Dậy thì sớm là trạng thái cơ thể của trẻ bắt đầu trải qua quá trình thay đổi thành cơ thể người lớn quá sớm. Tuổi dậy thì bắt đầu trung bình ở trẻ em gái từ 8 đến 13 tuổi và trẻ em trai từ 9 đến 14 tuổi. Bé gái có dấu hiệu dậy thì rõ ràng và sự tiến triển trước 8 tuổi và trẻ em trai trước 9 tuổi được coi là dậy thì sớm.
Bé gái 7 tuổi (ở Ba Đình, Hà Nội) đi cùng bố mẹ tới Bệnh viện khám với lý do khoảng hơn 1 năm nay gia đình thấy trẻ có biểu hiện vú 2 bên to bất thường. So với bạn bè đồng trang lứa, bé cao vượt trội hơn và đặc biệt trong vòng 6 tháng bé cao thêm 8cm, ngoài ra chưa có thêm dấu hiệu bất thường nào.
Bác sĩ khám lâm sàng cho bé cũng như tiến hành thực hiện xét nghiệm đánh giá hormone nội tiết; chụp X - quang tuổi xương; siêu âm vú, ổ bụng, tử cung vòi trứng tìm bất thường.
Kết quả xét nghiệm các hormone hướng dục (LH huyết thanh, Prolactin, Estradiol, FSH, TSH) và chẩn đoán thăm dò chức năng chỉ ra rằng bé dậy thì sớm hơn các bạn đồng trang lứa. Bệnh nhân được bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập đồng thời tư vấn những lưu ý cho phụ huynh khi trẻ bắt đầu dậy thì.
Những kết quả này khiến cha mẹ bé không khỏi lo lắng, băn khoăn không biết nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị cho con thế nào.
4 dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị dậy thì sớm
Khi quan sát từ bên ngoài, chúng ta ít khi thấy được những biểu hiện rõ ràng của dậy thì sớm. Chỉ khi cơ thể trẻ có sự phát triển rõ rệt, các bậc phụ huynh mới nhận ra.
Những biểu hiện đó bao gồm:
- Ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt ở bé gái;
- Tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, nổi mụn trứng cá, giọng trầm đi ở bé trai;
- Mùi cơ thể người lớn;
- Tăng nhanh về chiều cao, cân nặng.
Ngoài ra, trẻ có thể xuất hiện kinh nguyệt và thay đổi về tâm lý, có xu hướng tách khỏi bố mẹ, quan tâm đến bản thân, hay so sánh mình với những bạn cùng tuổi khác, chủ yếu chơi với bạn cùng giới. Đặc biệt, hay mơ mộng, lý tưởng hóa đặt ra những mục tiêu không thực tế, chưa có khả năng kiểm soát bản thân.
Lưu ý, nếu cha mẹ thấy con phát triển nhanh so với bạn bè cùng trang lứa, ví dụ bé gái trước 7, 8 tuổi đã phát triển ngực, lông mu, hoặc bé trai trước 9 tuổi phát triển tinh hoàn và kích thước dương vật thì nên cho con đến cơ sở y tế tế kiểm tra.
Nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ em như yếu tố di truyền, nội tiết, môi trường sống, chế độ ăn uống, điều kiện sống trong gia đình.
- Chế độ ăn uống không đúng cách
Gà, vịt, cá… các loại thực phẩm nuôi công nghiệp trong thời gian ngắn đang bày bán ở chợ có chứa một lượng hormone nhất định, do nhiều cơ sở kinh doanh sử dụng hormone để kích thích sinh trưởng cho vật nuôi, nếu thường xuyên cho trẻ ăn thức ăn chứa hormone này sẽ dẫn đến dậy thì sớm, đặc biệt là thịt cổ gà hoặc vịt.
Ngoài ra, hầu hết các loại rau, quả trái mùa cũng bị chín ép bởi hormone trong quá trình người nông dân chăm bón cho thực vật, nếu ăn thường xuyên sẽ dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ, vì vậy mẹ hãy cố gắng cho trẻ ăn rau, quả trái mùa, nuôi trồng tự nhiên.
- Béo phì
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn nhiều so với trẻ bình thường. Do vậy, cần phải kiểm soát cân nặng của trẻ về ngưỡng trung bình, không nên cho trẻ ăn quá nhiều, hoặc ăn các thực phẩm dễ gây tăng cân như bánh ngọt, các loại thức ăn nhanh, thức ăn chiên rán, kem... Những thức ăn này có hàm lượng calo tương đối cao, dễ dẫn đến tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em và tăng tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ.
Bên cạnh đó, nguyên nhân dậy thì sớm có thể kể đến:
- Dậy thì sớm trung ương: Do nồng độ GnRH tăng cao dẫn đến sự bài tiết quá mức hocmon sinh dục.
- Dậy thì sớm ngoại vi: Nguyên nhân không phải do nồng độ GnRH, mà do chính bản thân các hocmon sinh dục tăng cao. Nhiều bệnh lý có thể dẫn đến việc gia tăng sản xuất estrogen và testosteron gồm: Khối u ở tuyến thượng thận; hội chứng McCune-Albright, Tăng sản thượng thận bẩm sinh; tiếp xúc với các nguồn estrogen hay testosteron bên ngoài, chẳng hạn như các loại kem hoặc thuốc mỡ, u nang buồng trứng, khối u buồng trứng...
Phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ
Các bậc phụ huynh nên chủ động phòng ngừa nguy cơ dậy thì sớm bằng việc kiểm soát các yếu tố dinh dưỡng, vận động, sàng lọc bệnh lý và xây dựng môi trường học tập và sinh hoạt lành mạnh. Nên theo dõi chỉ số phát triển thường xuyên 3 tháng/lần và đối chiếu theo bảng đánh giá chiều cao cân nặng chuẩn WHO.
Chế độ ăn của trẻ cần đa dạng phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường ăn rau củ quả, trái cây. Nên ưu tiên các loại rau quả theo mùa, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và đồ ăn có hàm lượng đường cao. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao ít nhất 45 phút mỗi ngày.
Không nên để trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, ipad khi còn quá nhỏ và thời gian sử dụng quá lâu, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Chú ý kiểm soát nội dung độc hại trên điện thoại, máy tính bảng có thể tác động xấu tới tâm lý của trẻ.
Trẻ bị béo phì, tiểu đường hoặc tiền tiểu đường, khối u ác tính tại tuyến yên, buồng trứng… có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng dậy thì sớm. Vì thế, trẻ cần được khám sàng lọc các bệnh lý bẩm sinh sớm từ khi sơ sinh và khám sức khỏe định kỳ nhằm loại bỏ các nguy cơ bệnh lý có thể dẫn tới dậy thì sớm.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.