Khi con bắt đầu ăn dặm, các mẹ bỉm sữa luôn dày công nghiên cứu cách làm các món ăn mới tốt cho con. Tuy nhiên, ít ai để ý đến những sai lầm để tránh. Dưới đây là những "lời khuyên vàng" về các lỗi sai khi cho trẻ ăn dặm. Phụ huynh nên chú ý nhé!
1. Cho trẻ ăn dặm quá sớm
Người lớn hay nghĩ rằng, con sớm được bổ sung tinh bột sẽ mau lớn, tăng cân. Vì vậy, có những bé mới 3-4 tháng tuổi, gia đình đã rục rịch chuẩn bị cho con ăn dặm.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, việc ép con ăn dặm quá sớm sẽ có nhiều hậu quả khôn lường. Bé dễ bị nôn trớ, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, chậm tăng cân,... Bé dễ dàng bị đau dạ dày và nhiều bệnh khác nữa.
Tổ chức y tế Thế giới khuyến cáo rằng, từ 6 tháng trở đi mới cho con ăn dặm. Bé sẽ ăn dần dần từ loãng đến đặc. Con có thể chỉ cần ăn 1 bữa/ngày. Từ tháng thứ 12 trở đi cho bé ăn dặm một ngày 3 cữ. Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ dưới 1 tuổi để trẻ phát triển tốt và toàn diện. Vì thế đừng vội cai sữa và ép con ăn dặm quá sớm nhé.
2. Ép con ăn quá nhiều
Ở mỗi tháng tuổi nhu cầu ăn của con khác nhau nên phụ huynh nên cung cấp cho bé lượng thức ăn vừa phải. Đừng bắt trẻ ăn nhiều quá, hoặc quá nhiều bữa trong ngày. Con sẽ sợ và dễ bị chán ăn, biếng ăn.
Chị em đừng để trẻ quá đói nhưng cũng không để con quá nó. Như thế bé mới có hứng thú cho bữa ăn tiếp theo.
3. "Thần thánh hóa" nước xương hầm
Ngày xưa khi nấu cháo hoặc bột cho bé, các mẹ Việt thường quan niệm rằng phải ninh xương lọc lấy nước để chế biến. Như vậy món ăn dặm của con sẽ ngon hơn, bổ dưỡng hơn.
Suy nghĩ nước xương chứa nhiều canxi, vitamin A và chất béo giúp trẻ sáng mắt, cao hơn và tăng cân tốt… đã ăn sâu vào tư tưởng của rất nhiều thế hệ. Tuy nhiên gần đây, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, cho trẻ ăn nước hầm xương mỗi ngày dễ dẫn đến còi xương và suy dinh dưỡng.
Trên thực tế, nước xương tạo cảm giác ngon miệng nhưng "nghèo" canxi hơn cả thịt. Chưa kể, trẻ muốn hấp thụ được canxi thì tỷ lệ canxi và phospho phải cân đối. Nhưng trong nước xương, lượng phospho rất thấp.
Chất béo trong tủy tiết ra đều là chất béo không tốt gây no, khó tiêu, ức chế hấp thụ các chất dinh dưỡng khác.
4. Ngập tràn thức ăn trong 1 bữa
Với quan niệm trẻ nhỏ cần làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau, nhiều bà mẹ thường chế biến rất nhiều thức ăn trong 1 bữa cho con. Điều này là sai lầm.
Hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, chưa thể tiêu hóa hết các loại thức ăn, đặc biệt là những thức ăn chứa nhiều protein, chất đạm, chất béo... Quá nhiều thức ăn cùng một lúc sẽ khiến trẻ rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn đường ruột, rối loạn nhu động ruột... Vì vậy mẹ nên cho bé quen dần với từng món, thay vì ép con ăn nhiều món cùng lúc nhé.
5. Cho trẻ ăn mặn
Sai lầm lớn nhất các mẹ hay mắc phải là bỏ gia vị vào đồ ăn của con. Tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng, trẻ 1 tuổi mới cần ăn thức ăn có gia vị. Bởi nếu ăn mặn quá sớm sẽ gây rối loạn vị giác, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chứng chán ăn và biếng ăn ở trẻ.
Không những vậy, việc ăn quá nhiều muối có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh huyết áp cao, đau tim, đột quỵ, hại thận...
6. Nấu 1 lần ăn cả ngày
Vì việc nấu cháo cho con mất khá nhiều thời gian nên các mẹ thường chọn cách nấu 1 lần và cho con ăn cả ngày.
Tuy nhiên đây cũng là sai lầm khi cho trẻ ăn dặm. Bởi ở nhiệt độ thường, cháo chỉ để trong vòng 2 tiếng đồng hồ là bắt đầu có biểu hiện ôi thiu. Nếu bảo quản lạnh thì dưỡng chất cũng mất đi đáng kể. Do đó chị em nên nấu đến đâu cho trẻ ăn đến đó, không nên nấu quá nhiều.
7. Cho trẻ ăn thô muộn
Các mẹ thường sợ con mình khó nuốt, bị hóc, trớ... nên thường nghiền kỹ thức ăn. Có bé đến 2 tuổi vẫn còn ăn bột, hoặc cháo xay mịn. Điều này khiến cho trẻ lười nhai sau này. Bé không nhai khi ăn cơm sẽ khiến cho dịch vị dạ dày tiết ra ít hơn. Trẻ sẽ không có cảm giác ngon miệng khi ăn. Dần dần bé sẽ trở nên biếng ăn, hay ngậm cơm...
Việc lọc quá kĩ cũng dẫn đến thức ăn mất 1 số vi chất tốt cho trẻ.
8. Chỉ cho ăn món con thích
Ở giai đoạn ăn dặm, con sẽ bộc lộ thích thú với 1 loại đồ ăn nào đó. Còn những món không thích trẻ ăn ít hoặc bỏ ăn. Cha mẹ thấy con ăn món kia nhiều thì chỉ tích cực nấu món đó cho trẻ. Tuy nhiên việc làm đó sẽ khiến con thiếu dinh dưỡng, lười ăn và không được trải nghiệm những món mới.
Do vậy, hãy biết cân bằng các thành phần dinh dưỡng có trong bữa ăn của trẻ. Khi muốn đưa thêm một loại thực phẩm mới vào bữa ăn cho con, cha mẹ hãy tập cho trẻ ăn từ 8 – 10 lần và kiên trì theo khối lượng từ ít đến nhiều.
9. Bữa ăn quá lâu
Cố cho con ăn hết bát cháo/bột, cha mẹ thường kéo dài bữa ăn. Hoặc cho con đi chơi rong để bé mải chơi và ăn được nhiều hơn. Điều này về lâu về dài sẽ là sai lầm. Bởi bữa ăn kéo dài, bé còn chưa thấy đói đã sang bữa tiếp theo. Điều này sẽ khiến con ăn không được ngon miệng.
Bên cạnh đó việc vừa đi chơi rong vừa cho con ăn sẽ khiến bé quen với việc ấy. Khi lớn, con không chịu ngồi một chỗ để ăn cũng gia đình mà phải cho bé đi lại liên tục. Bé cũng không biết tự xúc ăn mà cần người lớn đút cho.
Con vừa đi vừa ăn sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa. Trẻ có thể bị đau dạ dày, mắc chứng biếng ăn...
Tốt nhất, bữa ăn chỉ nên kéo dài nhiều nhất là 30 phút, dù bé mới ăn được ít cũng nên kết thúc.
10. Không để ý đến dấu hiệu con bị dị ứng hoặc táo bón
Khi ăn dặm, con thường hay mắc 2 chứng bệnh đó là dị ứng và táo bón. Đây là những dấu hiệu nguy hại, hoàn toàn không tốt cho sức khỏe và sự phát triển của bé. Song nhiều mẹ lại chủ quan, không thực sự để ý đến những dấu hiệu này của bé. Táo bón hoặc dị ứng cho biết thức ăn tiêu hóa rất chậm, con không phù hợp món ăn này hoặc do cách chế biến sai.
Nếu con bị táo bón và dị ứng thì nên dừng việc cho bé ăn lại. Cha mẹ nên chờ hệ thống tiêu hóa của bé hoàn thiện các chức năng rồi mới thử lại. Mẹ nên để ý những món con bị dị ứng và nên tránh chế biến cho con. Bởi có nhiều bé gặp nguy hiểm khi dị ứng thức ăn. Trong nhà có người lớn bị dị ứng thức ăn nào đó, người chế biến cũng nên thận trọng khi nấu cho trẻ. Hãy cho bé ăn 1 lượng ít trước để xem phản ứng của trẻ. Sau dần mới tăng lượng đồ ăn lên.
Dưới đây là gợi ý về chế độ ăn bột/cháo của trẻ trong 2 năm đầu (kết hợp với các bữa phụ + sữa mẹ hoặc sữa công thức):
- 6-7 tháng: 1 bữa bột lỏng khoảng 100 – 200 ml.
- 8-9 tháng: 2 bữa bột đặc 200 ml.
- 10-12 tháng tuổi: 3 bữa bột đặc 200 ml – 250 ml.
- 12 – 24 tháng: 3 bữa cháo 250 – 300 ml.
- 24 tháng trở đi có thể ăn cơm cùng gia đình.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.