Gặp gỡ mẹ Việt không tốn 1 đồng mua đồ chơi cho con

Tự giới thiệu trên Facebook là "một bà mẹ toàn thời gian", nhưng Nguyễn Huệ không giống như các bà mẹ mà chúng ta thường gặp. Bà mẹ này không mua đồ chơi cho con mà chủ yếu tận dụng những món đồ bỏ đi để làm đồ chơi.

Chai nước khoáng bỏ đi là món đồ chơi cho con hoàn hảo

Với vẻ bề ngoài cá tính, phong cách nói chuyện thẳng thắn, phóng khoáng, tự nhận mình là "bà mẹ lười nhất thế gian", nhưng thực ra Nguyễn Huệ dành rất nhiều thời gian đọc sách nuôi dạy con, quan sát phản ứng của con mình để tìm ra cách nuôi dạy phù hợp.

Mẹ Nguyễn Huệ - mẹ của bé Ong.

Như các bà mẹ khác, Huệ cũng đã từng vật vả hoa mắt không biết chọn đồ chơi nào giữa đống đồ chơi tiền triệu "giúp trẻ phát triển vượt trội", "giúp con thông minh hơn", với những quảng cáo về giáo dục sớm, về giai đoạn phát triển vàng của trẻ… Nhưng từ việc quan sát con mình, Nguyễn Huệ nhận ra rằng những đồ chơi không mất tiền mua mới là thứ mà con chơi say mê hứng thú nhất, không chán từ ngày này qua ngày khác.

Chai nước khoáng và các loại hộp nhựa không dùng tới có thể cho vào các loại hạt, gạo, sỏi, nắp chai… để tạo ra các âm thanh khác nhau cho bé khám phá.

"Các chai nước khoáng bỏ đi là món đồ chơi hoàn hảo của con mình, chơi từ lúc con 3 tháng đến nay con đã 9 tháng, gần như ngày nào cũng chơi, mỗi lần chơi cả tiếng đồng hồ" – Huệ chia sẻ. "Chai nước khoáng là món đồ chơi giúp trẻ cả xúc giác, thị giác, thính giác và vận động, chai trong giúp trẻ có thể nhìn rõ mọi thứ bên trong, có thể cho vào những vật liệu khác nhau như cái tăm, hạt gạo, hạt đỗ… để tạo ra âm thanh khác nhau, chai nước khoáng cầm rất vừa tay và có thể lăn qua lăn lại, con mình thích bò theo chai nhờ đó phát triển vận động thô. Trò mà con rất thích là cầm chai đập khắp nhà, đập lên tường, lên sàn nhà, lên ghế, mỗi nơi âm thanh lại khác nhau… Có một giai đoạn con rất thích chọc tay vào chai khi mở nắp…".

Vào những ngày mưa khi không thể cho con chơi ngoài trời, Huệ hái lá, hoa và cho vào chai, con học cách mở nắp chai và tìm cách để lấy bông hoa từ trong chai.

Ở nhà của bà mẹ này có cả bộ sưu tập chai nước đủ tất cả kích cỡ. "Mỗi lần muốn con có đồ chơi mới, mình chỉ cần bỏ ra 5-10 nghìn để mua một chai nước" – Huệ nói. Đi ăn nhà hàng bà mẹ "đồng nát" cũng chú ý để thu thập thêm vỏ chai về. Khi muốn con có thêm trải nghiệm mới, Huệ đổ nước vào các chai, chai nhiều chai ít để trẻ cầm lên, cảm nhận nặng nhẹ, nhiều ít, chuyển động của nước trong chai.

Mặc dù bà ngoại than thở "sao không mua ô tô, đồ chơi phát nhạc cho nó chơi" nhưng gia tài đồ chơi của bé Ong hầu như không có các đồ chơi thường thấy mà chủ yếu là đồ chơi tự chế của mẹ. Ngoài chai nước khoáng ra còn có 1 cái chuông nhỏ, mấy quả bóng nhựa nhiều màu sắc, mấy chiếc hộp giấy bỏ đi, vài chiếc hộp làm từ cốc cà phê trong takeaway mà mẹ tự chế trong đó có chuông, ống hút cắt nhỏ, vài vật liệu tạo ra âm thanh…

Đồ chơi của Ong được đựng trong chiếc hộp các tông đơn giản.

Đó là mấy chiếc hộp các tông, hộp bánh cũ, khay đựng bánh… để bé chạm vào các vật liệu khác nhau, đập tạo ra âm thanh…

Những quả bóng nhiều màu rất phù hợp với độ tuổi này vì sẽ kích thích bé bò, trườn vận động theo bóng.

Chuông nhỏ và những quả bóng cùng với đồ dùng làm bếp của mẹ biến thành trò vợt bóng.

Cái chuông nhỏ màu vàng là món đồ mà Ong yêu thích. Cậu bé bò trên sàn, đẩy chiếc chuông, nghe ngóng âm thanh mà cái chuông tạo ra khi di chuyển, và cứ như vậy trong mấy chục phút.

Như các em bé khác dưới 1 tuổi, tất cả các món đồ chơi, đồ dùng đều được bé Ong cho vào miệng, mút, gặm… Từ khi bé 3-4 tháng, mẹ Huệ đã cho con mình tự do ngậm đồ vì đây là cách mà con khám phá thế giới, cho dù nhiều người xung quanh kêu "bẩn" hoặc sợ bé nuốt phải. Thực tế, "nếu em bé được thoải mái cho vào miệng các đồ mình muốn, bé không bao giờ nuốt vào mà chỉ xem thử cái đó cứng mềm ra sao rồi nhả ra" – Nguyễn Huệ cho biết.

Nếu em bé thoải mái được ngậm, gặm đồ chơi, bé sẽ không bao giờ nuốt vào.

Quen với việc tự mày mò khám phá, tự chơi với các món đồ chơi đơn giản do mẹ tự chế nên chị Huệ nhận thấy bé Ong rất tự lập, ít khóc lóc, khi chơi rất tập trung và yên tĩnh, có thể chơi một mình trong thời gian dài: "Có lúc bé hoàn toàn say mê với món đồ mà quên cả mẹ. Một lần mình bị ốm nằm dài trên sàn không làm được gì, không có ai hỗ trợ, mình thấy thật may mắn biết bao khi con có thể tự chơi, tự vui một mình".

Hãy để con chơi theo cách của con!

Bà mẹ này cũng cho biết khi con chơi, mẹ để con tự chơi mà không can thiệp, không hướng dẫn con cách chơi, không bảo con không được làm cái này không làm được cái kia. Khi làm theo cách này, "cả nhà đều là đồ chơi của con", từ cánh cửa mở ra đóng vào, nồi niêu song chảo, cái ghế cái bàn… con có thể khám phá và chơi với bất kỳ cái gì con muốn.

Với quan điểm của mẹ như vậy, bé Ong có thể đi khắp nhà, mở tủ bếp ra và lục tung lên trong đó:

Bé Ong nghịch tủ bếp.

"Khi để con tự chơi, mình thấy có nhiều điều thật thú vị. Có giai đoạn ngày nào con mình cũng ngồi nhìn cầu thang, nhìn chằm chằm một lúc rất lâu. Bà ngoại còn tưởng con bị làm sao mà cứ ngồi một chỗ nhìn như vậy. Một ngày, con có thể bò lên cầu thang dù có thanh chắn ngay lối lên, hóa ra con đã phát hiện ra lối chui vào ở cầu thang do thanh cầu thang khá to. Người ta cứ nói "trẻ con không biết gì" nhưng như vậy là nhầm to, chúng thông minh hơn chúng ta nghĩ rất nhiều!", – Huệ kể.

Một món đồ chơi tự chế khác từ rổ đựng rau.

Bé Ong cũng từng khiến bố mẹ và mọi người trong nhà ngỡ ngàng khi có thể… ngắm cây khế trong 45 phút liền khi bé mới 3 tháng. Sau này bé vẫn thi thoảng ngắm cây lá chừng 10-15 phút mỗi ngày và mẹ bé nhận ra có bao nhiêu điều để xem trên một cái cây ở góc nhà: những ngày mưa, những ngày nắng, những ngày lá non mọc lên, những ngày trổ hoa tim tím, những ngày quả khế tươi non lớn dần lên… Và Ong thật là cậu bé biết "hưởng thụ" từ nhỏ, giống như lời của mọi người trong nhà bé bình luận. "Nếu để em tự quyết định làm gì, chơi như thế nào, mà không can thiệp, sắp xếp, áp đặt, trẻ em sẽ khiến người lớn ngạc nhiên – Huệ chia sẻ.

Quan điểm để trẻ tự chơi mà không có sự can thiệp của người lớn chưa phổ biến ở Việt Nam nhưng khá quen thuộc với nhiều bố mẹ ở các nước phát triển như Mỹ, Úc. Phương pháp nuôi dạy con nổi tiếng trên thế giới RIE (Resources for Infant Educarers) cho rằng đứa trẻ từ khi có thể lật lẫy đã có suy nghĩ riêng để biết mình thích chơi gì và chơi như thế nào. Do đó, bố mẹ hãy dành thời gian để trẻ tự chơi, chỉ lùi lại và quan sát trẻ, hoàn toàn cho trẻ quyền quyết định chơi gì, chơi bao lâu, chơi cách nào. Khi ấy trẻ có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo ra cách chơi, tự giải quyết khó khăn khi chơi, đồng thời rèn luyện khả năng tập trung và sự kiên nhẫn – đây đều là các kĩ năng và đức tính quan trọng cho thành công của trẻ sau này.

Huệ cũng cho con chơi những đồ dùng, đồ trang trí được làm từ vật liệu tự nhiên.

Bé Ong cũng rất thích chơi với vòng cổ bằng gỗ của mẹ (với đồ chơi này cần sự giám sát của người lớn để đảm bảo an toàn).

Cũng với mong muốn giúp con rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề, thi thoảng Nguyễn Huệ tạo ra vài thử thách nho nhỏ để cậu con 9 tháng tự mình tìm cách xoay sở: Con ở trong cũi thì mẹ bỏ đồ chơi ngoài cũi và ngược lại. Cậu bé loay hoay vài ngày liền mới có thể với được món đồ chơi. "Cái khó thì ló cái khôn, hoàn cảnh có vấn đề thì mới kích thích trẻ tìm tòi và tư duy tìm ra cách" là quan điểm của bà mẹ toàn thời gian này. Huệ cho rằng "Nếu ăn chơi mà bé không tự làm được thì bé không thể tự lập được cái gì".

Tin rằng trẻ em có thể tự mình làm được, nên Huệ thường nói với em bé mấy tháng của mình như một người trưởng thành: "Con có thể tự làm được", "Mẹ rất vui khi con tự làm!", "Con làm tốt lắm!", "Mẹ biết con sẽ làm được!", "Con cố lên một chút nữa thôi là được rồi!".

Mong muốn giản dị của bà mẹ toàn thời gian này là con mình lớn lên thành một người độc lập và có trách nhiệm và có thể vượt qua các thử thách trở ngại của cuộc đời.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang