4 lý do "đánh lận con đen" thực phẩm chức năng thành "thần dược" chữa ung thư

Bất cứ khi nào cơ thể không khoẻ, điều mà nhiều người nghĩ tới đầu tiên đó bổ sung thực phẩm chức năng. Vậy đối với bệnh nhân ung thư, thực phẩm chức năng có thực sự cần thiết?

Liệu pháp bổ sung và thay thế

Liệu pháp bổ sung và thay thế là những sản phẩm và phương thức điều trị, chăm sóc sức khoẻ đa dạng cho tới nay vẫn chưa được xem là một phần của điều trị thường quy. Bệnh nhân hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng các liệu pháp này và cân nhắc xem chúng có thực sự cần thiết cho mình hay không.

Vì việc điều trị bằng các phương pháp tiêu chuẩn, chính thống như hóa trị, xạ trị có thể kéo dài, kèm theo khó khăn vì tác dụng phụ cũng như tiến triển của bệnh tật, nhiều bệnh nhân và người thân quan tâm đến các liệu pháp bổ sung và thay thế. Nhiều bệnh nhân muốn dùng các sản phẩm này với hy vọng cải thiện hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe nói chung và cũng là để có kết quả điều trị tốt hơn. Như để đáp ứng nhu cầu này, hiện trên thị trường có hàng nghìn loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, liệu pháp miễn dịch (tự xưng) "thượng vàng hạ cám" được tiếp thị với những lời có cánh.

Có rất nhiều liệu pháp bổ sung và thay thế liên quan tới ung thư, được phân theo các nhóm:

• Chế độ ăn kiêng như chế độ Gerson, thực dưỡng Ohsawa, ăn gạo lức muối mè hoặc dùng hỗn hợp rau và thảo mộc chọn lọc,…

• Các sản phẩm thảo dược như trà xanh, nhân sâm, yến, nấm Shiitake và linh chi, hoa đu đủ đực, đông trùng hạ thảo, tam thất, bạch quả,…

• Các chất bổ sung không phải là thảo dược như melatonin, dầu cá, sụn cá mập và sụn bò, coenzyme Q10, chiết xuất tuyến ức, lycopene, vitamin C,…

• Các phương pháp tương tác như châm cứu, mát-xa, thôi miên, can thiệp hành vi, liệu pháp thư giãn, tịnh thiền, yoga, âm nhạc trị liệu, xúc giác trị liệu,…

Hiện nay, có rất nhiều thông tin về các liệu pháp bổ sung và thay thế được đăng tải trên các trang mạng xã hội, internet và sách báo. Khi xem thông tin về các liệu pháp này, bạn nên xem kỹ nội dung bài viết, bao gồm mục đích điều trị, hiệu quả có thể kỳ vọng, tác dụng phụ và chi phí cần bỏ ra. Ngoài ra, việc kiểm tra nguồn tin và cách viết xem có dụng ý quảng cáo phóng đại để kinh doanh hay không cũng rất quan trọng.

4 lý do đánh lận con đen thực phẩm chức năng thành thần dược chữa ung thư  - Ảnh 1.

Tiếng cười giúp tinh thần hưng phấn, nâng cao tinh thần cho bệnh nhân. Yoga cười từ lâu đã được áp dụng cho các bệnh nhân ung thư. Nguồn: BV ung bướu Hưng Việt (Hà Nội)

Hiệu quả và độ an toàn của liệu pháp bổ sung và thay thế?

Hiệu quả của một số liệu pháp bổ sung/thay thế đã được các nhà nghiên cứu đánh giá khách quan dựa trên các nghiên cứu trước đó. Tuy nhiên, tất cả đều thiếu dữ liệu để khẳng định chắc chắn về hiệu quả điều trị cũng như hỗ trợ điều trị. Chính vì không có hiệu quả rõ ràng hoặc đã bị phủ nhận nên bảo hiểm y tế tại Việt Nam lẫn các nước khác không chi trả cho những phương pháp này.

Độ an toàn của các liệu pháp kể trên cũng là dấu hỏi lớn vì thiếu dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng cũng như hệ thống báo cáo tác dụng phụ liên quan. Một số sản phẩm hay liệu pháp được đánh giá là "không có khả năng gây hại nghiêm trọng". Một số khác có báo cáo lẻ tẻ về tác dụng phụ trên vài ca bệnh hoặc có ghi chú rằng "Không nên sử dụng kèm thuốc XYZ" nào đó vì chúng có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị.

Người bệnh nên cẩn thận với thông tin về liệu pháp bổ sung và thay thế.

Độ an toàn và hiệu quả của liệu pháp bổ sung và thay thế thường bị hiểu sai vì:

1. Quảng cáo với thông tin bịa đặt, dùng các mỹ từ như "giúp chữa lành", "giảm tái phát", "tăng miễn dịch",...

2. Niềm tin rằng các sản phẩm tự nhiên là an toàn.

3. Câu chuyện "thành công" của vài cá nhân đã sử dụng sản phẩm.

4. Có cả bác sĩ, dược sĩ bắt tay với nhóm kinh doanh sản phẩm.

Cần nghi ngờ những thông tin về tác dụng của các sản phẩm in trên bao bì, đặc biệt là những khẳng định rằng sản phẩm có thể chữa ung thư.

Ngoài ra, người bệnh nên cân nhắc kỹ khi dùng thực phẩm chức năng, sản phẩm tự nhiên vì chúng có thể:

• Tăng chi phí điều trị, làm tốn thêm tiền bạc không cần thiết.

• Cản trở việc bắt đầu điều trị chính thống, làm mất thời cơ điều trị tốt nhất.

• Tốn thời gian, công sức mà lẽ ra có thể dùng để làm việc khác.

• Tương tác với các thuốc đang dùng làm giảm hiệu quả hoặc gây tác dụng phụ.

Các phương pháp này có thể không an toàn, đặc biệt là khi bạn có bệnh đi kèm như cao huyết áp, suy gan, suy thận, suy tim hay các rối loạn đông máu. Hãy báo cho bác sĩ khi bạn thấy triệu chứng mới hoặc triệu chứng cũ chuyển nặng hơn.

Vì thông tin mà bạn thu thập được nhiều khi khó phân định, hãy hỏi bác sĩ và những người có hiểu biết y khoa về liệu pháp bổ sung hoặc thay thế mà bạn quan tâm.

Không có bất kỳ phương thuốc hay sự điều trị đơn lẻ nào có thể chữa khỏi tất cả các bệnh ung thư. Và không có loại thực phẩm chức năng nào có thể chữa được bệnh ung thư.

TS.BS. Phạm Nguyên Quý

Có nên dùng liệu pháp bổ sung hoặc thay thế không?

4 lý do đánh lận con đen thực phẩm chức năng thành thần dược chữa ung thư  - Ảnh 4.

Việc sử dụng thực phẩm chức năng ở bệnh nhân ung thư cần có sự tư vấn của bác sĩ. Ảnh minh hoạ.

Nhiều bác sĩ có quan điểm cứng rắn cho rằng tất cả các liệu pháp bổ sung/thay thế đều không nên dùng vì chúng không có hiệu quả chắc chắn, rõ ràng trong khi có thể gặp tác dụng phụ (tốn tiền thêm là điều chắc chắn). Tuy nhiên, một số bác sĩ có quan điểm mềm dẻo hơn và chiều theo nguyện vọng muốn dùng thử của những bệnh nhân đã lâm vào giai đoạn không thể chữa lành hoặc giai đoạn cuối không còn hi vọng nào khác. Cũng có bác sĩ cho rằng cần nghiêm khắc khuyên bệnh nhân tránh dùng khi đang điều trị chính thống (hóa trị, xạ trị, trước hoặc sau mổ) đối với giai đoạn sớm, còn giai đoạn muộn hơn thì phải đối thoại với bệnh nhân để đạt được đồng thuận.

Niềm tin của bệnh nhân cũng rất quan trọng trong quá trình điều trị nên ngày càng có nhiều bệnh viện chú trọng tới đối thoại về liệu pháp bổ sung để không ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.

Người bệnh nếu muốn sử dụng các liệu pháp bổ sung/thay thế nên có sự tư vấn, theo dõi của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn, giúp việc điều trị bệnh của bệnh nhân ung thư hiệu quả hơn.

Những mẹo nhỏ đối với bệnh nhân ung thư

Có những mẹo nhỏ, đơn giản mà bệnh nhân ung thư có thể làm ngay trong dinh dưỡng để giữ sức khỏe hàng ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân cần kết hợp với vận động và nghỉ ngơi điều độ, khoa học.

Hóa trị hoặc xạ trị có thể gây ra chán ăn, nhưng tác dụng phụ này thường biến mất sau một thời gian và bệnh nhân có thể ăn uống trở lại. Vì thế, bệnh nhân không nên quá lo lắng mà hãy ăn những gì có thể ăn được, dễ tiêu hóa khi đang cảm thấy chán ăn.

4 lý do đánh lận con đen thực phẩm chức năng thành thần dược chữa ung thư  - Ảnh 5.

Bệnh nhân ung thư nên lựa chọn thực phẩm nhiều màu sắc để giảm thiểu cảm giác chán ăn. Ảnh minh hoạ.

Một số mẹo để bệnh nhân ăn ngon miệng hơn:

❖ Tạo môi trường vui vẻ ở bữa ăn với người thân.

❖ Thử nhiều loại thức ăn và để chúng trong đĩa nhỏ khiến bạn không cảm thấy ngán, sợ.

❖ Thử thêm gia vị vào để thức ăn đậm đà hơn.

❖ Tô điểm bữa ăn với màu sắc phong phú hấp dẫn hơn.

❖ Mang theo thức ăn ưa thích bên mình để ăn vặt khi có thể.

Khi buồn nôn cần làm gì?

Hóa trị hoặc xạ trị có thể làm bạn buồn nôn, nhưng cảm giác này thường biến mất sau một thời gian và bạn có thể ăn uống trở lại. Có nhiều cách giảm buồn nôn hữu ích như:

- Nếu có nguyên liệu, mùi vị, màu sắc cụ thể nào kích thích buồn nôn, hãy đổi cách chế biến, trang trí hoặc chọn thực phẩm khác.

- Dùng thử thức ăn mát lạnh, vị thanh nhạt, vừa miệng.

- Uống nước thường xuyên để tránh mất nước. Bạn có thể uống nước lọc hoặc nước trái cây.

- Ăn trái cây có nhiều nước như dưa hấu, thanh long, cam quýt,...

- Nên ngồi hoặc tựa lưng ít nhất một giờ sau khi ăn.

-Hỏi bác sĩ về các thuốc giúp giảm buồn nôn và hỗ trợ tiêu hóa.

Khi rối loạn vị giác

Một số điều trị có thể làm thay đổi cách bạn cảm nhận mùi vị thức ăn. Hãy tránh dùng nguyên liệu hay cách chế biến làm bạn khó chịu. Nếu mùi thức ăn làm bạn khó chịu, hãy thử nấu ăn nơi thoáng gió hoặc dùng thêm quạt điện.

Khi bị rối loạn vị giác, việc giữ vệ sinh răng miệng và tránh khô miệng là rất quan trọng. Bạn nên hỏi thêm nha sĩ xem mình có bị nhiễm khuẩn miệng hay có vấn đề về nướu răng hay không. Bạn cũng nên hỏi bác sĩ về việc bổ sung kẽm vì chúng có thể cải thiện vị giác.

Tùy vào trường hợp cụ thể mà bạn nên thử thay đổi cách ăn uống như sau:

Khi thấy thức ăn có vị đắng hoặc vị "như kim loại":

- Hạn chế dùng muối mà dùng các gia vị khác mà mình thấy ổn hơn.

- Dùng nước xốt, thêm mè hoặc chanh để làm thức ăn thơm ngon hơn.

- Dùng giấm để làm thức ăn thêm hấp dẫn và dễ ăn.

- Sử dụng đồ nhựa và thủy tinh để giảm bớt vị kim loại.

- Kẹo cao su hoặc kẹo với hương vị bạc hà, chanh, cam có thể giúp ích.

Khi thấy thức ăn có vị ngọt hơn:

- Hạn chế thêm đường vào thức ăn mà dùng các vị chính là muối, xì dầu, nước mắm,...

- Dùng các vị chua như giấm, chanh, hạnh để thay thế.

- Các món xúp, mì, bún, phở,... thường dễ ăn hơn.

Khi giảm hoặc mất cảm nhận mùi vị:

- Làm thức ăn đậm đà hơn bằng nhiều loại gia vị.

- Dùng các vị chua như giấm, chanh và nước trái cây bổ sung.

- Nên ăn thức ăn còn ấm nóng.

Một số chuyên gia dinh dưỡng nói rằng việc thay đổi hình dạng và màu sắc của thức ăn, thay đổi chén bát cũng có thể giúp ăn ngon hơn. Súc miệng bằng dung dịch muối ăn và bột nổi (baking soda) trước bữa ăn có thể giúp "trung hòa" các vị không ngon trong miệng.

Cách làm dung dịch này khá đơn giản: pha ½ muỗng cà phê muối ăn và ½ muỗng cà phê bột nổi trong một cốc nước ấm.

Để có thêm thông tin về điều trị ung thư, bạn có thể đọc thêm trên website yhoccongdong.com.

Một số website tham khảo MIỄN PHÍ về liệu pháp bổ sung và thay thế:

Tiếng Việt:

https://yhoccongdong.com/chude/thao-moc-va-thuc-pham-chuc-nang/

Một dự án thực hiện bởi Bệnh viện ung bướu Hà Nội và Tổ chức Y học cộng đồng nhằm cung cấp các thông tin cơ bản về những loại thực phẩm chức năng hay dùng tại Việt Nam.

Tiếng Anh:

1. https://medlineplus.gov/druginfo/herb_All.html

Website của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), cung cấp thông tin ngắn gọn, dễ hiểu dành cho bệnh nhân.

2. https://www.mskcc.org/cancer-care/diagnosis-treatment/symptom-management/integrative-medicine/herbs

Website của một trong những Viện nghiên cứu và điều trị Ung thư nổi tiếng và uy tín tại Hoa Kỳ, cung cấp các bài tổng kết và phân tích về mỗi liên quan giữa các điều trị bổ sung và ung thư.

Tiếng Nhật:

1. http://hfnet.nih.go.jp/

Website của Viện nghiên cứu Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Nhật Bản, cung cấp các thông tin về độ an toàn và hiệu quả thực sự của các thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung

2. https://www.ejim.ncgg.go.jp/public/index.html

Website chịu sự quản lý của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản với các thông tin cần cân nhắc khi nói về liệu pháp bổ sung, thay thế để hỗ trợ việc ra quyết định

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang