Việc học sinh lớp 9 đạt kết quả thi kém, bị điểm liệt trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 các trường THPT ở Hà Nội được cho là ảnh hưởng lớn tới uy tín của trường THCS nơi em đó theo học.
Trên một hội nhóm về giáo dục, những ngày gần đây, vấn đề này cũng được đem ra "mổ xẻ" với nhiều trường hợp "người thật việc thật". Không chỉ phụ huynh mà ngay cả giáo viên cũng lên tiếng về sự việc này.
Thi thử môn Văn 2 điểm, cô giáo yêu cầu phụ huynh tự nguyện viết đơn xin cho con không thi vào 10?
Một phụ huynh chia sẻ, trong đợt làm đề thi thử, học sinh chỉ được 2 điểm Văn. Sau đó cô giáo đã yêu cầu phụ huynh viết đơn tự nguyện cho con không tham gia thi vào lớp 10 mà chuyển sang trường nghề.
Câu chuyện đã dấy lên nhiều tranh cãi về chủ đề: Liệu có hay không tình trạng ép học sinh yếu kém không thi lớp 10" vì thành tích?
Phía dưới phần bình luận, nhiều phụ huynh và cả giáo viên khẳng định, tình trạng trên là có thật. Một người chia sẻ: "Đến giờ mình vẫn ám ảnh giọt nước mắt của một ông bố khi phải tự nguyện viết đơn xin cho con không thi vào lớp 10. Chuyện đã xảy ra từ năm ngoái và buồn nhất năm nay mình vẫn tiếp nhận những thông tin và chứng kiến nhiều bố mẹ bị ép vào cảnh này, phải viết đơn tự nguyện xin cho con không tham gia kỳ thi, mà đáng lẽ quyền các em phải được tham dự.
Cách đây nửa tháng, lãnh đạo một trường tư gọi cho mình, rất bức xúc khi một phụ huynh, người bạn thân thiết của chị bị giáo viên "tư vấn", yêu cầu phải viết theo lá đơn được soạn sẵn tự nhận con mình học lực không tốt và tự nguyện không tham dự kỳ thi để đi học nghề. Nói cho cùng, gốc rễ của việc này cũng vì hai chữ Thành tích".
Môt phụ huynh khác kể: "Trường của con em chưa đến mức yêu cầu bố mẹ viết đơn, nhưng chính cô hiệu trưởng tuyên bố: Học sinh kém thế không thể thi được, gia đình cần bàn bạc, cân nhắc chuyển định hướng cho con".
Câu chuyện của một phụ huynh khác dù đã xảy ra từ năm ngoái nhưng khi được kể lại cũng khiến rất nhiều người đồng cảm. Người này có con học lớp 9 tại quận Đống Đa (Hà Nội), một hôm nhận được giấy mời họp phụ huynh, vào đến nơi mới ngớ ra là nhà trường cho các trường nghề cấp 3, dân lập... đến giới thiệu.
"Mình định bỏ về thì cô chủ nhiệm chặn lại nói luôn con mình học kém nên cho thi dân lập. Tuy nhiên mình vẫn có niềm tin vào con và nói cô đừng gọi mình đi các hội thảo kiểu này, cô không được quyết định cho con thi hay không bởi đây là quyền của con. Bây giờ con mình cũng đi học lớp 10 công lập theo nguyện vọng 3, vào trường này con học vui hơn, thoải mái hơn hẳn vì không bị áp lực nữa, học kỳ 1 vẫn là học sinh tiên tiến".
Là giáo viên cấp ba cùng kinh nghiệm nhiều năm tư vấn tuyển sinh vào lớp 10, cô D.D.V (Hà Nội) khẳng định, hàng năm mình rất hay gặp các sự việc: Giáo viên chủ nhiệm cấp 2 yêu cầu học sinh đăng ký nguyện vọng theo ý cô giáo. Yêu cầu phụ huynh viết cam kết đưa con ra các trường dân lập hoặc giáo dục thường xuyên, không tham gia thi vào lớp 10.
Cô giáo này cho rằng, hành động này là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. "Sở giáo dục và Phòng giáo dục không xét thi đua các nhà trường về mặt thi đua đỗ công lập hay dân lập. Có chăng chỉ xét tỉ lệ đỗ tốt nghiệp, mà xét tiêu chí này thì con các bạn khó trượt tốt nghiệp lắm", cô chia sẻ.
"Các bố mẹ cũng cần đứng trên nhiều phía để nhìn nhận khách quan"
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, thầy cô cũng chỉ muốn điều tốt nhất cho các con, tuy nhiên có thể cách làm khiến phụ huynh cảm thấy bị ép buộc. Thực chất không ở đâu cấm con thi, chỉ là động viên học sinh chọn môi trường phù hợp với sức học.
"Khi các con học chưa được tốt, chưa kể có con chưa có ý thức học thì việc tư vấn chọn trường phù hợp cho các con là điều cần thiết, hơn ai hết thầy cô dạy các con học hàng ngày nắm rất rõ lực học và hàng năm nắm được mức độ điểm của từng trường.
Các vị đã biết không xếp thi đua vào kết quả đỗ cấp 3, nếu không phải vì các con thì hà cớ gì các thầy cô lại tham gia vào việc chọn trường phù hợp? Các bố mẹ cũng cần đứng trên nhiều phía để nhìn nhận khách quan", môt phụ huynh nêu ý kiến.
Một số phụ huynh có kinh nghiệm khuyên bố mẹ vẫn nên cho con đi thi bình thường nhưng phải xem lực học của con cả quá trình có từ 5 điểm trở lên không và xem khu vực con ở trường nào phù hợp với con thì chọn nguyện vọng cho con vào đó.
"Nếu cả quá trình học mà con chỉ điểm kém suốt thì tốt nhất cho con học hết lớp 9 rồi đi học nghề, học nghề vẫn được học cấp 3 và vẫn được thi tốt nghiệp THPT, vẫn được dùng điểm đó để xét đại học. Học nghề 3 năm là con đi làm kiếm tiền được rồi. Học yếu kém mà học cấp 3 những 3 năm không giải quyết được gì hết, lãng phí thời gian, sức khỏe, tuổi trẻ...".
Nhiều người cho rằng, thực tế có những học sinh tự nhận ra sở trường của mình (là năng khiếu múa hay TDTT) và muốn đi theo con đường đó nhưng kể cả khi giáo viên tư vấn bố mẹ vẫn không đồng ý mà vẫn muốn con thi lên 10. Kết cục: Con không đỗ, chuyển học dân lập và vì không phù hợp học kiến thức nên sa sút.
Có trường hợp học sinh không theo học văn hóa mà học nghề, học múa và có được thành công sớm hơn bạn bè. "Tóm lại, việc tư vấn là việc nên làm bởi đó là trách nhiệm của giáo viên, phụ huynh nghe hay không là quyền của họ".
"Học sinh sẽ có bạn kém bạn giỏi, không chỉ dạy cho học sinh kiến thức, người thầy cần cho học sinh những con đường phù hợp với chúng. Tôi thấy tư vấn cho gia đình thì nên nhưng rất tiếc là tư vấn đang bị biến tướng thành ép buộc.
Hãy để cho các con một cơ hội. Đã có học sinh thi thử 3 môn 3 điểm 0 năm 2020. Sau đó tôi đã lập cho học sinh đó kế hoạch học tập và kết quả: Toán 5.5; Văn 7.75; Anh: 5.5. Với 2-3 tháng là đủ thời gian ôn tập cho học sinh đỗ được công lập.
Tất nhiên học sinh phải quyết tâm. Muốn con quyết tâm thì chính thầy cô giáo là người truyền lửa và đặt niềm tin. Với hơn 20 năm trong nghề, dạy các trường từ dân lập tới chuyên, mình khẳng định các con sẽ làm được những điều bất ngờ nếu được quan tâm và ghi nhận", cô D.D.V (giáo viên cấp 3 ở Hà Nội) nói.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.