Vừa "sống chung với đại dịch" 10 ngày, Hàn Quốc phá kỷ lục số ca mắc COVID-19 nặng

Từ ngày 1/11, khi Hàn Quốc bắt đầu triển khai phương thức phòng chống dịch "phục hồi theo giai đoạn" (tức là "sống chung với đại dịch"), số ca COVID-19 nặng đã không ngừng tăng.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, tính đến nửa đêm ngày thứ Tư 10/11 (theo giờ địa phương), nước này đã có thêm 460 ca mắc COVID-19 nặng, đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Theo Yonhap, khi Hàn Quốc bước vào giai đoạn "sống chung với đại dịch", tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có xu hướng lây lan. 

Tính đến 0 giờ ngày 10/11, Hàn Quốc đã có thêm 2425 trường hợp được xác định mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ; số ca bệnh nặng đang được chữa trị cũng lên tới 460 ca, cao kỷ lục. Từ ngày 1/9 đến ngày 5/10, số ca mắc COVID-19 nặng ở Hàn Quốc vẫn ở mức hơn 300 ca, nhưng đã tăng lên 411 ca vào ngày 6/11 và vượt quá 400 ca trong 5 ngày liên tiếp. Trong số 460 ca bệnh nặng, hơn 82% là người già trên 60 tuổi.

Cơ quan phòng chống dịch Hàn Quốc cho rằng, các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng đã dẫn đến việc gia tăng các ca mắc COVID-19. Do người cao tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 sớm hơn nên hiệu quả bảo vệ cũng bị giảm đi theo thời gian; cùng với ảnh hưởng của thời tiết mùa đông, người cao tuổi phải đối mặt với nguy cơ sức khỏe cao hơn.

Vừa sống chung với đại dịch 10 ngày, Hàn Quốc phá kỷ lục số ca mắc COVID-19 nặng - Ảnh 1.

Ngày 10/11, chủ trì cuộc họp tại trụ sở Uỷ ban các biện pháp đối phó an toàn và thảm họa trung ương, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Bu-gyeom cho biết, các chỉ số phòng chống dịch như số ca nhiễm COVID-19 nặng và số ca tử vong đã tăng cao hơn dự kiến.

Tính đến 5 giờ chiều ngày 9/11, tỷ lệ sử dụng giường chăm sóc đặc biệt cho các ca bệnh nặng ở Hàn Quốc đạt tỷ lệ 57,2%. Tại các đô thị nơi phát hiện nhiều ca bệnh như Seoul, Incheon và Gyeonggi-do, tỷ lệ sử dụng giường chăm sóc đặc biệt lần lượt là 71,3%, 73,4% và 68,4%. Những con số này gần với tiêu chí mà chính phủ Hàn Quốc đưa ra ban đầu về việc dừng triển khai chế độ "sống chung với đại dịch" và khởi động "kế hoạch ứng phó khẩn cấp", tức là khi tỷ lệ sử dụng giường chăm sóc đặc biệt đạt 75%.

Kim Woo-ju - Giáo sư Y học Truyền nhiễm của Bệnh viện Guro trực thuộc Đại học Hàn Quốc - cảnh báo rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong mùa đông năm nay sẽ rất nghiêm trọng và số bệnh nhân nặng có thể tiếp tục tăng.

 

Trên thực tế, không phải người dân Hàn Quốc nào cũng hoan nghênh việc "sống chung với đại dịch". Nhiều nhân viên văn phòng phàn nàn, vì dỡ bỏ lệnh cấm nên ngày nào cũng phải ăn nhậu.

Anh Park - nhân viên văn phòng 30 tuổi - cho biết, những cuộc rượu trước đây không thể hẹn được thì giờ đều đã đặt lịch xong, về cơ bản thì ngày nào cũng ăn nhậu. Khi biết tin các trường hợp mắc COVID-19 nặng tăng cao kỷ lục, Park còn lo lắng hơn về việc thường xuyên phải đi ăn ngoài hàng.

Một công dân Hàn Quốc khác nói với Yonhap, hiện tại là thời điểm quan trọng của việc "sống chung với đại dịch". Hơn một nửa số người mắc COVID-19 ở khu vực thủ đô Seoul là các ca "nhiễm đột phá" (tức là họ bị nhiễm bệnh sau khi đã tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine). Bởi vậy, không thể buông lỏng hoàn toàn công tác phòng chống dịch, "nếu không có thể quay trở lại thời kỳ trước nới lỏng chỉ sau một đêm".

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang