Con gái đẻ rơi tại nhà, không biết mặt bố là ai
Một ngày giữa tháng 8, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ lụp xụp nằm sâu trong con ngõ thôn Lộc Động, xã Phong Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, nơi "người mẹ điên" vừa hạ sinh được một bé gái ngay tại nhà.
Ngôi nhà của mẹ con bà Dân ở Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Cảnh 3 người, một già, một trẻ, một sơ sinh đang bám víu lấy nhau trong căn nhà xập xệ.
Ngồi lặng lẽ một góc trên chiếc giường nhỏ, người đàn bà với khuôn mặt rắn rỏi không giấu được sự xúc động. Vừa dỗ đứa cháu gái khỏi cơn đói bụng, chốc chốc bà Trịnh Thị Dân nhìn xuống dưới đất, nơi người con gái Trịnh Thị Hải (31 tuổi, mẹ của đứa trẻ) nằm bò dưới đất, lấm lem rồi nghẹn ngào nói.
"Nó sinh con được 15 ngày rồi, mà nó có biết nó là mẹ đâu, cứ ú ớ điên dại như vậy", nói đoạn, bà Dân đưa tay gạt nước mắt, xúc động kể.
Sau khi bà mang thai chị Hải thì chồng bà cũng qua đời, dù một mẹ một con nhưng bà vẫn cố gắng làm lụng để nuôi chị Hải khôn lớn, đến tuổi lập gia đình.
Bà Dân đang bế bé Hồng Hà, 15 ngày tuổi.
Người mẹ cũng trở nên khờ khạo hơn sau một cuộc hôn nhân thất bại.
Nhưng cũng từ đó, bi kịch gia đình nối tiếp nhau...
Năm 2011, ở tuổi 23, chị Hải lập gia đình với một người đàn ông cùng xã. Nhưng nào ngờ, chị lấy phải người chồng vũ phu, không chịu làm ăn suốt ngày hành hạ đánh đập vợ.
Đến khi có bầu và sinh con đầu lòng chị Hải vẫn tiếp tục bị chồng đánh đập dẫn đến chị bị trầm cảm sau sinh. Con mới đẻ ra được hơn một tháng chị Hải mắc chứng bệnh trầm cảm phân liệt, dần dần mất đi ý thức, suốt ngày nói nhảm rồi bỏ đi, đứa bé tội nghiệp từ đó không được bú sữa mẹ. Kể từ ngày đó bà Dân đón con gái về để trông nom, chăm sóc.
"Cho con lập gia đình sớm để mong có chỗ nương tựa ai ngờ lại thành ra khổ thế này. Trước đây nó nhanh nhẹn, khéo ăn, khéo nói bao nhiêu thì giờ lại chẳng biết gì, đẻ con ra rồi khổ cả mẹ, cả con", bà Dân chia sẻ.
Nơi sinh hoạt của gia đình bà Dân gói gọn trong cái bếp cũ kĩ, đồ đạc đơn sơ.
Từ khi về nhà mẹ đẻ, chị Hải như người mất hồn, chị suốt ngày chỉ biết ú ớ cười nói mà quên mất bản thân mình là ai.
Trong suốt 5 năm nay hai mẹ con thui thủi trong căn nhà xập xệ nương tựa nhau, sợ con bỏ đi bà Dân lúc nào cũng phải khóa cổng.
"Nghĩ bảo giờ hai mẹ con cứ ở nhà trông nhau như vậy thì không biết lấy gì mà sống, nhưng đi làm tôi không biết gửi con cho ai, hàng xóm nhiều khi người ta cũng sợ chẳng ai dám trông. Từ ngày con bị đến nay, nó bỏ đi suốt, mình đi ra đồng về chả thấy con đâu, có hôm đi tận gần một tuần, đi tìm chẳng thấy con", bà Dân rơm rớm nước mắt.
Chị Hải từ một người bình thường rồi trở nên như người mất hồn, chị mắc căn bệnh trầm cảm phân liệt sau sinh.
Kết quả của cuộc hôn nhân khiến chị giờ như người mất hồn, ngay cả khi đẻ con chị cũng không có cảm giác.
Nào ngờ, bi kịch lại tiếp tục xảy ra. Trong một lần bỏ nhà đi vì không nhận thức được, chị Hải bị hãm hiếp, rồi mang bầu nhưng không một ai hay biết. Mãi đến tháng thứ 5 nhìn biểu hiện của con lạ bà Dân theo dõi thì mới biết sự việc đau lòng.
"Cuối tháng 9 năm ngoái, cửa cổng nhà tôi bị hỏng bản lề, nhờ đứa cháu sang sửa nhưng chưa sửa được. Chiều hôm đó tôi đi làm về thì thấy con đã lẻn đi lúc nào không hay, tìm khắp nơi đến đêm cũng không thấy con đâu, cứ nghĩ con đi 1-2 ngày là về.
Bé gái ngủ ngon bên bàn tay chăm sóc của mẹ khờ và bà ngoại.
Đến sáng hôm sau nghe mấy người đi làm công ty báo về bảo con tôi đang ở bờ mương của xã lúc đó tôi mới hốt hoảng chạy ra đón con về. Sau hôm đó tôi phải nhờ đứa cháu sửa ngay cho cái cửa. Ban đầu không nghĩ con có bầu, mà cũng chẳng phát hiện thấy biểu hiện gì lạ, chỉ đến tháng thứ năm thấy bụng con ngày một to, dáng đi khác lạ, mông đi lúc nào cũng cong lên.
Dù biết để sinh em bé rất cực khổ nhưng bà Dân không thể bỏ đi đứa cháu ngoại bất đắc dĩ của mình, có điều là: "Cuối tháng vừa rồi đi làm về giật hết cả mình, đi vào trong nhà thấy mẹ một nơi, con một nơi, nhìn đứa bé cho tay vào miệng đang nằm trên đống nhau thai mới biết là cháu còn sống. Con vừa chào đời, mẹ nó tự lấy tay làm đứt dây rốn, may phúc làm sao vẫn chừa 1 đoạn dây rốn của cháu chứ nếu sát bụng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra", bà Dân nghẹn ngào.
Được bà ngoại ẵm bồng cho bú.
Bé gái kháu khỉnh ngủ ngon giấc bên bàn tay chăm sóc của bà ngoại già và "người mẹ điên".
Xúc động cảnh "mẹ điên" nằm bò dưới đất, lúc nào thích mới đòi bế con
Từ lúc sinh đến giờ, chị Hải ít khi gần con, thay vì nằm ôm con cho con bú, người "mẹ điên" lại thui thủi nằm dưới đất, chỉ khi nào thích chị mới ú ớ đòi bế con.
Nghĩ thương con nên bà Dân không dành để mẹ con xa cách, mỗi lần đưa cháu gái cho mẹ bế bà lại trông chừng hết sức cẩn thận vì sợ chị Hải làm rơi con. Từ khi sinh ra bé Hồng Hà gần bà ngoại nhiều hơn gần mẹ, đến ngay cả mùi sữa mẹ em cũng chưa từng được cảm nhận.
Rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh mẹ con chung một nhà nhưng mỗi người một nơi.
Khi nào thích, chị Hải lại mới đòi bế bé Hồng Hà nhưng cũng chỉ được một lúc rồi lại bỏ xuống.
"Mẹ nó đẻ rơi, đẻ vãi con ra từ hôm đó đến giờ không đi đứng, nói năng gì được, cứ hết ngồi rồi lại nằm bò dưới đất, ăn uống cũng thất thường, lúc ăn, lúc không. Mỗi khi thấy con khóc, thích thì mẹ nó (chị Hải) ú ớ đòi bế tý xong rồi lại để con đó.
Trộm vía cháu không gần mẹ nhưng ngoan lắm, uống sữa xong là ngủ tì tì để cho bà dọn dẹp việc nhà, rồi còn tắm giặt cho mẹ nó nữa, một tay bà làm hết", bà Dân xúc động.
Xúc động hình ảnh người mẹ điên ú ớ chăm con gái nhỏ.
Dù không nhận thức được mọi việc nhưng những lúc được gần con, "người mẹ điên" lại hiền dịu, ôm ấp vỗ về bé con.
Để có tiền trang trải chi tiêu, ngoài số tiền ít ỏi 400 ngàn trợ cấp mỗi tháng, bà Dân vừa làm ngoại, vừa làm mẹ, lại tranh thủ đi làm để kiếm thêm thu nhập. Dù vất vả nhưng chưa một ngày nào bà nghĩ đến chuyện bỏ con, bỏ cháu.
"Trước một mình mẹ nó còn có thể khóa cửa rồi đi chứ giờ có thêm cháu, đi không đành, gửi nhờ thì một mẹ điên, một con nhỏ hơn mười ngày tuổi chẳng ai dám trông. Nó là con, là cháu mình mà, bỏ sao được, đến mình mà bỏ nữa thì mẹ con nó sống làm sao", bà Dân ngậm ngùi.
Tuy không được ăn uống đầy đủ như những bà mẹ khác nhưng cả chị Hải và bé Hồng Hà đều khỏe mạnh. Mỗi lần thấy con khóc chị Hải đang nằm dưới đất lại ú ớ như người báo hiệu cho bà Dân chạy đến bế cháu.
"Nhìn thấy con và cháu mà thương đứt ruột. Mẹ nó thì mấy năm rồi bệnh tình như thế, còn khỏe thì tôi một tay vẫn chăm sóc được cho hai mẹ con nó nhưng chỉ sợ lúc ốm đau lấy ai trông nom", bà Dân xúc động.
31 tuổi đầu nhưng chị Hải như một đứa trẻ lên ba, nói năng không rõ, suốt ngày chị chỉ ú ớ bên cạnh đứa con gái nhỏ.
Vì đứa bé mới sinh, lại không biết mặt bố nên hiện tại bà Dân mới chỉ đi làm khai sinh cho cháu ngoại.
"Giờ thì chưa sao nhưng tôi lo sau này khi cháu lên 6 tuổi, lúc đó ốm đau mới cần đến cái bảo hiểm y tế. Nhưng hiện giờ ngoài cái giấy khai sinh, cháu ngoại tôi vẫn chưa có gì khác. Chính quyền xã không nhập hộ khẩu cho hai mẹ con nó vì không có bố, tôi mong sao chính quyền có thể tạo điều kiện để hai mẹ con nó được làm cái bảo hiểm đỡ đần sau này", bà Dân bày tỏ.
Người mẹ bất lực nằm dưới đất mà không thể nào chăm sóc được cho con.
Trước hoàn cảnh đặc biệt đáng thương của gia đình bà Trịnh Thị Dân, người vừa cưu mang "người mẹ điên", vừa ngày đêm chăm sóc cho đứa cháu gái vừa mới sinh, rất mong quý bạn đọc gần xa quan tâm, chia sẻ chút khó khăn để hai mẹ con bà có điều kiện được chăm lo cho em bé. Mọi sự đóng góp xin gửi về bà Trịnh Thị Dân, địa chỉ: Thôn Lộc Động, xã Phong Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. SĐT: 0349660144 (bà Trịnh Thị Dân). Xin chân thành cảm ơn! |
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.