10 lợi ích "kim cương" từ việc cha mẹ thường xuyên kể chuyện cho con nghe

Khi cha mẹ thường xuyên kể chuyện cho con nghe, trẻ sẽ có ý thức về nguồn gốc và văn hóa, đạo đức và hiểu biết của con được nâng tầm.

Cha mẹ hiện đại thường bận rộn và ít có thời gian dành cho con cái, đặc biệt là việc kể chuyện cho con nghe hàng ngày. Chúng ta để con phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị điện tử như TV, smartphone, máy tính bảng... Và đây cũng là lý do khiến cho cha mẹ và con cái ngày càng xa cách. Trẻ ít tâm sự, thể hiện tình cảm với phụ huynh.

Các nhà tâm lý học giáo dục đã chỉ ra rằng, việc con được nghe kể chuyện thường xuyên có rất nhiều lợi ích phục vụ cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

10 lợi ích "kim cương" khi cha mẹ thường xuyên kể chuyện cho con nghe

1. Dạy trẻ đạo đức

Khi được cha mẹ kể cho nghe những câu truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn... mà ở đó những câu truyện mang thông điệp cái tốt thường chiến thắng cái ác, người tốt thường gặp lành, cái xấu bị loại bỏ, lên án... trẻ sẽ có xu hướng bắt chước theo những nhân vật chính diện được yêu thích. Khi đó, con có thể tiếp thu và khắc sâu vào đầu những phẩm chất tốt như lòng can đảm, sự thật thà, trí thông minh, lòng vị tha... Ngoài ra con cũng sẽ phân biệt được những hành động tốt, hành động xấu để xử sự đúng.

10 lợi ích "kim cương" từ việc cha mẹ thường xuyên kể chuyện cho con nghe - Ảnh 1.

2. Trẻ có ý thức về nguồn gốc và văn hóa

Khi con nghe những câu truyện cổ tích về văn hóa, lịch sử của đất nước, những câu chuyện tuổi thơ của bố mẹ từng trải qua, trẻ sẽ thích thú hơn về những phong tục, truyền thống trong gia đình, văn hóa của dân tộc... Ngoài ra, trẻ cũng hiểu rõ hơn về nguồn cội của mình. Có nhiều câu truyện ví dụ như "Thánh Gióng","Trăm trứng nở trăm con"... sẽ bồi đắp cho con về tình yêu quê hương đất nước, giúp con hiểu hơn về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam...

3. Phát triển khả năng sử dụng vốn từ và hiểu biết của trẻ

Theo nghiên cứu của giáo sư Taira Masato ở trường Đại học Y Tokyo thì quá trình mà mẹ đọc truyện cho con nghe sẽ giúp cho "hệ viền" – Nơi điều khiển ký ức, tạo ra động lực và sinh ra nhiều cảm xúc phát triển.

Cha mẹ thường xuyên đọc truyện cho trẻ nghe sẽ giúp con tăng khả năng ngôn ngữ, khả năng biểu đạt cảm xúc và khả năng liên tưởng của con được hình thành và phát triển một cách tốt nhất.

10 lợi ích "kim cương" từ việc cha mẹ thường xuyên kể chuyện cho con nghe - Ảnh 2.

4. Cải thiện kỹ năng nghe

Đa số trẻ chỉ tập trung trong thời gian ngắn, cảm thấy khó khăn khi phải theo dõi một câu chuyện dài. Do đó, trẻ có thể nói nhiều nhưng không dành thời gian nghe người khác nói.

Việc kể chuyện không chỉ giúp trẻ cải thiện khả năng chú ý mà còn khiến chúng thích lắng nghe để thấu hiểu.

5. Tăng khả năng sáng tạo và tưởng tượng của trẻ

Những sự việc, câu chuyện thông qua lời kể của bố mẹ sẽ nhẹ nhàng đi sâu vào tâm thức của trẻ. Con sẽ phát triển trí tưởng tượng về các nhân vật, địa điểm trong câu chuyện. Trẻ sẽ đi từ hết liên tưởng này đến liên tưởng khác thông qua những ngôn ngữ giàu cảm xúc, được diễn đạt một cách sinh động và dễ hiểu thông qua những hình vẽ minh họa. Suy nghĩ tự do cũng giúp trẻ sáng tạo hơn, không theo khuôn mẫu.

6. Là công cụ hữu ích để định hình trí nhớ

Khi kể cho con 1 câu truyện, người lớn có thể hỏi con những tình tiết trong câu chuyện đó. Trẻ sẽ nhớ lại những lời cha mẹ kể. Điều này lặp đi lặp lại nhiều lần có tác dụng rất tốt trong việc rèn luyện trí nhớ của trẻ. Ngoài ra con cũng có thể học cách suy luận, đoán biết vấn đề khi xâu chuỗi nhiều câu truyện, sự việc vào với nhau.

10 lợi ích "kim cương" từ việc cha mẹ thường xuyên kể chuyện cho con nghe - Ảnh 3.

7. Hình thành văn hóa đọc sách cho trẻ

Con sớm được tiếp xúc với truyện, sách ngay từ khi con nhỏ... Sau này khi lớn lên, con sẽ có khuynh hướng thích thú với việc đọc sách.

Ngoài ra, nếu cha mẹ thường xuyên đọc truyện cho con nghe, con sẽ hình thành được nhu cầu và mong muốn biết đọc sớm. Từ việc chỉ chơi với cuốn sách cùng những hình minh hoạ, trẻ sẽ dần dần có ham muốn tự nhiên là được đọc nội dung trong những cuốn sách đó. Điều này sẽ xây dựng được mong muốn biết đọc sớm một cách tự nhiên ở trẻ.

8. Mở rộng hiểu biết của trẻ

Nhiều câu truyện cổ tích, hoặc ngụ ngôn có nguồn gốc từ nước ngoài. Khi kể cho con nghe, vốn hiểu biết cho con sẽ được mở rộng, không chỉ bó hẹp ở trong nước mà còn có thể khám phá, tiếp thu văn hóa nước ngoài. Ví dụ như khi nghe câu truyện về "Cô bé bán diêm", con sẽ biết được bên nước ngoài họ đón giao thừa thế nào, có gì khác nước mình... Từ đó vốn hiểu biết của trẻ được mở rộng, con sẽ thông minh và tự tin hơn.

9. Phát hiện và định hướng những sở thích, đam mê của con

Có thể chưa biết chữ, nhưng nhiều cuốn truyện với những hình vẽ ngộ nghĩnh sẽ thu hút trẻ. Con sẽ có khuynh hướng yêu thích cuốn này hơn cuốn kia, yêu thích câu chuyện này hơn câu chuyện kia. Trẻ sẽ nhìn ngắm hay thích thú một hình vẽ, một nhân vật trong truyện lâu hơn… Từ đó, cha mẹ có thể hiểu để định hướng cho con dựa trên những mong muốn và sở thích của trẻ.

10. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái gắn bó hơn

Quá trình đọc truyện cho con nghe cũng là một quá trình giao tiếp, trò chuyện giữa cha mẹ với con cái. Thời kỳ ấu thơ là thời kỳ quan trọng để nuôi dưỡng cảm xúc và trí tuệ. Giọng nói, cách đọc hàng ngày của cha mẹ sẽ được in sâu vào trong tâm trí trẻ. Từ đó, việc giao tiếp giữa cha mẹ và bé được cải thiện. Cũng từ đó mà tình cảm giữa bố mẹ với con thêm gắn bó.

 

Link gốc: https://phunuvietnam.vn/10-loi-ich-kim-cuong-tu-viec-cha-me-thuong-xuyen-ke-chuyen-cho-con-nghe-222022278132858907.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang