Dịch bệnh cúm có diễn biến phức tạp, nhiều người tử vong do mắc cúm A/H1N1
Mới đây, tại Phú Yên xuất hiện trường hợp bệnh nhi 27 tháng tuổi tử vong do mắc cúm A/H1N1. Theo đó, bệnh nhi có triệu chứng sốt, ho từ 29/11, được người nhà tự mua thuốc cho uống nhưng không rõ thuốc gì. Hôm sau, khi thấy cháu không có dấu hiệu thuyên giảm, gia đình đưa đến điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên và được chẩn đoán viêm phổi nặng. Sau đó, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang xác định bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Đến 9/12, bệnh nhân bị tiên lượng xấu, người nhà xin đưa về và cháu N. đã tử vong trên đường.
Mới tháng trước, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cũng cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do mắc bệnh cúm A/H1N1. Bệnh nhân tử vong là một nhà sư. Theo đó, bệnh nhân T khởi phát bệnh từ ngày 25/10 với biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, tiếp xúc chậm, chân tay lạnh.
Đến ngày 3/11, bệnh tình chuyển biến nặng, bệnh nhân đã nhập viện điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (BV Đa khoa tỉnh Kon Tum). Ngày 6/11, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên khẳng định mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Qua 5 ngày điều trị, bệnh nhân qua đời và được chẩn đoán tử vong do bệnh cúm A/H1N1.
Tình trạng dịch cúm A/H1N1 có diễn biến phức tạp, khó lường. Trước thực trạng đó, nhiều người dân còn tự ý mua thuốc Tamiflu về sử dụng tại nhà không được bác sĩ kê đơn. Điều này dẫn đến chuyện thuốc cháy hàng liên tục, có giá cao cắt cổ, đặc biệt là nguy cơ kháng kháng sinh lan rộng.
Mới đây, Tổng cục Thống kê cũng công bố có 409.800 trường hợp mắc cúm trên cả nước trong năm qua tính đến hiện tại. Trong đó có 10 trường hợp tử vong và số người mắc bẹnh cúm tăng cao trong thời điểm hiện nay.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai): "Bệnh cúm năm nào cũng có, trừ những dạng cúm đặc biệt như cúm H5N1, H1N1, H7N9 mới gây bệnh nặng. Còn lại chỉ là cúm mùa thông thường, có thể gây thành dịch nhưng thường sẽ rất nhẹ, triệu chứng thay đổi tùy cơ địa người bệnh".
Thông thường, bệnh cúm sẽ khỏi từ 4-7 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Mặc dù vậy, trong những trường hợp nặng, bệnh để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nên cần cẩn trọng nếu các dấu hiệu nặng hơn của bênh cúm.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, dù là chữa cúm cho bất cứ ai, nhất là trẻ nhỏ cũng cần ghi nhớ nguyên tắc: chỉ dùng thuốc chữa cúm cho trẻ khi xác định rõ trẻ mắc cúm và đó là loại cúm gì. Không tự ý mua thuốc Tamiflu về dùng khi bị mắc cúm mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Ngoài ra, bất cứ ai cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác phòng tránh bệnh cúm trong mùa cao điểm, nhất là sắp sang năm mới như hiện nay.
Dịch bệnh sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, cực nguy hiểm
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2019, thành phố đã ghi nhận 12.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đáng nói, căn bệnh này có sự gia tăng gấp gần 3 lần so với năm 2018. Trong 10 tháng đầu năm 2019, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên cả nước lên đến 200.000 người. Số người tử vong là 50 người và chưa dừng lại ở đó, sốt xuất huyết vẫn gia tăng ở khắp nơi.
Cũng không chỉ riêng Hà Nội, miễn Trung, miền Nam và khu vực Tây Nguyên đều có số bệnh nhân bị sốt xuất huyết tăng gấp 2-3 lần trở lên so với cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng), sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh lưu hành trên 100 quốc gia trên thế giới thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới như vùng Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, Châu Mỹ, Châu Phi với khoảng 3,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Tại Việt Nam, bệnh lưu hành trên cả nước nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc bộ và ven biển miền Trung.
"Sốt xuất huyết có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh, dẫn tới bệnh nặng, có biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa… đe dọa tới tính mạng. Để tránh tình trạng bệnh nặng hoặc có biến chứng mới vào viện điều trị, những bệnh nhân bị sốt đột ngột, kèm theo triệu chứng đau đầu, đau mỏi toàn thân, cơ thể có chấm đỏ ở ngoài da, chảy máu răng lợi hoặc chảy máu cam… nên đến các bệnh viện để được khám và chẩn đoán kịp thời", PGS.TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Để phòng chống sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện, xử lý ngay các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng, ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày, phối hợp tích cực với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch…
Viêm màng não do virus bùng phát dịp nắng nóng đầu năm
Theo số liệu tình hình dịch bệnh của Tổng cục Thống kê công bố, trong 5 tháng đầu năm 2019, nước ta đã 187 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do virus và 8 trường hợp tử vong. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước ghi nhận 578 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do virus (14 trường hợp tử vong).
Theo giới chuyên gia, bệnh viêm não, viêm màng não thường không có dấu hiệu điển hình ở giai đoạn sớm, với các biểu hiện lâm sàng giống các bệnh đường hô hấp khác như sốt, đau đầu, buồn nôn. Tuy nhiên, cũng có trẻ không có những triệu chứng này, đặc biệt ở nhóm trẻ sơ sinh, ban đầu trẻ có thể chỉ quấy khóc, rên rỉ, hay nhìn ngược, hay trớ, chán ăn... Do đó, việc phát hiện viêm não, viêm màng não ở trẻ nhỏ rất khó khăn.
Cha mẹ cần lưu ý, quan sát những dấu hiệu nghi ngờ ở trẻ nếu sốt cao uống hạ sốt không đỡ, trẻ kèm thêm đau đầu, mệt, buồn nôn và nôn, kích thích, thay đổi ý thức nhẹ cần đưa vào viện ngay.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, cách phòng tránh bệnh viêm màng não tốt nhất là thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy; áp dụng các biện pháp phòng muỗi đốt; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra cần tiêm vắc-xin cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.