Từ đầu tháng 7/2021, tình hình dịch bệnh tại TP HCM diễn tiến nhanh và nghiêm trọng hơn. Nếu tính từ 27/4/2021 đến 30/6/2021, TP có khoảng 4.100 ca nhiễm. Nhưng chỉ trong 6 ngày đầu tháng 7 đã có hơn 3.150 ca được ghi nhận. Số ca F0 trong cộng đồng cũng tăng lên đáng kể. Chính vì thế, nhiều tỉnh bắt đầu áp dụng các biện pháp ngăn chặn, hạn chế người đến từ TP HCM, trong đó có yêu cầu bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính.
Yêu cầu này gây rắc rối nhiêu khê và tốn kém cho người cần đi lại các tỉnh, đặc biệt là các công nhân ở vùng ven giữa hai địa phương, cần qua lại đi làm xí nghiệp mỗi ngày.
Ảnh hưởng nặng và nhiều nhất là tài xế và giới thương nhân buôn bán cần vận chuyển hàng hoá. Ách tắc hàng hoá và ách tắc giao thông là có thể xảy ra ở giai đoạn đầu áp dụng.
Trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng, có rất nhiều tranh luận dữ dội về biện pháp này. Có các nhà khoa học nghiên cứu về thống kê, các giáo sư bác sĩ đầu ngành Y phân tích chi tiết và cho rằng quy định này là vô nghĩa. Các lý do chủ yếu được nêu ra là tốn kém, lãng phí và rầy rà cho người dân...
Vậy yêu cầu xét nghiệm có hiệu quả ngăn dịch và có cơ sở khoa học hay không?
Đúng như các chuyên gia y tế đang lập luận và phản bác trên báo chí cũng như mạng xã hội, việc xét nghiệm là nhằm mục đích phát hiện ra người bị nhiễm trước khi họ di chuyển đi đây đó. Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, tức họ đã bị nhiễm và sẽ được đưa đi cách ly. Nếu âm tính, nghĩa là họ KHÔNG CÓ MẦM BỆNH trong dịch tiết đường hô hấp ở thời điểm đó và được phép tiếp tục đi lại tới các tỉnh thành khác. Đó là cơ sở để các tỉnh yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính trước khi người từ vùng dịch đi vào địa phương.
Đã có nơi làm giả giấy xét nghiệm.
Xét nghiệm có giá trị bao lâu về mặt y khoa? Xin thưa, nó chỉ có giá trị tức thời tại ngay thời điểm xét nghiệm mà thôi, đúng như các chuyên gia y tế đã phân tích. Kết quả này hoàn toàn có thể trở nên vô giá trị ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, lâu hay mau không thể đoán biết được. Chỉ cần khi ra khỏi khu xét nghiệm va phải một anh FO và bị lây nhiễm virus lên bàn tay, lên quần áo, mũ nón, hay xui xẻo hơn là bị hít một hơi vào mũi, virus trên tay và trang phục sẽ ngay lập tức có thể lây lan cho chính họ hay lây cho người thân ở nơi đến cũng như lây cho người họ gặp trên đường.
Trường hợp họ đã là F1 của F0 nào đó mấy ngày trước, đã bị nhiễm virus nhưng khi xét nghiệm thì âm tính, song ngay chiều hôm đó hoặc một hai hôm sau bệnh diễn tiến thêm đến giai đoạn phóng thích virus, thì người này lại trở thành ca dương tính và phóng thích virus ra ngoài qua hơi thở và nước bọt, gây lây lan cho xung quanh.
Trong các tình huống kể trên, tờ giấy xác nhận âm tính trở nên vô nghĩa và không còn giá trị. Cảnh báo của các chuyên gia y tế là hoàn toàn hợp lý, góp phần giúp các cơ quan chức năng lưu ý và cẩn trọng hơn trong khi áp dụng.
Thế nhưng tại sao các tỉnh thành lại yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính?
Muốn hiểu tại sao chính quyền các nơi yêu cầu như trên thì ngoài chứng cứ khoa học y tế như trên, ta còn phải xét đến tính "hiệu quả thực tế cho xã hội" của biện pháp này.
Đến đây thì chúng ta cần lắng nghe phân tích của các chuyên gia dịch tễ và chuyên gia xã hội học, chứ không chỉ là các chuyên gia y tế nữa. Vì các chuyên gia y tế xem xét dữ kiện trên từng cá nhân và kết luận về mặt bệnh học, còn các chuyên gia dịch tễ và xã hội học, kinh tế học sẽ xem xét tác động của một hành vi, một biện pháp trên bình diện cộng đồng. Cơ sở lập luận của họ, đặc biệt là các chuyên gia dịch tễ uy tín ở các quốc gia đã từng trải qua dịch Covid nghiêm trọng, là vô cùng thực tế và rất đáng tham khảo, học hỏi.
Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu yêu cầu xã hội và yêu cầu dịch tễ của việc chống dịch cụ thể là gì.
Nó tuỳ thuộc vào các giai đoạn sau:
1. Giai đoạn dịch còn ở giai đoạn sớm và ít ca bệnh, yêu cầu là khu trú khu vực dịch.
2. Giai đoạn dịch lan rộng, yêu cầu là ngăn chặn lây lan, làm chậm tốc độ lây lan dịch.
3. Giai đoạn dịch lan rộng và nặng nề hơn, yêu cầu là giảm thiểu thiệt hại về người, khống chế dịch nhanh nhất có thể bằng các biện pháp mạnh nhất như phong toả,.v.v.. nhằm khống chế và đưa dịch về giai đoạn 1-2 ít nặng nề hơn
4. Giai đoạn đạt miễn dịch cộng đồng khi có đủ vaccine, khi đó sẽ áp dụng biện pháp sống chung với dịch. Yêu cầu là mở cửa từ từ để đảm bảo không có quá nhiều ca bệnh nặng cùng lúc sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế.
TP HCM hiện nay đang ở giai đoạn 2, sắp chuyển sang giai đoạn 3. Mục tiêu của chúng ta là ngăn chặn lây lan, nhanh chóng khoanh vùng khu lây nhiễm. Càng áp dụng biện mạnh tay sớm, chúng ta càng sớm kiểm soát được tình hình.
Vấn đề chính của chính quyền là phải cân đong so sánh thiệt hại của người dân giữa việc áp dụng biện pháp mạnh tay kiên quyết, đánh nhanh thu hẹp gọn, hay để dây dưa kéo dài nhì nhằng. Cái nào sẽ ít thiệt hại hơn? Hoặc phải chọn biện pháp vất vả hơn là xét nghiệm toàn diện và thần tốc, với điều kiện có đủ điều kiện nhân sự và máy móc chuyên dụng.
Trong các biện pháp ngăn chặn lây lan ở giai đoạn 2 này có biện pháp giảm giao thương, tức là hạn chế bán phần việc di chuyển qua lại giữa các địa phương, vẫn duy trì một phần để đảm bảo lưu thông hàng hoá và các nhu cầu công việc khẩn thiết. Khi còn lưu thông nhiều thì việc lây lan sẽ còn diễn ra, và cần phải có các biện pháp hỗ trợ để làm chậm việc lây lan đó (không ngăn chặn được triệt để bằng phong toả, thì ta làm chậm nó lại).
Việc yêu cầu xét nghiệm trở thành một biện pháp thiết yếu để giảm lưu lượng giao thương, bắt buộc phải cân nhắc để áp dụng đúng lúc, phù hợp tình tình cụ thể.
Mục tiêu chính của "giấy thông hành kết quả xét nghiệm" là gì?
Nó nhằm xác định người có nhu cầu đi lại thực sự trong tình hình dịch đang lan rộng. Bị "làm khó", người không có nhu cầu cấp thiết sẽ không đi xét nghiệm và không đi lại. Khi đó sẽ làm giảm đáng kể lượng người lưu thông không cần thiết qua các ranh giới địa chính, giúp nguy cơ lây lan sẽ giảm đáng kể.
Từ đó, nó làm chậm lại nhịp độ lây lan, giúp các địa phương có kế hoạch chuẩn bị ứng phó tốt hơn, không bị vỡ trận hàng loạt.
Vì ý nghĩa đó, các địa phương bắt buộc phải áp dụng yêu cầu xét nghiệm để vừa ngăn chặn, làm chậm lây lan vừa duy trì nhu cầu lưu thông cần thiết, và bắt buộc phải chấp nhận một số nguy cơ hay thiệt hại có thể xảy ra.
Yêu cầu xét nghiệm nên áp dụng như thế nào? Làm thế nào để có hiệu quả cao nhất?
Muốn việc xét nghiệm đạt hiệu quả tốt nhất, các địa phương cần có kế hoạch chung tổng thể và đồng bộ:
- Ở nơi đi, bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được di chuyển. Khi đi xét nghiệm và đi lại sau đó phải tuyệt đối tuân thủ 5K. Đây là nguyên tắc không thể bỏ qua.
- Khoảng cách giữa nơi đi và đến:
✔ Nếu cùng ranh giới địa chính hoặc hai nơi gần nhau trong khoảng cách
✔ Nếu khoảng cách điểm đi và điểm đến cách xa nhau trên 2 giờ di chuyển, người đi đường có nhiều khả năng dừng lại tiếp xúc đây đó, cần phải có xét nghiệm lại ở nơi đến.
- Mật độ dịch ở nơi đi: nếu mật độ dịch ở nơi đi từ vừa đến nặng, thì yêu cầu xét nghiệm phải nâng mức độ lên tương xứng, rút ngắn thời gian giữa hai lần của xét nghiệm.
- Thời gian giá trị của xét nghiệm: tuỳ thuộc vào mức độ dịch của nơi đi. Nếu dịch nhẹ, thời gian có thể nới dài ra nhưng không bao giờ nên quá 5-7 ngày hoặc bãi bỏ hẳn. Số ngày giá trị của xét nghiệm rút ngắn lại theo mức độ nặng của dịch ở nơi đi, có thể cân nhắc giảm xuống mốc 72 giờ hay 48 giờ. Khi tình hình nơi đi quá nghiêm trọng, cần ngăn chặn hoàn toàn, chỉ những ai có việc/có nhiệm vụ không thể không đi lại mới được đi lại qua các tỉnh thành, và phải yêu cầu có kết quả xét nghiệm trong vòng 24 tiếng.
Vậy biện pháp "yêu cầu xét nghiệm" khi đi lại có mang đến nguy cơ lây lan dịch cho nơi khác không?
Đương nhiên là có!
Đến đây thì hết phần của các chuyên gia dịch tễ và xã hội học. Chúng ta hãy quay lại phần ý kiến của các chuyên gia y tế là dù có xét nghiệm âm tính, vẫn có khả năng trở nên dương tính sau khi xét nghiệm và mang mầm bệnh đi, gây ra nguy cơ lây lan cho các nơi.
Mục đích của yêu cầu giấy xét nghiệm là xác định số lượng người thực sự có nhu cầu đi lại giữa TP HCM và các tỉnh. Thời gian đầu thực hiện đã xảy ra những trục trặc như gây ách tắc giao thông, làm giảm số lượng hàng hóa vào TP HCM khiến giá cả thực phẩm tăng cao cục bộ và ngắn hạn. Tuy vậy với tình hình dịch thực sự căng thẳng ở TP HCM thì đây là một biện pháp cấp thiết để giảm lưu lượng người đi lại, giúp giảm lây lan, kéo giãn đỉnh dịch, tạo điều kiện để ngành y tế có thời gian và sức lực chống dịch. Chính quyền nên sàng lọc nhóm người thực sự có nhu cầu giao thương và đi lại, cho xét nghiệm miễn phí và chỉ cần yêu cầu xét nghiệm ở 1 đầu trong thời hạn quy định để vừa giúp chống dịch vừa đảm bảo hàng hóa lưu thông không bị đôn giá hay ách tắc, gây khó khăn cho người dân.
Chính vì vậy, khi còn phải duy trì việc lưu thông, thì bên cạnh yêu cầu xét nghiệm, người tham gia giao thông luôn luôn phải tuân thủ 5K, khai báo lịch trình và tuân thủ mọi hướng dẫn ở nơi họ đến. Để lỡ nguy cơ xảy ra thì địa phương có thể truy vết và khống chế nhanh nhất, nhưng cũng giảm chi phí nhất so với khi có rất đông người đi lại và không có xét nghiệm.
Yêu cầu xét nghiệm không phải cấp giấy thông hành vạn năng. Nó là một trong tổng thể các biện pháp giãn dịch, chống dịch do vậy phải đánh giá hiệu quả trên bình diện đó, có cân nhắc lợi-hại của toàn xã hội. Trong đó tuân thủ 5K mọi lúc mọi nơi là tối quan trọng để giúp biện pháp xét nghiệm đạt kết quả tốt nhất, ít nguy cơ lây lan hơn trong khi chờ đợi vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng.
Khi áp dụng yêu cầu giấy xét nghiệm, người dân sẽ ảnh hưởng ra sao?
Chắc chắn biện pháp này sẽ có một tác động không nhỏ đến những người có nhu cầu đi lại, đặc biệt là nhóm tiểu thương buôn bán và tài xế xe tải vận chuyển hàng hoá sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, ách tắc giao thông và ứ đọng hàng hoá xảy ra, góp phần tạo biến động tăng giá và khan hiếm hàng hoá. Người lao động cần đi lại sẽ tốn tiền xét nghiệm quá lớn ở hai đầu và nguy cơ lây nhiễm khi chen lấn chờ xét nghiệm, chưa kể sẽ làm phát sinh tình trạng bán giấy xét nghiệm khống cho người muốn có nhanh, hay gây tâm lý nghi ngờ cho người dân rằng, chính quyền o ép người dân để câu kết trục lợi từ việc bán kit xét nghiệm.
Nên chăng chính quyền cần xem xét ngân sách và biện pháp hỗ trợ cho dân trong giai đoạn này: xét nghiệm miễn phí cho nhóm đối tượng có nhu cầu thực sự, chỉ cần xét nghiệm ở một đầu nếu mới xét nghiệm trong vòng 6 giờ, chỉ định nhiều bệnh viện ở các cửa ngõ tham gia vào công tác xét nghiệm để hỗ trợ người dân thực hiện được nhanh chóng và thuận tiện, phân luồng ưu tiên cho nhóm xe tải vận chuyển hàng hoá và các dịch vụ hỗ trợ tài xế ở trạm kiểm soát.
Điều đó vừa góp phần chống lây nhiễm, vừa thiết thực hỗ trợ dân và vừa giúp kiểm soát giá cả hàng hoá trong giai đoạn khó khăn này.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/yeu-cau-xet-nghiem-covid-19-khi-di-lai-giua-tp-hcm-va-cac-tinh-chuyen-gia-y-te-noi-vo-nghia-vi-sao-van-can-lam-161211207210009676.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.