Xử lý như thế nào vụ cháy chung cư cao cấp 13 người chết ở Sài Gòn?

Sau vụ hoả hoạn tại chung cư cao cấp Carina Plaza, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ nguyên nhân cháy nổ dẫn tới hậu quả nặng nề.

Vụ cháy chung cư cao cấp Carina Plaza, Quận 8, TP. HCM vào rạng sáng 23/3 khiến 13 người tử vong, 28 người bị thương. 13 xe ô tô để tầng hầm bị cháy trong đó có 5 xe bị cháy rụi, 150 xe máy bị cháy.

Theo Cảnh sát PCCC, lửa xuất phát từ một xe máy tại tầng hầm rộng hàng nghìn m2 (chứa hơn 1.000 xe máy, hàng chục ôtô) rồi lan ra các xe xung quanh. Do có nhiều xe phát nổ nên đám cháy “nhảy cóc” cách nhau hàng chục mét, khiến công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn.

Vụ cháy tại chung cư cao cấp Carina Plaza đã khiến 13 người tử vong, 28 người bị thương.

Cơ quan điều tra cho biết qua nắm tình hình, nguyên nhân ban đầu xuất phát cháy từ một phương tiện dưới tầng hầm (trích xuất camera cho thấy là xe Atila). Vào thời điểm xảy ra đám cháy, cửa ngăn tầng hầm với tầng trên có tác dụng ngăn cháy lan lên trên khi xảy ra hỏa hoạn đã bị hở do có 1 cục đá chèn vào, dẫn đến khói lan nhanh.

Hiện, công an đã thu giữ các camera và hệ thống dữ liệu của hệ thống chữa cháy tự động và báo cháy, đồng thời lấy lời khai những người liên quan, làm việc với Ban quản ký và thu thập những hồ sơ nghiệm thu, kiểm tra định kỳ về an toàn phòng cháy chữa cháy. Các cơ quan tố tụng cũng đang gấp rút hoàn tất việc khám nghiệm pháp y.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết đây là sự cố cháy nổ đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên địa bàn TP. HCM. Hậu quả xảy ra là hết sức đau lòng khi có nhiều người tử vong, trong đó có các cháu nhỏ, người già.

Người bị thương được đưa đi cấp cứu.

“Để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ nguyên nhân cháy nổ dẫn tới hậu quả thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trên cơ sở kết luận giám định của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân cháy sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo quy định pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố điều tra và xử lý người nào có hành vi phạm tội”, luật sư Thơm nhận định.

Theo điều tra ban đầu của cơ quan điều tra, nguyên nhân phát cháy từ một xe máy. Từ chiếc xe này đã cháy lan sang các phương tiện khác và cháy sang các khu chung cư phía trên. Như vậy, cần phải xác định nguyên nhân cháy nổ từ phương tiện này là hành vi có chủ ý hay không.

Một bé gái thất thần sau khi được đưa ra ngoài. Ảnh VNE

“Nếu có căn cứ xác định, chủ phương tiện có hành vi cố ý gây cháy nổ thì với hậu quả xảy ra sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về Tội giết người và Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 và Điều 178 BLHS 2015. Ngoài ra, nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội vì động cơ chính trị, nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo Điều 113 BLHS 2015”, luật sư Thơm nói.

Trường hợp xác định nguyên nhân cháy do chập cháy điện từ hệ thống điện của tầng hầm thì cần làm rõ người trực tiếp quản lý hệ thống điện của Chung cư có vi phạm quy định về PCCC hay không.

“Ví dụ: Người cán bộ được Công ty giao quản lý Trạm biến áp trong tòa nhà, hàng tháng phải thay thế, bảo dưỡng định kỳ thiết bị nhưng đã không thực hiện đúng nên khi có sự cố chập điện đã không tự động ngắt điện gây cháy nổ. Nếu người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý hệ thống điện của Chung cư mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng quy định của luật PCCC dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 313 BLHS 2015”, luật sư Thơm lý giải.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định các quy định cụ thể nào bị vi phạm trong các văn bản pháp luật về PCCC, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ giải quyết như nào?

+ Trường hợp xác định người có lỗi (vô ý hay cố ý) gây cháy nổ dẫn tới thiệt hại, ngoài trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định tại các Điều 589, 590, 598 Bộ luật dân sự 2015.

+ Trường hợp cháy nổ được xác định rủi ro.

Căn cứ Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thì Nhà chung cư; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên phải mua bảo hiểm bắt buộc.

Như vậy, nếu thiệt hại xảy ra thì Bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Bảo hiểm sẽ từ chối trách nhiệm bồi thường rủi ro trong các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 23/2018/NĐ-CP như sau:

Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nêu tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này (trừ cơ sở hạt nhân), doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:

- Động đất, núi lửa phun hoặc những biến động khác của thiên nhiên.

- Thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.

- Tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Tài sản tự lên men hoặc tự tỏa nhiệt; tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt.

- Sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ.

- Nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ.

- Máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh.

- Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ.

- Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.

Thiệt hại do đốt rừng, bụi cây, đồng cỏ, hoặc đốt cháy với mục đích làm sạch đồng ruộng, đất đai.

Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang