Những người có EQ cao thường được mọi người hoan nghênh hơn trong công việc và học tập. Họ thường nổi bật trong các mối quan hệ cá nhân và xã hội. Những người có EQ thấp thì ngược lại. Họ thường dễ gặp phải những mâu thuẫn và xích mích khi tương tác với người xung quanh. Vì vậy, việc trau dồi trí tuệ cảm xúc cho trẻ đóng vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dạy con.
Chuyên gia giáo dục Lý Hồng Cẩn của Viện Đào tạo tài năng trẻ Thiên Tân, Trung Quốc đã từng nói, mức độ trí tuệ cảm xúc của trẻ liên quan mật thiết đến tính cách của cha mẹ. Những đứa trẻ có ba mẹ thuộc những kiểu dưới đây thường khó có EQ cao.
1. Thích phàn nàn
Có một kiểu cha mẹ luôn tràn đầy năng lượng tiêu cực, suốt ngày phàn nàn về công việc vất vả hoặc về sự bất công, khó khăn của cuộc sống.
Con trẻ khi còn nhỏ thường lấy cha mẹ làm mẫu nên thói quen suy nghĩ và hành vi của chúng sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cha mẹ. Nếu cha mẹ truyền năng lượng tiêu cực vào chúng suốt ngày, trẻ sẽ tự nhiên cảm thấy thế giới đen tối và khó đoán, tính cách của chúng trở nên bi quan và mệt mỏi, không thích giao tiếp dẫn tới gặp trở ngại trong giao tiếp với mọi người.
Ngoài than phiền, các bậc phụ huynh đôi khi còn trốn tránh trách nhiệm khi gặp vấn đề. Họ không tìm hiểu nguyên nhân, không muốn thay đổi bản thân để thích nghi với môi trường xung quanh. Những người như vậy rất khó hòa đồng, khó được mọi người yêu mến trong học tập cũng như công việc.
2. Người quá quan tâm đến bản thân mình
Mặc dù một số bậc cha mẹ không truyền năng lượng tiêu cực cho con cái, nhưng họ lại đặt bản thân mình lên trên tất cả, nói nhiều làm ít, không có nghĩa khí, luôn nghĩ cách lợi dụng mọi người.
Những người như vậy thường không được chào đón, ít người muốn làm bạn cùng. Để đạt được mục đích của mình, họ thậm chí có thể tranh cãi với người khác về những chuyện hết sức nhỏ nhặt. Vì sự ích kỷ và thích gây hấn của mình, cả bạn học cũng như đồng nghiệp sau này đều không thích kết giao với những người như vậy.
Một người có EQ cao phải biết nghĩ đến cảm nhận của người khác và không làm ai đó xấu hổ trước mặt mọi người. Cha mẹ nên nuôi dưỡng sự đồng cảm của chính mình và cho cả con cái ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Khi nói và làm, hãy nhìn vấn đề từ góc độ của người đối diện, học cách hiểu và tôn trọng người khác, quan tâm đến người khác hơn, đây là biểu hiện của trí tuệ cảm xúc cao, hòa đồng sẽ khiến người khác cảm thấy rất thoải mái.
3. Không biết cách quản lý cảm xúc
Một trong những đặc điểm lớn nhất của những người có EQ thấp là họ không biết nói chuyện, không biết cách quản lý cảm xúc, dễ mất bình tĩnh. Tính cách cáu kỉnh của những người này thường là do ảnh hưởng từ cha mẹ của họ.
Nếu các ông bố bà mẹ ở nhà dễ mất bình tĩnh, lúc nóng nảy thường trút giận lên đầu con trẻ sẽ khiến trẻ hình thành tính chống đối và thái độ thù địch.
Khi cha mẹ không quản lý được cảm xúc và hay cáu gắt, đứa trẻ không chỉ âm thầm chịu đựng mà còn chôn chặt nỗi bất bình trong lòng, lâu dần sẽ trở nên cực đoan, bạo lực và cộc cằn.
Vì vậy, mỗi bậc phụ huynh đều nên cố gắng quản lý cảm xúc của bản thân, tránh việc mất bình tĩnh và trút giận nên con trẻ. Đồng thời cũng nên quan tâm đến cảm xúc của con, hướng dẫn con kiểm soát tâm trạng, giữ tâm lý ôn hòa với mọi người.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/3-kieu-cha-me-khien-eq-cua-con-khong-the-cao-noi-neu-thuong-con-nhat-dinh-nen-doc-de-khong-pham-sai-lam-162201010220445348.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.