Ngày nay, phương pháp giáo dục bằng đòn roi không được ủng hộ mạnh mẽ như trước đây. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc cha mẹ đánh mắng con cái sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh và gây tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ.
Mặc dù kiểu giáo dục này không được khuyến khích khi dạy con nhưng trong một số trường hợp nó vẫn cần thiết.
Cha mẹ cần nghiêm khắc kiểm soát sớm hành vi nào của trẻ?
1. Làm điều gì đó nguy hiểm tới tính mạng của người khác
Có một cư dân mạng kể rằng, khi đang đứng nói chuyện với cô em dâu đang mang thai 4 tháng, một cháu bé họ hàng học lớp 4 đẩy mạnh, rất may cô phản ứng nhanh nên không bị té.
Khi hỏi tại sao lại làm vậy, cậu bé hồn nhiên nói: "Lúc trước con xem TV thấy có cảnh phụ nữ mang thai nếu té sẽ bị sảy thai. Con muốn thử xem chuyện đó có thật không".
Trong tiềm thức, cậu bé này chỉ nghĩ đó là một trò vui, tò mò muốn làm thử mà không nghĩ tới hậu quả. Đối với kiểu hành vi này, trẻ cần được cha mẹ dạy dỗ thật nghiêm khắc để biết mình không nên làm gì.
2. Đánh mắng người lớn tuổi
Trước đây, từng có một video lan truyền trên mạng khiến cư dân mạng bức xúc. Theo đó, trong khi cho cháu ăn, bà nội vô tình khiến cháu bị bỏng một chút, không ngờ đứa trẻ thẳng tay đánh vào mặt khiến bà sững người trong giây lát.
Bố của đứa trẻ nhìn thấy liền mắng đứa trẻ và bắt phải xin lỗi bà nội. Lúc này mẹ của đứa trẻ đứng dậy, đi tới bế con lên rồi quay lại nói: "Nó còn nhỏ thì biết cái gì".
Một gia đình như vậy rất dễ nuôi dạy ra một đứa trẻ hỗn láo. Nếu trẻ không có khái niệm kính trọng người lớn tuổi, không kỷ luật nghiêm khắc thì lớn lên chúng sẽ trở thành người như thế nào? Liệu một ngày nào đó cha mẹ của đứa trẻ này có bị chính con cái đối xử như vậy không? Có lẽ câu trả lời ai cũng đoán được.
3. Nhiều lần mắc lỗi nhưng vẫn không chịu sửa
Một số đứa trẻ hoàn toàn không chịu tiếp thu những gì cha mẹ nói, dù được dạy dỗ cẩn thận sau khi mắc lỗi nhưng chúng không biết rút kinh nghiệm, hoặc cố tình lặp lại lỗi sai trước đó.
Cha mẹ cứ nghĩ trẻ còn nhỏ từ từ sửa cũng chưa muộn, khi trẻ lên cấp 2, cấp 3 rồi đại học, nếu vẫn tiếp tục giữ thói quen này sẽ tự rước họa vào thân.
"Cây non dễ uốn", đó là lý do khi trẻ còn nhỏ rất dễ để uốn nắn con cái khi chúng làm sai, khi trẻ lớn lên rất khó sửa sai. Nếu trẻ mắc lỗi nhiều lần, việc giáo dục bằng miệng không hiệu quả, cha mẹ nên cân nhắc biện pháp mạnh hơn, có thể sử dụng đòn roi.
Khi dạy con bằng đòn roi, cha mẹ cần chú ý tới phương pháp
Cha mẹ không nên đánh đòn con một cách mù quáng, cần phải chú ý tới một số điều dưới đây:
- Trước khi đánh, hãy cho con hiểu lý do
Tác dụng của giáo dục bằng đòn roi là để trẻ coi đây như một lời cảnh báo, không được tái phạm. Cha mẹ có thể đánh con nhưng trước khi đánh cần phải nói cho trẻ biết mình sai ở đâu. Phương pháp giáo dục này kết hợp với tình yêu thương mới là cách dạy con hiệu quả.
- Sử dụng dụng cụ phù hợp để đánh con
Nhiều cha mẹ thấy con quậy phá, hư hỏng, trong cơn tức giận liền vơ lấy bất cứ thứ gì xung quanh mình như chổi, dép, móc treo quần áo, thắt lưng… để đánh con. Khi cha mẹ sử dụng những dụng cụ này đánh con sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, trẻ sẽ nghĩ rằng cha mẹ không còn yêu thương mình nữa, thậm chí có thể cảm thấy oán giận. Một số thứ còn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng trẻ.
- Cha mẹ làm gương tốt hơn là trừng phạt con cái
Cha mẹ nên làm gương tốt hơn là chỉ trừng phạt con cái vì đây là cách giáo dục tích cực và hiệu quả hơn. Khi cha mẹ làm gương tốt, con cái của họ sẽ được học cách hành xử đúng đắn và tôn trọng người khác một cách tự nhiên.
Ngoài ra, khi cha mẹ làm gương tốt, con cái sẽ nhận thức được giá trị của các phẩm chất đạo đức và cách thức hành xử đúng đắn trong cuộc sống. Trẻ sẽ học cách giữ lời hứa, tôn trọng người khác, đối xử công bằng, học cách giải quyết xung đột một cách bình đẳng và hòa nhã.
Trong khi đó, việc chỉ trừng phạt con cái khi chúng mắc sai lầm có thể làm cho trẻ sợ hãi và căng thẳng, thậm chí khiến trẻ cảm thấy bất an và muốn trốn tránh. Điều này có thể không giúp cho trẻ học được cách hành xử đúng đắn một cách tự nhiên và tích cực, mà chỉ làm cho trẻ cảm thấy sợ hãi, không tin tưởng vào cha mẹ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.