126 trường ở Hà Nội tạm đóng cửa, tổ chức học online do mưa lũ

(lamchame.vn) - Trước tình trạng mưa lũ kéo dài gây ngập úng, nhiều trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội đã cho học sinh học online ngay từ sáng nay (11/9) để bảo đảm an toàn.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến trưa nay, toàn thành phố có 126 trường tạm dừng đón học sinh, học tập trực tiếp tại trường do ảnh hưởng của mưa lớn.

So với ngày hôm qua, số trường nghỉ học tăng gần 10 đơn vị. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, trời còn mưa lớn thì dự báo số lượng trường phải tạm dừng học trực tiếp sẽ còn nhiều hơn.

Cô Văn Thùy Dương, Hiệu phó trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cho biết, trường quyết định cho học sinh nghỉ học từ chiều ngày 10/9 tại cả hai cơ sở quận Cầu Giấy và Tân Triều. Từ sáng nay, hình thức học online qua ứng dựng Zoom được diễn ra ở tất cả các khối lớp.

"Thông tin từ các giáo viên trong trường, buổi học online sáng nay diễn ra trơn tru, đường truyền mạnh ổn định, 100% sĩ số các lớp đầy đủ, học sinh hào hứng tham gia tiết học cùng thầy cô", cô Thùy Dương nói và cho biết, các phụ huynh đều đồng tình và ủng hộ phương án dạy online, đảm bảo an toàn cho học sinh những ngày Hà Nội mưa lũ.

126 trường ở Hà Nội tạm đóng cửa, tổ chức học online do mưa lũ- Ảnh 1.

Một lớp học online sáng nay trường Lương Thế Vinh.

Vị phó hiệu trưởng này cũng đề xuất, trong bối cảnh mưa lũ hiện nay, Hà Nội nên chỉ đạo 100% các trường tổ chức học online để đảm bảo an toàn cho học sinh, không chỉ riêng các vùng ngập lụt, "không nên để học sinh đến trường vào những ngày này".

Theo cô Dương, trường THCS&THPT Lương Thế Vinh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết hàng ngày, đồng thời rà soát toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, trên tinh thần bảo đảm tuyệt đối an toàn mới tổ chức dạy học trực tiếp. Quá trình dạy học online, nhà trường vẫn đảm bảo tiến độ, kế hoạch năm học 2024-2025 cho học sinh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình) cho rằng, sau đợt dịch COVID-19, việc học online đã trở nên quen thuộc, giáo viên và học sinh sẽ không gặp khó khăn khi không thể đến trường.

Vị này cho hay, trường THPT Đinh Tiên Hoàng tổ chức dạy online từ nay cho đến khi tình hình thời tiết ổn định hơn, đủ an toàn mới cho học sinh đến lớp.

"Công tác dạy học trực tuyến được diễn ra ngay trong sáng nay, thông tin, qua kiểm tra, một số học sinh nhà trường ở khu vực ven sông Hồng đang cùng gia đình đi sơ tán do lũ, nên chưa thể tham gia lớp học online. Còn lại các lớp đều đảm bảo sĩ số", ông thông tin.

126 trường ở Hà Nội tạm đóng cửa, tổ chức học online do mưa lũ- Ảnh 2.

Nhiều trường cho học sinh học online ngay từ sáng nay.

Nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố thay đổi kế hoạch học sang trực tuyến từ ngày 11/9. Trường THPT Quang Minh (Mê Linh) thông báo, dù khu vực trường chưa ngập, nhưng nhiều tuyến đường đến trường, nơi học sinh đi qua đang bị ngập nặng, để đảm bảo an toàn, học sinh học onlien từ 11/9 đến khi có thông báo mới.

Dựa trên tình hình thời tiết và thông báo mất điện của điện lực quận Nam Từ Liêm, t rường THPT Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) cho giáo viên, học sinh nhà trường chuyển dạy và học online trong ngày 11/9.

Trường THPT Phan Huy Chú (Quốc Oai) thông báo cho học sinh ra về từ 13h30 ngày 10/9. Từ ngày 11/9, học sinh toàn trường sẽ học online cho đến khi có thông báo mới.

Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng thông báo chuyển đổi hình thức dạy học sang trực tuyến từ thứ Tư ngày 11/9 trên Ms.Teams.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, hiện 2 trường ở xã đảo Minh Châu, gồm trường tiểu học Minh Châu và trường THCS Minh Châu chuyển sang dạy học trực tuyến.

Phòng yêu cầu các trường bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên trực 24/24h tại các trường, điểm trường để nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Huyện Ba Vì có 30 xã và 1 thị trấn với tổng số 110 trường học. Xã Minh Châu là xã đảo duy nhất của thành phố Hà Nội có 3 trường học ở ba cấp: mầm non, tiểu học và THPT.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang