Cuộc điện thoại trong đêm báo tin dữ sau 2 năm xa cách
Loan Trần (1991, quê Hà Nam, hiện đang sống ở Hòa Bình) đã từng mơ ước về một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống màu hồng. Cho đến khi bước vào hôn nhân hơn 1 năm, Quang Hưng, chồng cô đã phạm một sai lầm mà Loan đã nghĩ không bao giờ có thể tha thứ được. Vì “anh đẩy mẹ con em vào tận cùng của nỗi khổ”, hai người không tìm được tiếng nói chung, cuộc sống gia đình mỗi ngày thêm ngột ngạt.
Loan Trần và Quang Hưng có 2 năm xa cách trước khi tái hợp.
Loan làm đơn ly hôn nhưng chồng nhất định không ký. Cô quyết định ly thân, sống xa nhau để cả hai tự nhìn nhận lại mình. Khi đó, bé Min mới 10 tháng tuổi.
Một mình ôm con rời khỏi căn nhà cũ, Loan tìm thuê nhà mới nhỏ hơn, tìm cách bán hàng online nuôi con.
Thương bé Min từ nhỏ đã thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm của bố và người thân, nhưng Loan vẫn kiên quyết không quay về với chồng, chỉ để anh thi thoảng đến thăm cho con biết mặt bố.
Hai năm hai mẹ con cứ thế nương tựa vào nhau mà sống, tự Loan cũng quen với việc là mẹ đơn thân.
Bé Min đôi khi so bì bạn bè có bố đưa đón đi học, còn con chỉ có mẹ. Khi con hỏi bố đâu, Loan bối rối không dám nói cặn kẽ.
Con còn quá nhỏ chưa hiều chuyện người lớn, nên cô nói dối: "Bố đi làm xa con ạ". Nhưng những khi Min nhớ bố, cầm tấm ảnh thẻ gọi "bố ơi, bố ơi", lòng cô cũng xao động.
Bức ảnh kỷ niệm Tết đầu tiên đầy đủ bố mẹ của Min.
Vào một đêm mưa bão lớn, Loan nhận được tin dữ như sét đánh ngang tai: Chồng cô gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng khi đang trên đường đi làm về.
Nửa đêm, số lạ gọi đến, Loan ngập ngừng định không nghe, nhưng khi bắt máy thì nghe tiếng chồng bên kia thều thào: "Em à, anh gặp tai nạn rồi, rách mồm miệng, gãy chân tay rồi, em xuống với anh được không?". Nói đoạn, Hưng dập máy.
Ban đầu, Loan bực lắm, cô còn tưởng chồng trêu ghẹo ác ý. Nhưng linh tính mách bảo cô gọi lại số máy đó thì biết Hưng gặp tai nạn nghiêm trọng thật. Trước khi ngất đi, mọi người hỏi số điện thoại người nhà và anh chỉ nhớ duy nhất số của vợ.
Ám ảnh sinh tử trong bệnh viện, vợ quyết định hàn gắn
Gọi báo cho người nhà anh xong, Loan lại tất tưởi chạy đến bệnh viện tỉnh. Đến nơi thì hay tin chồng cô đã được chuyển lên bệnh viện Việt Đức. Cả đêm ấy, Loan không thể chợp mắt.
Hưng bị chấn thương rất nặng: Chân phải gãy làm 3 đoạn; xương trên đầu gối vỡ nát; tay gãy; dập nội tạng; mặt rách… Anh phải trải qua 2 ca phẫu thuật trong nhiều giờ đồng hồ, hôn mê bất tỉnh 7 ngày liền trong phòng chăm sóc đặc biệt. Rồi sau đó phải chuyển qua phòng hồi sức tích cực vì anh không thể tự thở do sức khoẻ yếu và viêm phổi nặng…
Loan làm y tá chăm sóc cho chồng.
Loan nhớ lại: “Lần đầu được bác sĩ cho vào gặp anh, anh vẫn nằm đó với đủ loại máy móc quanh người. Anh vẫn mê man, quằn quại vô vọng trong cơn đau, em đã không nhận ra anh vì anh gầy và xanh quá. Em đã thì thầm vào tai anh, động viên anh cố gắng, mắt anh nhắm nhưng hai dòng nước mắt chảy dài, bàn tay phù lên đầy dây dợ cứ nắm chặt tay em…”.
Sau 7 ngày nằm hồi sức tích cực, Hưng được chuyển xuống phòng thường. Những ngày đó, Loan cứ sáng sớm đưa con đi học, bắt xe từ Hòa Bình xuống Hà Nội chăm chồng, chiều lại bắt xe về nhà để kịp giờ đón con đi học về và chăm con, bán hàng. Có lúc cô cảm thấy mình muốn gục ngã, nhưng thương bố của con đang thập tử nhất sinh, thương con trai nhỏ, cô lại tự động viên mình gắng gượng.
Bé Min ngủ vùi trên ghế trong khi đợi mẹ làm việc.
Cũng trong những ngày đó, bước qua hành lang bệnh viện chật chội chen chúc, nghe những tiếng rên la đau đớn, chứng kiến những cuộc sinh ly tử biệt, Loan lại thấy trân trọng sức khỏe và cuộc sống hơn. Đó cũng là lúc cô quyết định tha thứ cho chồng, mang bố về cho con.
Quang Hưng hồi phục kỳ diệu, có thể đi đứng nhờ nạng hỗ trợ.
“Đã có người hỏi em sao em lại đứng ra lo toan hết mọi thứ cho anh, khi mà hai người đã ly thân. Em chỉ biết hết tình còn nghĩa, anh là bố của con em, em làm sao bỏ mặc được.
Em đã bỏ qua tất cả chuyện quá khứ không vui để lo cứu anh đã. Anh trải qua đợt phẫu thuật cuối rồi em đón anh về nhà chăm sóc, còn anh thì cứ đòi về nhà anh để bố mẹ anh chăm vì sợ em khổ.
Quãng thời gian anh về nhà là quãng thời gian em mệt mỏi nhất khi mọi sinh hoạt đều tại chỗ. Ban ngày em lo chăm anh, chăm con, buổi tối em lại lo kiếm tiền.
Nhiều lúc em mệt mỏi muốn buông xuôi, nhưng nhìn anh, nhìn con, em lại tự nhủ mình cố gắng hơn.” - cô hồi tưởng.
Cô vừa lo kiếm tiền vừa làm y tá chăm sóc, tập vật lý trị liệu cho chồng từ những lúc tập nằm nghiêng, xốc nách chồng tập ngồi dựa tường, tập ngồi xe lăn, làm chỗ dựa cho chồng tập đi đứng bằng nạng…
Loan cũng kiêm luôn làm đầu bếp nấu đủ 3 bữa cơm một ngày với niềm tin ăn uống đủ chất, chắc chắn chồng sẽ hồi phục tốt hơn.
Cho chồng cơ hội yêu lại từ đầu
Cho đến giờ, Loan đã đón chồng về được hơn 1 năm. Sóng gió chưa êm với gia đình nhỏ của cô, vì hành trình đầy gian nan chữa trị cho chồng chưa hoàn tất. Bé Min cũng có chút vấn đề với bàn chân bẹt, cần vật lý trị liệu và học can thiệp chữa ngọng vì cô giáo phát hiện con không nói được câu dài.
Nhưng Loan vẫn vui với những gì mình đang có. Đó là một bé Min rất ngoan, tự ăn, tự ngủ, tự chơi để mẹ làm việc. Min còn biết ở bên cạnh động viên bố mỗi ngày, giúp đỡ mẹ những việc nhỏ nhặt, hỗ trợ mẹ chăm bố.
Đó là niềm hạnh phúc khi từ cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm vì lâu quá rồi không gặp, không được sống cùng bố của bé Min cho đến khi cu cậu nói cười ríu rít, Min hẹn bố mau khỏe để đưa đón con đi học, để cùng chơi đá bóng.
Đó là một người chồng, sau đại nạn dường như đã “hồi sinh”, thay đổi như một con người khác, yêu thương vợ con, phụ vợ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Loan hài lòng với cuộc sống hiện tại, chăm chỉ làm việc, dành năng lượng để chăm chồng, chăm con với niềm tin rồi sức khỏe của cả hai sẽ ổn. Cô hài lòng với những bận rộn, bày biện nấu nướng để chồng con reo lên mỗi khi đến bữa, vui cả với việc "nhậu nhẹt" cuối tuần. Hơn cả, cô tin rằng quyết định hơn 1 năm trước của mình, khi dang tay đón chồng về chăm là đúng.
Những bữa cơm sắc màu Loan nấu cho gia đình.
Không chỉ vì điều đó khiến gia đình tròn trịa trở lại, vì Min có bố ở bên đời mà còn vì: “Cuộc đời con người ai cũng có những sai lầm. Em không cổ suý cho việc cứ sai rồi quay về là được tha thứ, nhưng khi người ta đã biết sửa sai, biết làm lại, biết thay đổi... thì chúng ta cũng nên trân quý và cho họ cơ hội. Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại…”.
https://soha.vn/2-nam-ly-than-lam-single-mom-chong-tai-nan-thap-tu-nhat-sinh-vo-tha-thu-don-ve-cham-nom-20220323175357821.htm
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.