"3 năm chưa tăng lương, lạm phát, giá tăng, đời sống công chức ngày càng khó khăn"

(lamchame.vn) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, trong 3 năm qua, khi lương cơ sở không tăng, nhưng giá cả, lạm phát tăng mạnh khiến thu nhập của người lao động trong lĩnh vực công không đảm bảo, đời sống ngày càng khó khăn. Đề xuất tăng lương cơ sở vào năm tới hoàn toàn phù hợp.

Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, việc đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp BHXH cũng được đưa ra để áp dụng cho đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Nếu được thông qua, việc điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1/1/2023.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã có trao đổi với phóng viên VOV.VN về nội dung này.

3 năm chưa tăng lương, lạm phát, giá tăng, đời sống công chức ngày càng khó khăn - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.

PV: Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng lương cơ sở thêm 20,8% từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Đại biểu Trần Văn Lâm: Nghị quyết của Đảng đã nhấn mạnh việc cải cách tiền lương dựa trên vị trí việc làm, mức độ tiêu hao sức lao động để hưởng mức lương tương xứng với hiệu quả công việc. Tuy nhiên do tác động của dịch bệnh nên trong 2 năm qua, quá trình cải cách tiền lương phải lùi lại, ưu tiên dành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế. Đến thời điểm hiện tại khi kinh tế dần phục hồi, việc tăng lương cơ sở là phù hợp và rất cần thiết.

Trong 3 năm qua, khi lương cơ sở không tăng, nhưng giá cả, lạm phát tăng mạnh khiến thu nhập của người lao động trong lĩnh vực công không đảm bảo, đời sống ngày càng khó khăn. Trong điều kiện chưa thể thực hiện cải cách tiền lương thì việc tăng lương cơ sở theo lộ trình là rất phù hợp, giúp công chức, viên chức cải thiện cuộc sống, thu nhập được nâng lên tương xứng với sự tăng trưởng của kinh tế, bù đắp yếu tố trượt giá và phục hồi sức lao động.

Về mức tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng cũng phù hợp với mức độ lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động. Mức tăng này có thể giúp cải thiện 1 phần đời sống người lao động trong khu vực công.

PV: Trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay, ngân sách có đảm bảo nguồn lực cho việc tăng lương cơ sở hay không, thưa ông?

Đại biểu Trần Văn Lâm: Nguồn lực cho tăng lương cơ sở hiện nay không đáng ngại. Đề xuất tăng lương và mức tăng đã được tính toán dựa trên các kết quả về tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, ngân sách hoàn toàn có thể cân đối để dành nguồn lực tăng lương. Hàng năm ngân sách nhà nước vẫn trích lọc một phần nhất định để dành cho cải cách tiền lương và đến nay vẫn chưa dùng tới. Nếu tăng lương cơ sở vào năm sau, nguồn tiền này vẫn tiếp tục được dành cho cải cách tiền lương mà chưa cần dùng.

PV: Thời gian gần đây có một lượng lớn công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển sang các khu vực tư, đặc biệt là 2 lĩnh vực y tế và giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng, mức lương không đủ sống là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, ông có đánh giá gì về vấn đề này?

Đại biểu Trần Văn Lâm: Nói về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, cần bình tĩnh đánh giá trên nhiều khía cạnh. Chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng xu hướng hiện nay khu vực công ngày càng kém hấp dẫn hơn khu vực tư, do đó sự dịch chuyển là điều bình thường. Nếu như trước đây, lực lượng lao động tìm mọi cách để được vào hệ thống chính trị thì ngày nay người lao động lại dần chuyển dịch ra ngoài khu vực công, đây cũng có thể là tín hiệu đáng mừng bởi việc làm trong tất cả các khu vực của nền kinh tế đang ngày càng tốt hơn, không chỉ khu vực công mà khu vực tư cũng có rất nhiều cơ hội.

Lực lượng lao động dù hoạt động trong khu vực công hay tư nhưng vẫn làm trong lĩnh vực đó, góp phần cho sự nghiệp phát triển của lĩnh vực đó. Nếu như khu vực tư ngày càng phát triển, chia sẻ áp lực với khu vực công thì cũng rất phù hợp với chủ trương xã hội hóa. Nhìn ở khía cạnh này, quá trình chuyển dịch lao động từ công sang tư là tín hiệu đáng mừng, phù hợp với xu hướng xã hội hóa, tự chủ tại các đơn vị công lập.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cũng cần nhìn nhận, nếu như người lao động chuyển dịch một cách ồ ạt, một bộ phận công chức, viên chức có trình độ nhưng không được tôn trọng, không được đánh giá đúng, không có cơ hội phát huy tài năng, khiến họ chán nản bỏ sang khu vực tư tìm kiếm cơ hội khác thì chính là chảy máu chất xám. Điều này cũng bộc lộ những hạn chế trong chính sách lựa chọn cán bộ, sử dụng nhân sự của hệ thống chính trị bộ máy nhà nước. Nếu do yếu tố này, thì cần đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc, loại bỏ những hạn chế trong trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện cho những người tài được phát huy trong bộ máy chính trị lĩnh vực công.

Hiện nay tình hình tham nhũng tiêu cực lãng phí cũng đang xảy ra rất nhức nhối trong khu vực công, vấn đề tham ô, chạy chức chạy quyền, các chủ nghĩa cơ hội trong lĩnh vực công không được kiểm soát cũng là những yếu tố khiến người tài rời bỏ khu vực công. Chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục tình trạng này.

PV: Xin cảm ơn ông./!

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang