Những đứa trẻ bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn nếu không hoàn thành tốt kỳ thi - Ảnh minh họa: T.H
Thật lòng, tôi luôn cảm thấy có gì đó hàm ơn với con trai mình. Vì sức khỏe yếu đi nên tôi ngày càng ít giao du bạn bè ngoài xã hội. Tôi tìm thấy ở con trai như một người bạn. Nhưng tôi vẫn chỉ cho con thấy một điều tôi đã học được từ sách vở của người xưa: Dạy con phải nghiêm từ khi con còn nhỏ với những nguyên tắc bất di bất dịch. Nhưng nghiêm khắc không nhất thiết phải khắc nghiệt bằng bạo lực. Khi con đã ổn và vững chãi, thì cần phải nới lỏng quá trình đó bằng cách đặt lòng tin lên con. Tôi đã làm như thế.
Hiện nay, với con trai tôi, tôi còn tìm thấy ở con chỗ dựa. Ngoài các việc nặng trong gia đình con đã làm được, con còn hỗ trợ bố mẹ dạy em. Trong khi đó, quan sát rất nhiều gia đình, tôi nhận thấy có sự làm ngược trong quá trình giáo dục. Bố mẹ và đặc biệt là ông bà thường cho rằng con cháu còn nhỏ, chưa biết gì nên nuông chiều. Đến khi các con bước vào tuổi dậy thì, bố mẹ cảm thấy con bị tuột khỏi tầm tay nên xiết chặt quản lý, và xung đột thế hệ trong gia đình nảy sinh. Đó là lý do thứ nhất của ức chế tâm lý các bạn trẻ tuổi học đường.
Cách đây mấy tuần, tôi có nghe chuyện một bạn học sinh lớp 11 rất ham nghề khí tượng, thể hiện khả năng tự nghiên cứu tìm hiểu còn giỏi hơn sinh viên năm thứ ba. Điều đáng buồn là cha mẹ cháu đều làm ngân hàng nên ép con bằng được theo nghề, cho rằng nghề khí tượng nghèo lương thấp, phải làm ngân hàng mới nhiều tiền. Thật là tiếc vì không có cơ hội nói chuyện với họ: Cháu vừa đam mê, vừa có khả năng, với vốn tiếng Anh rất giỏi cháu có thể thăng tiến xa với nghề khí tượng, thậm chí còn có thể… định cư nước ngoài dễ dàng hơn. Còn với nghề nhân viên ngân hàng thì khả năng cứ mãi là một anh nhân viên "quèn". Đó là lý do thứ hai của ức chế tâm lý – bố mẹ áp đặt lên con cái điều mình cho là đúng.
Con được chuẩn bị nền tảng là thể lực, bằng cách bơi lội đều để trở nên cao lớn và khỏe mạnh - Ảnh minh họa
Khi con trai tôi chuẩn bị thi vào lớp 10, trước đó con đã được chuẩn bị theo một kế hoạch có lẽ là khác nhiều với quan niệm xã hội nói chung. Con được chuẩn bị nền tảng là thể lực, bằng cách bơi lội đều để trở nên cao lớn và khỏe mạnh. Ngay cả những lúc học thi căng thẳng nhất thì con vẫn duy trì luyện tập. Điều này đã giúp con có thể lực tốt, chịu được áp lực và giảm stress. Con vẫn chuẩn bị ôn thi như các bạn, nhưng mức độ học thêm ít hơn rất nhiều, bù lại vợ chồng tôi đề nghị con tập trung vào việc sửa nhược điểm của mình là hay sai sót vặt.
Ngay từ trước kỳ thi, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của các thầy cô, cho rằng con không thể trượt trường công được, chỉ có thể không đỗ cao thôi… Nhưng nếu vì rủi ro mà không đạt kết quả ưng ý, chúng tôi có kế hoạch cho con học nghề luôn mà không cần phải học THPT. Chúng tôi động viên con là với vốn ngoại ngữ của con, sức khỏe tốt… con có thể học nghề và làm tốt một nghề nào đó. Lựa chọn đó có khi còn tốt hơn đi học đại học mà ra trường chạy xe ôm công nghệ. Sau này khi đi làm ổn, con muốn học tiếp lên vẫn còn rất nhiều cơ hội.
Cũng chính năm lớp 9, con thích một nghề khá là… không tưởng, đó là nghề phi công. Ngay cả người nhà cũng cho rằng đó là một câu chuyện phi thực tế. Tôi lại nghĩ khác, tôi cùng con tìm hiểu các khả năng để đi học nghề. Những gì cần chuẩn bị và càng ngày con càng mê, lên kế hoạch chuẩn bị nghiêm túc từ luyện thể lực đến học ngoại ngữ. Suốt từ đó đến nay đã 3 năm, con vẫn nuôi được ước mơ của mình và hết năm lớp 11 vừa qua, con đã thi IELTS đạt kết quả tốt.
Tôi giải thích, việc thi như thế vừa có ích cho con nếu đi học lái máy bay, nhưng nếu có một rủi ro nào đó khi khám sức khỏe, hoặc gia đình không đủ tiền cho con đi học… thì con vẫn lấy kết quả thi đó từ "kế hoạch B" biến thành "kế hoạch A" và đi học đại học.
Cha mẹ cần đồng hành cùng con để thấy hiểu con, không gây sức ép với con - Ảnh minh họa
Tất cả những kiến thức đó tôi đọc được trong sách và đem áp dụng trong gia đình. Nó đòi hỏi bản thân có những sự nỗ lực nhất định, nhất là khi nóng giận muốn quát mắng con… Luôn cùng con hiểu là cuộc
sống vốn muôn màu và không có gì đáng phải tuyệt vọng cả. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể căng thẳng vì một việc nào đó nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ đi tìm giải pháp tiêu cực.
Môi trường xã hội vốn dĩ đã rất khó khăn cho các con của chúng ta với những quan niệm cứng nhắc và cổ hủ: Nhất quyết phải đại học, nhất quyết phải trường chuyên… – đó là lý do thứ ba: Sức ép xã hội. Nếu cha mẹ lại cũng cứng nhắc ép các con vào những nguyện vọng cá nhân, không đưa ra kế hoạch và bàn bạc cùng con thực hiện, thì xã hội sẽ lại càng có nhiều những "quyết định tiêu cực" trong tương lai.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.