Sau hơn 2 năm đại dịch, bao gồm việc cách ly và đóng cửa phòng tập thể dục, các cơ quan, bộ phận của cơ thể chúng ta cần phải hoạt động trở lại. Số liệu về tình trạng không hoạt động thể chất và các tác hại của việc này đã lên đến mức đáng báo động.
Các biện pháp trước đây nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 có xu hướng thúc đẩy lối sống ít vận động.
Theo một nghiên cứu được ANSES (Cơ quan an toàn sức khỏe thuộc Chính phủ Pháp) công bố năm 2022, "95% người Pháp không hoạt động thể thao đầy đủ để bảo vệ sức khỏe của họ".
Thay vì ngồi yên một chỗ, nhiều người đã khám phá lại những ưu điểm của việc đi bộ.
TS. Frédéric Saldmann, tác giả của cuốn Bạn không bao giờ được chăm sóc tốt hơn chính mình (NXB. Plon) nhận xét: "Đó là một môn thể thao thực sự với điều kiện bạn đi bộ ít nhất 30 phút liên tục".
1. Lợi ích của đi bộ
1.1. Gia tăng tuổi thọ
"Khi bắt đầu đi bộ, chúng ta đốt cháy đường. Chúng ta bắt đầu đốt cháy chất béo từ 20 phút, khi bắt đầu giải phóng 1004 phân tử bảo vệ khác nhau. Những phân tử này chỉ có một thời gian tồn tại 24 giờ, nên tập thể dục hàng ngày để xây dựng một lá chắn phòng ngừa tốt", TS.Saldmann cho biết thêm.
Do đó, 30 phút đi bộ mỗi ngày là một đảm bảo cho sức khỏe và tuổi thọ. Việc tăng cường các bước cũng duy trì khối lượng cơ bắp, củng hệ xương, phát triển hệ hô hấp, kích thích hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa tăng cân, cũng như tất cả các bệnh do nó gây ra.
1.2. Tốt cho tim và não
Ngoài ra, hoạt động toàn diện này làm giảm tình trạng viêm mạn tính của cơ thể.
Theo một nghiên cứu năm 2017 từ Đại học California, Hoa Kỳ mức độ của các phân tử tiền viêm (cytokine) giảm 5% ngay cả khi đi bộ với tốc độ vừa phải, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm xương khớp, bệnh vẩy nến, bệnh đái tháo đường loại 2 hoặc bệnh Alzheimer.
TS. Pascal Douek, bác sĩ thể thao và là tác giả cuốn sách Chìa khóa mới cho tuổi thọ (NXB. Leduc) cho biết: "Đi bộ 30 phút mỗi ngày, tức là 150 phút mỗi tuần, cũng làm giảm nguy cơ tử vong do các nguyên nhân tim mạch từ 20 đến 30%".
Đi bộ cũng rất tốt cho não vì tác động của bàn chân xuống đất làm tăng lượng máu gửi đến hộp sọ. Được tưới tốt hơn, các tế bào nhỏ màu xám của chúng ta sau đó trở nên tỉnh táo hơn, dẫn đến khả năng suy luận và tập trung tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu người Mỹ từ Đại học Pittsburgh cũng đã chỉ ra rằng đi bộ thường xuyên làm tăng khối lượng của hồi hải mã, một vùng não liên quan đến khả năng ghi nhớ và học tập.
1.3. Bảo đảm sự khỏe khoắn
Chuỗi các bước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiêu hóa bằng cách thúc đẩy quá trình vận chuyển một cách cơ học. Điều này rất hữu ích để hạn chế táo bón trong trường hợp đường ruột lười biếng.
Hoạt động tưởng như đơn giản này cũng kích thích giải phóng serotonin, hormon thanh thản và melatonin, hormon giấc ngủ.
Đi bộ cũng là cơ hội để dành thời gian bên ngoài, để hít thở không khí trong lành, thoát khỏi sự u ám và bổ sung vitamin D bằng cách để bề mặt da tiếp xúc tối thiểu với tia UV tự nhiên do mặt trời phát ra.
2. Đi bộ như thế nào?
Thực ra mục tiêu 10.000 bước được đặt ra cũng không hoàn toàn đúng. TS. Saldmann nói: "Nó chỉ tương ứng với tên của máy đếm bước đi đầu tiên, ra mắt vào năm 1964 tại Nhật Bản. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét vấn đề một cách nghiêm túc đã tranh luận về mức tối thiểu là 4400 bước mỗi ngày cho sức khỏe, tương đương với nửa giờ đi bộ mỗi ngày".
Để có hiệu quả tốt nhất, hãy cố gắng giữ cho cơ thể được thẳng, đặt vai thẳng hàng với hông. Đồng thời đừng quên lăn bàn chân trên mặt đất lên đến đầu các ngón chân để tĩnh mạch quay trở lại tối đa.
Thế nên hãy tiến bước!
Link gốc: https://suckhoedoisong.vn/30-phut-di-bo-moi-ngay-du-de-giu-dang-169220605152226556.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.