Tử cung là cơ quan nên được bảo vệ và chăm sóc hàng đầu trên cơ thể phụ nữ. Đây là nơi nuôi dưỡng thai nhi, cũng là nơi thực hiện chức năng tình dục và ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sức khỏe tổng thể.
Tử cung là cơ quan có cấu tạo khá đặc biệt vì vậy rất dễ nhiễm bệnh nếu không được bảo vệ cẩn thận, đó là lý do vì sao rất nhiều phụ nữ bị viêm nhiễm tử cung, rối loạn kinh nguyệt, mắc bệnh ung thư cổ tử cung dù ở độ tuổi còn rất trẻ. Để tránh các nguy cơ nhiễm bệnh ở tử cung, phụ nữ nên nuôi dưỡng cơ quan này mỗi ngày qua việc vệ sinh và sắp xếp chế độ ăn uống hợp lý.
Những món ăn tốt cho tử cung và có tác dụng điều hòa kinh nguyệt hóa ra không hề khó kiếm, nó được bán đầy các chợ với giá thành khá rẻ. Bạn đã biết đó là những thực phẩm nào chưa?
4 món rau giúp điều hòa kinh nguyệt, dưỡng tử cung
1. Lá hẹ
Lá hẹ là cái tên đầu tiên cần được nhắc đến trong danh sách những loại rau tốt cho phụ nữ. Trong Đông y, rau hẹ có vị cay, hơi chua, tính ấm. Không chỉ là một loại rau ngon, lá hẹ còn được giới chuyên môn tận dụng để trị nhiều loại bệnh, bao gồm cả chữa bệnh phụ khoa nữ và chữa yếu sinh lý nam.
Lá hẹ có khả năng chống viêm cực tốt nên có khả năng tiêu diệt trùng roi âm đạo, chống nấm… Chị em chỉ cần thường xuyên ăn canh lá hẹ, lá hẹ xào trứng... là đã đủ để hỗ trợ phòng các tác nhân gây viêm nhiễm và phòng tránh được các bệnh phụ khoa.
Ngoài ra, lá hẹ còn có thể được sử dụng để trị kinh nguyệt không đều, bằng cách: Đem 100g lá hẹ đi giã nhuyễn, vắt lấy nước uống.
2. Rau ngải cứu
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) cho biết chị em có thể sử dụng rau ngải cứu để điều hoà kinh nguyệt theo cách sau: Rau ngải cứu còn được gọi là ngải diệp. Trong Đông y, ngải cứu có vị đắng, tính ấm, mùi thơm, đi vào kinh tỳ, can, thận.
Trước ngày kinh dự kiến và những ngày đang có kinh, lấy 10g lá ngải cứu khô sắc với 200ml nước, sắc còn 100ml, chia làm 2 lần/ngày, nếu khó uống có thể nêm một ít đường. Ngoài ra, có thể ăn canh ngải cứu nấu thịt nạc để trị chứng kinh nguyệt không đều. Bạn chỉ cần lấy thịt lợn nạc băm nhỏ, đem tẩm ướp gia vị tùy thích rồi xào qua, nêm nước, đun sôi, sau đó cho rau ngải cứu vào đun sôi. Tắt bếp, bạn nêm thêm hạt nêm cho vừa miệng, ăn với cơm khi còn nóng.
3. Rau diếp cá
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y, diếp cá có vị chua, cay, tính mát, tác động vào 2 kinh can và phế. Tác dụng chủ yếu là thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, thông lâm.
Cách dùng diếp cá điều hoà kinh nguyệt: Diếp cá 40g, ngải cứu 30g (cả hai đều dùng tươi). Rửa sạch cây diếp cá và ngải cứu, giã nhỏ lọc bằng nước sôi để nguội, lấy một bát nước thuốc, uống làm 2 lần trong ngày, uống liền 5 ngày, uống trước kỳ kinh 10 ngày.
4. Củ cải trắng
Trong Đông y, củ cải trắng có vị ngọt, hơi cay, đắng, tính bình, không độc. Có long đờm, trừ viêm, tiêu thực, tán phong tà, trừ lỵ… Củ cải trắng được ví von là "nhân sâm trắng" nhờ những lợi ích sức khỏe tuyệt vời.
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy loại củ này rất giàu vitamin A, C, canxi và các chất chống oxy hóa cũng như những enzym hỗ trợ tiêu hóa, chống ung thư. Y học Trung Quốc cho rằng củ cải trắng là món ăn rất tốt trong việc nuôi dưỡng tử cung và giúp da dẻ sáng mịn hơn, do đó phụ nữ nên tích cực ăn củ cải thật nhiều.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.