vấn đề trên.
Theo tài khoản facebook của BV Thẩm mỹ Việt Mỹ (quận 1, TP.HCM) livestream cảnh bác sĩ đến phòng bệnh lì xì, khám hậu phẫu cho bệnh nhân vừa PTTM. Clip dài hơn 4 phút cho thấy phòng bệnh có nhiều bệnh nhân vừa nâng ngực, mông, được đeo khẩu trang. Tuy nhiên, một nữ bệnh nhân vẫn chưa kịp che mặt khi bắt đầu livestream. Bác sĩ đã trực tiếp thăm khám, tháo áo định hình trên ngực của một bệnh nhân và dùng tay chạm vào vòng 1, hướng dẫn cách chăm sóc hậu phẫu. Vị bác sĩ này tiếp tục khám cho một bệnh nhân nâng mông. Bệnh nhân này nằm sấp, khuôn mặt và các vùng khác trên cơ thể được che chắn, chỉ để lộ vòng 3. Những hình ảnh này khiến nhiều người phản ứng gay gắt vì cho rằng bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ cần được bảo mật thông tin, quay chụp hình ảnh lộ bộ phận nhạy cảm lên mạng xã hội là phản cảm.
Thông tin cá nhân hình ảnh của bệnh nhân cần được giữ kín.
Luật sư Hà Đăng - Văn phòng Luật sư Hà Đăng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Hiện nay các quốc gia trên thế giới đều có luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có hình ảnh cá nhân. Thông thường, các bác sĩ khi sử dụng hình ảnh của bệnh nhân vào mục đích y học như lưu trữ, trao đổi với đồng nghiệp,... đều phải có sự cho phép của bệnh nhân. Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành năm 2009 của Bộ Y tế quy định: “Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư” ghi rõ: Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Thông tin quy định tại khoản 1 điều này chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.
Về hình thức xử phạt được quy định tại Điểm e, Khoản 2, Điều 8, Nghị định 159/2013. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác...
Những cá nhân đăng tải hình ảnh của người khác trên trang mạng xã hội như facebook... thì bị xử phạt theo Điểm e, Điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013 quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng. Quy định này dùng để xử phạt đối với một trong các hành vi như thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý... Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc trên, theo luật sư Phạm Huy Tuyến, Văn phòng Luật sư Phạm Danh: Trong điều kiện công nghệ và mạng xã hội phát triển như hiện nay, việc rò rỉ thông tin hay hình ảnh có tính cách riêng tư càng trở nên có nguy cơ cao hơn bao giờ hết, tính riêng tư và bảo mật của bệnh nhân cũng nằm trong mối nguy cơ đó. Sự rò rỉ thông tin hình ảnh có thể là vô ý, thiếu kiến thức và hiểu biết về nghiệp vụ hoặc cố tình. Dù bất kỳ lý do nào, dưới mọi hình thức nào thông tin riêng tư của bệnh nhân được phát tán ra ngoài mà không có sự đồng thuận của bệnh nhân, hoặc ngoài một số quy định của luật pháp là có thể vi phạm quy định nghề nghiệp, vi phạm pháp luật hay cả hai.
Mỗi người đều có quyền được thông tin đầy đủ về bệnh tật và tình trạng bệnh tật, quá trình điều trị của mình, trừ khi có giấy cam kết hoặc ủy quyền của đương sự cho phép tiết lộ thông tin, hoặc trong một số trường hợp ngoại lệ; mỗi người đều có quyền khiếu kiện những ai tiết lộ thông tin trong hồ sơ bệnh lý của mình phi pháp khi không có giấy cam đoan.
Luật An toàn thông tin mạng chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016. Như vậy, việc phát tán trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác cũng là một hành vi bị nghiêm cấm. Điều 8, Luật An toàn thông tin mạng quy định, người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.