Thuyết trình và phản biện/tranh biện (Speech and Debate) là 2 môn học đang được nhiều phụ huynh đầu tư cho con.
Thuyết trình được hiểu là một người đứng lên sân khấu, trình bày về một quan điểm nhất định nào đó cho người khác nghe. Còn tranh biện là dùng lập luận, phân tích để bảo vệ ý kiến cá nhân, thuyết phục người khác tin vào ý kiến của mình đồng thời cũng lắng nghe và tôn trọng ý kiến trái chiều của người khác.
Kỹ năng thuyết trình sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi đứng trước đám đông và dám thể hiện cá tính của mình. Trong khi đó, tranh biện giúp học sinh phát triển tốt tư duy logic, được rèn luyện kỹ năng mềm khác như: Tự tin, phản xạ nhanh, giao tiếp và xử lý tình huống tốt, tích luỹ kiến thức về đời sống xã hội, chính trị, văn hóa…
Ở nhiều trường tư thục, học sinh thường được tạo điều kiện để xây dựng nền tảng và kỹ thuật thuyết trình, phản biện từ tiểu học. Trong khi học sinh ở trường công lại có phần thiếu hụt. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn có thể đồng hành cùng con để trẻ phát triển hai kỹ năng quan trọng này.
Đừng nghĩ rằng con sẽ giỏi thuyết trình chỉ sau 1 khóa học
Muốn cho trẻ có được sự tự tin, khả năng diễn đạt, kiến thức và tư duy để thuyết trình và phản biện, nhiều người thường đăng ký cho con một số khóa học. Điều này có thể cải thiện khả năng tương tác của trẻ ở một mức độ nhất định, tuy nhiên theo kinh nghiệm của nhiều phụ huynh, vai trò của gia đình trong việc trau dồi khả năng thuyết trình, tranh biện của con là quan trọng nhất.
Chẳng hạn, nếu bạn giúp trẻ vẽ ra một bản mindmap cầu kỳ sau đó tập cho trẻ ghi nhớ các kiến thức, rồi dạy trẻ cách nói, diễn tả nội dung của bản mindmap đó và quay clip, "sản phẩm" sẽ khá long lanh. Nhưng sau đó trẻ vẫn lơ ngơ, "mù tịt" khi chuyển sang đề tài khác, nội dung khác. Vì vậy, muốn đạt hiệu quả thực sự, cha mẹ phải có một lộ trình dài tập, tính bằng năm, và phải đạt được độ chín nhất định.
Hãy chú ý giúp con rèn các kỹ năng nhỏ như: Đọc to, rõ ràng, diễn cảm; đọc trôi chảy, không ngọng; diễn đạt tốt các thể loại văn xuôi, truyện kể, thơ và truyện thơ; tập suy nghĩ nhanh và trả lời nhanh các câu hỏi sau mỗi bài tập đọc. Tất cả đều có trong sách giáo khoa Tập đọc từ lớp 1 đến lớp 5 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Khi con đã học tốt rồi, cha mẹ hãy để con tự tìm hiểu các phương pháp để thực hiện thuyết trình sao cho hay, duyên dáng, hấp dẫn; cách phản biện và tư duy phản biện sao cho đúng đắn, khoa học. Những nội dung này có thể dễ dàng tìm thấy trên internet, thế là bạn không phải lo tốn tiền cho các khóa học của con nữa.
Khi dạy kỹ năng thuyết trình cho trẻ tiểu học, việc dạy cho trẻ chuẩn bị nội dung thuyết trình rất quan trọng. Do đó, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ xác định rõ: Đối tượng thuyết trình: Xác định được đối tượng thuyết trình sẽ giúp trẻ biết được cách xưng hô cũng như lựa chọn chủ đề và cách trình bày khi thuyết trình sao cho phù hợp; Nội dung thuyết trình: Nội dung của chủ đề nên rõ ràng và chi tiết. Việc chọn chủ đề quá rộng sẽ khiến việc chuẩn bị nội dung không sâu; Bố cục bài thuyết trình...
Ngoài việc chuẩn bị nội dung thì cha mẹ cũng nên dạy trẻ luyện tập cách trình bày bài thuyết trình. Ngoài ra, việc dùng ngôn ngữ hình thể là những cử chỉ, động tác cơ thể trong quá trình thuyết trình cũng được chú trọng.
Khi nào nên cho con học tranh biện và lưu ý gì về tranh biện với lứa tuổi tiểu học?
Theo chị Lê Phương Thanh (Hà Nội), tác giả sách "Tài chính cá nhân cho mẹ Việt", để cho con tìm hiểu về hình thức tranh biện nên bắt đầu khi con tầm lớp 3 (9 tuổi). Ở tầm tuổi này, khả năng nhận thức, sự hiểu biết xã hội của con cũng tương đối ổn. Con sẽ hiểu hơn về các nội dung tranh luận. Các con bé quá (lớp 1, 2) phần lớn đều chưa sẵn sàng.
Sau khi cùng con chuẩn bị cho phần tranh biện trong một cuộc thi cấp trường (con chị đạt giải Nhất), chị Thanh thấy hình thức "debate" này có khá nhiều mặt tích cực, cụ thể: Con được tìm hiểu về 2 mặt của 1 vấn đề; Con học được cách làm việc nhóm; Con học được cách tôn trọng ý kiến khác biệt của đội bạn và bảo vệ ý kiến cá nhân của riêng con.
Trước khi tham gia tranh luận, người phát ngôn phải hiểu được vấn đề, đồng thời có kiến thức chuyên môn vững ở lĩnh vực đó. Có như thế, quá trình phản biện mới chính xác, rõ ràng, thuyết phục người nghe. Vì vậy, khả năng tư duy và ngôn ngữ của con sẽ phát triển một cách tự nhiên khi có cơ hội được tìm hiểu về các chủ đề tranh biện thực tế. Con cũng sẽ biết nhiều từ mới và cách sử dụng từ trong đời thường. Tăng khả năng chủ động tìm kiếm, tự tổng hợp thông tin.
Trong quá trình cùng con tìm hiểu thông tin hai mặt của một vấn đề được nêu ra, chị cũng hướng dẫn con cách tìm thông tin như thế nào, cách tóm tắt lại thông tin và hướng dẫn con diễn giải lại ý đó theo các từ ngữ phù hợp hơn. Chỉ khi con hiểu được nội dung, con mới có thể chia sẻ và bảo vệ ý kiến của mình với các bạn khác.
Ở nhà, chị Thanh cố gắng thường xuyên cùng con trò chuyện về một vấn đề nào đó và cùng con suy nghĩ về hai mặt của một vấn đề để rèn luyện con tư duy phản biện tốt hơn. Ví dụ vấn đề chị mới nói chuyện với con gần đây là: “Công nghệ số giúp cuộc sống của trẻ em tốt hơn. Bạn đồng ý hay không đồng ý”, chị Thanh chia sẻ.
Trên thực tế, kỹ năng phản biện có thể được trau dồi hiệu quả ở gia đình. Tuy nhiên, đa số ở các gia đình hiện nay, bố mẹ nói gì, con cái phải nghe, không được tranh luận, bày tỏ quan điểm. Từ đó, dần dần tính tranh biện bị hạn chế.
Để con phát triển kỹ năng này, cha mẹ cần chấp nhận, khuyến khích để con có thể nói lên quan điểm, ý kiến của mình (trong giới hạn cho phép). Khi muốn trẻ có kỹ năng tốt thì các bậc phụ huynh cũng cần trang bị kiến thức cơ bản về tranh biện để có thể "tung hứng" và cung cấp cho con những kiến thức cần thiết. Cha mẹ nên chuẩn bị kĩ từ việc đưa ra chủ đề, cách khuyến khích, gợi mở cho con cái, cho tới sự linh hoạt tùy theo độ tuổi, nhận thức, tính cách của con.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.