Đó là một trong những câu chuyện buồn mà bác sĩ Hồ Thanh Phong - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) kể khi nói về những khó khăn, áp lực mà mình và các đồng nghiệp làm việc trong hệ hồi sức cấp cứu phải chịu đựng.
Bác sĩ Hồ Thanh Phong.
Bác sĩ cấp cứu mâu thuẫn với người nhà bệnh nhân như cơm bữa
Bác sĩ Phong chia sẻ, mỗi ngày bệnh viện nhận cấp cứu từ 100-120 người, lúc cao điểm có thể lên đến 140 ca.
Thông thường, người bác sĩ trực cấp cứu sẽ đi 3 ca 4 kíp, ngày nào cũng phải có mặt ở viện. Phải túc trực 24/24 mới đảm bảo công tác cấp cứu.
Điều dưỡng tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức chăm sóc bệnh nhân.
Ở vị trí quản lý khoa, ngoài công việc thường ngày thì với những trường hợp đặc biệt, bác sĩ Phong cũng phải vào hỗ trợ khi có điều động.
"Một tuần bác sĩ cấp cứu trực tối thiểu là 2 đêm, giờ sinh lý bị xáo trộn. Thông thường giờ làm tại bệnh viện là 7 giờ sáng đến 16 giờ chiều, tuy nhiên nếu đi theo kíp sẽ là 16 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, kíp còn lại từ 4-16 giờ chiều.
Bệnh nhân liên tục ra vào tại khoa Cấp cứu.
Khi giờ giấc không ổn định thì sự hỗ trợ từ phía gia đình là khá lớn. Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức nằm ở khu vực cửa ngõ, thường xuyên cấp cứu đa chấn thương, việc huy động toàn ê-kíp cấp cứu và báo động đỏ toàn bệnh viện diễn ra liên tục.
Có những lúc mình vừa về nhà thì đã có ca mổ khó phải vào viện ngay. Nói thẳng ra, mình không thể nào chu toàn chuyện gia đình được và ít nhiều phải có sự hy sinh gia đình cho công việc" – bác sĩ cho biết.
Áp lực công việc tại khoa rất cao.
Bác sĩ giải thích với người mẹ về tình hình bé gái.
Cũng chính vì thường xuyên tiếp xúc với những ca bệnh nặng, chuyện mâu thuẫn với thân nhân bệnh nhân của bác sĩ Phong và đồng nghiệp là không đếm hết.
"Có những trường hợp không có thân nhân từ ban đầu. Khi có mặt, với tâm lý tuyến trên luôn tốt họ nhất quyết đòi chuyển viện.
Như gần đây là một trường hợp vỡ khung chậu, người nhà nằng nặc đòi lên Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng nếu đưa đi bệnh nhân có thể mất trên đường chuyển viện. Lương tâm thầy thuốc không cho phép chúng tôi đẩy bệnh nhân đi để giải tỏa trách nhiệm. Việc giải thích cho người nhà hiểu rõ thực sự là một áp lực.
Nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, người nhà mang tâm lý lo lắng cũng dễ xảy ra mâu thuẫn với bác sĩ.
Trường hợp này đã phẫu thuật thành công, người nhà sau đó cảm ơn chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ. Bệnh nhân, người nhà say xỉn lăng mạ nhân viên y tế là điều xảy ra như cơm bữa" – bác sĩ Phong tâm sự.
"Đó là cây kéo kẹp gòn, chứ mà cây kéo nhọn chắc chết rồi"
Có những trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông quá nặng, khi vào dù cố gắng cứu chữa hết sức nhưng vẫn tử vong. Trong cơn kích động, người nhà có hành động quấy phá, đổ lỗi, thậm chí muốn hành hung bác sĩ.
Bệnh nhân tại khoa Cấp cứu của bệnh viện.
Những trường hợp này theo bác sĩ Phong phải nhờ đến lực lượng bảo vệ, công an chứ không còn cách nào khác.
Tháng 5/2019, một bé trai băng qua đường bất ngờ nên bị người điều khiển xe máy đâm phải. Trong cơn bực tức, cha bé đã đánh người gây tai nạn cho con từ hiện trường đến khi đưa bé vào viện cấp cứu.
Bác sĩ cấp cứu luôn phải chuẩn bị tâm lý phải túc trực 24/24 trong viện.
Lo sợ ảnh hưởng đến các bệnh nhân khác, bác sĩ Phong lên tiếng can ngăn. Người cha trong cơn mất bình tĩnh đã cầm chiếc kéo kẹp gòn trong khoa lao đến nhân viên y tế.
Theo phản xạ đã quen, bác sĩ Phong vội vã né vào phòng trực và nhờ đội ngũ bảo vệ hỗ trợ. Vợ người đàn ông sau đó đến can ngăn và làm tâm lý cho anh ta thì mọi thứ mới ổn thỏa.
Chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ trong giao tiếp, ứng xử, người nhân viên y tế tại khoa Cấp cứu dễ bị hành hung, chửi mắng.
"Đó là cây kéo kẹp gòn, chứ mà cây kéo nhọn chắc chết rồi. Hồi mới làm khi bị chuyện như vậy mình cảm giác rất ức chế, vì đã cố gắng hết sức cứu bệnh nhân nhưng lỗi thì bị gia đình đổ hết toàn bộ.
Đến giờ đã làm công tác cấp cứu nhiều năm, mình hiểu được cảm giác của gia đình khi mất đi người thân thì rất dễ ảnh hưởng về tâm lý. Mình thông cảm cho họ" – bác sĩ Phong chia sẻ.
Điều dưỡng bổ sung hồ sơ cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế.
Cách tốt nhất là bỏ chạy
Nhưng đồng nghiệp của bác sĩ Phong thì không may mắn như vậy.
"Cái nghề gì bạc bẽo, làm thì hết lòng mà còn bị đánh chửi…" - mỗi khi công việc áp lực, mâu thuẫn với người nhà bệnh nhân, bác sĩ Đ. nhớ về lần mình bị hành hung.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức nằm ở cửa ngõ giáp ranh với tỉnh Bình Dương.
Lần đó, một chàng trai bị tai nạn giao thông được người đi đường đưa vào. Sau khi xử trí ổn thỏa cho bệnh nhân, bác sĩ Đ. lại khu vực máy tính để tiến hành in đơn thuốc.
Lát sau thân nhân mới có mặt. Người đàn ông tiến lại hỏi bác sĩ Đ. sao cứ ngồi hoài mà không thăm khám cho người nhà họ.
Bác sĩ Phong thăm khám cho một bệnh nhân nặng.
Theo bác sĩ, việc giải thích rõ ràng tình trạng và hướng điều trị sẽ giúp giảm mâu thuẫn với thân nhân người bệnh.
Mới vừa nói "tôi đã khám rồi, đang chờ kết quả", đối tượng đã lao tới đánh thẳng vào mặt và đầu bác sĩ Đ. Mọi chuyện quá bất ngờ, vị bác sĩ chỉ biết ôm đầu chịu trận trước khi lực lượng bảo vệ can thiệp.
Sau những lần gặp sóng gió, bác sĩ Phong nhận định mâu thuẫn chủ yếu giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân xuất phát ở chỗ: Bác sĩ cần tỉnh táo để cân nhắc xử trí phù hợp cho bệnh nhân theo từng thể trạng nặng nhẹ, còn gia đình đứng ở tâm thế người thân mình đang có chuyện, muốn được ưu tiên cấp cứu sớm.
Bác sĩ tâm sự về những lần đồng nghiệp bị hành hung.
Để giảm tối đa mâu thuẫn này, bác sĩ cho rằng phải trao đổi thật kỹ tình hình bệnh nhân với người nhà, nói rõ cho họ biết cách thức can thiệp cho bệnh nhân và những nguy cơ có thể xảy ra.
Dù áp lực lớn nhưng theo bác sĩ Phong, những lần cứu sống bệnh nhân nguy kịch là động lực để bước tiếp.
Sau tất cả, vị bác sĩ tự tin sẽ có thể gắn bó với nghề.
"100 bệnh nhân vào viện thì cũng chỉ có 5-6 người có thái độ gây hấn chứ không phải tất cả. Ngược lại một số y bác sĩ cũng có thái độ không tốt với bệnh nhân, bệnh viện cũng phải có quy định rõ ràng để xử lý cho phù hợp.
Chúng tôi cần sự cảm thông của người dân hơn, hiểu hơn trước những áp lực của nghề y.
Chúng tôi luôn mong muốn đứng cùng chiến tuyến với người bệnh chứ không phải bị đẩy xa thêm. Nói thiệt là bây giờ nếu có sự cố với thân nhân bệnh nhân, cách tốt nhất mà bác sĩ lựa chọn là bỏ chạy" – bác sĩ Phong khẳng định.
Theo Trí thức trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.