4 người bị ‘nhốt’ 7 ngày vì có người thân về từ vùng đỏ Hải Phòng: Chính quyền nói gì?

Dù việc này cũng vì công tác chống dịch nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng việc này là không nên làm", lãnh đạo xã thông tin liên quan đến vụ việc đang gây bức xúc.

Dù test nhanh cho kết quả âm tính nhưng vẫn bị "nhốt" 7 ngày

Thông tin đến Tuổi Trẻ Online ngày 16-1, anh Nguyễn Xuân B. (38 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) bức xúc cho biết chiều 9-1, do Hải Phòng công bố cấp độ dịch thuộc vùng đỏ, 2 con anh phải chuyển sang học trực tuyến nên gia đình tranh thủ nghỉ làm đưa các con (10 tuổi và 7 tuổi) về gửi ông bà nội tại thôn Cao Bạt Lụ (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) bằng xe cá nhân.

"Sau khi cho các cháu về nhà, mẹ tôi có chủ động đưa các cháu ra trạm y tế xã để khai báo y tế và làm test nhanh Covid-19 đều cho kết quả âm tính.

Tuy nhiên, cán bộ trạm y tế xã vẫn yêu cầu các con tôi phải cách ly y tế tại trạm. Mẹ tôi xin cho các cháu về cách ly tại nhà thì trưởng thôn khóa trái cửa và cầm chìa khóa. Bố mẹ tôi và 2 cháu nhỏ bị "giam lỏng" trong nhà từ ngày 9-1 đến nay (16-1), dù ông bà và các cháu không tiếp xúc với người bị Covid-19, không phải là F1, mà chỉ từ vùng đỏ về" - anh B. bức xúc kể.

Trao đổi với báo trên, bà Phạm Thị S. (mẹ anh B., 67 tuổi, ở thôn Cao Bạt Lụ, xã Nam Cao) cho biết sau khi con trai đưa 2 cháu nội về nhờ ông bà trông giúp, bà lập tức đưa các cháu đến Trạm y tế xã Nam Cao khai báo y tế theo quy định.

"Sau khi khai báo y tế, cô Thủy - quyền trạm trưởng Trạm y tế xã Nam Cao test nhanh Covid-19 cho các cháu, kết quả âm tính. Cô Thủy bảo theo quy định các cháu phải cách ly y tế tại trạm xá. Tôi trình bày các cháu còn nhỏ, nhà tôi rộng rãi với 5 phòng riêng nên xin cho các cháu về cách ly tại nhà thì cô Thủy bảo cách ly tại nhà thì phải khóa trái cửa ở trong nhà 7 ngày, chìa khóa thôn trưởng cầm" - bà S. cho hay

Điều khiến gia đình bà S. bức xúc bởi từ sau khi khóa trái cửa thì thôn, xã không một lời hỏi han xem có thiếu thốn gì không, thực phẩm phải nhờ hàng xóm mua giúp rồi dùng dây kéo lên.

Chính quyền khóa cửa sau khi có thỏa thuận bằng... miệng với gia đình!

Sáng 17-1, trao đổi với Thanh Niên về việc này, ông Nguyễn Thành Khoa, Chủ tịch UBND xã Nam Cao, cho biết: "Qua xác minh, đúng là có việc nhà bà P.T.S bị khóa cửa trong thời gian thực hiện cách ly tại nhà (từ 9 - 16-1). 

Việc này là do thôn chủ động thực hiện sau khi có thỏa thuận bằng miệng với gia đình, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của xã không có chủ trương hay yêu cầu làm việc này".

4 người bị ‘nhốt’ 7 ngày vì có người thân về từ vùng đỏ Hải Phòng: Chính quyền nói gì? - Ảnh 1.

Cán bộ thôn dán biển thông báo tại nhà người dân có người về từ "vùng đỏ". Ảnh: Tiền phong

Theo ông Nguyễn Thành Khoa, nhà bà P.T.S ở cạnh Trạm Y tế xã Nam Cao, ngay mặt đường liên xã và kinh doanh thức ăn gia súc nên có nhiều người qua lại. Khi 2 cháu nhà bà P.T.S trở về từ TP.Hải Phòng, lực lượng y tế có làm xét nghiệm và 2 cháu có kết quả âm tính. Sau đó lực lượng y tế đã yêu cầu thực hiện cách ly tại trạm y tế để đảm bảo công tác phòng dịch.

"Tuy nhiên, bà P.T.S có nói nhà bà ấy đủ điều kiện cách ly nên xin đề nghị để 2 cháu cách ly tại nhà. Bà P.T.S cũng nói nhà có chuẩn bị đủ đồ ăn trong 7 ngày nên chính quyền không phải lo gì cả", Chủ tịch UBND xã Nam Cao thông tin.

Liên quan đến việc nhà bà P.T.S bị khóa cửa, Chủ tịch UBND xã Nam Cao cho biết: "Khi đồng ý cách ly tại nhà, bà P.T.S có nói sẽ đóng cửa, không ra ngoài. Thôn lo sợ người cách ly không tuân thủ nên đã khóa cửa lại. Dù việc này cũng vì công tác chống dịch nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng việc này là không nên làm", ông Nguyễn Thành Khoa nói.

Với cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo chống dịch xã Nam Cao, ông Nguyễn Thành Khoa cho biết: "Sai ở đâu sẽ chịu trách nhiệm tại đó".

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hà Tiến Thăng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình cho biết, sau khi xuất hiện thông tin về việc cán bộ một thôn ở huyện Kiến Xương khóa cửa, "nhốt" hai ông bà già và hai cháu nhỏ trong nhà suốt 7 ngày sau khi hai cháu về từ "vùng đỏ", lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu UBND huyện Kiến Xương khẩn trương báo cáo nội dung vụ việc.

"Chiều nay, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ có cuộc họp về một số vẫn đề liên quan đến phòng chống dịch, trong đó sẽ có ý kiến chỉ đạo cụ thể về việc này. Quan điểm của tỉnh Thái Bình là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch, tuyệt đối không ngăn sông cấm chợ. Có thể do tình hình hình dịch lan rộng, xuất hiện nhiều nguy cơ xâm nhập dịch từ bên ngoài nên một số địa phương lo lắng, sốt ruột và có cách hành xử chưa phù hợp, chưa giải thích hợp lý để dân đồng thuận. Nếu có việc đó, chúng tôi sẽ chấn chỉnh ngay, không để tái diễn", ông Thăng cho biết.

Khóa cổng nhà có người về quê là sai luật

Trảo đổi với VnExpress, luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TAT Lawfrim) đánh giá, việc khóa cửa nhà dân "là sai, thể hiện sự lúng túng, hoảng loạn" trong phòng, chống Covid-19 ở địa phương. "Có dấu hiệu vi phạm các quyền về tự do cư trú và đi lại của người dân", luật sư nêu quan điểm.

Hiến pháp năm 2013 quy định, công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tự do đi lại, cư trú trong nước. Quyền của công dân chỉ có thể bị hạn chế theo "quy định của luật" trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, sức khỏe của cộng đồng...

Trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền chỉ được phép hạn chế quyền của người dân bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự như bắt giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc xuất cảnh; tịch thu phương tiện, tài sản; phạt tiền...

Với nhà đất, tòa án khi cần cũng chỉ có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, phong tỏa, cấm thay đổi hiện trạng hoặc mua bán... Như vậy, "không có quy định nào cho phép khóa cửa nhà dân". Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan, kể cả những điều khoản về tình trạng khẩn cấp, chiến tranh... cũng không cho phép làm như vậy, luật sư nêu quan điểm.

Do đó, dù việc khóa cửa được người dân chấp thuận, chính quyền xã vẫn không được thực hiện, vì vi phạm nguyên tắc "người dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan nhà nước được làm những gì pháp luật cho phép".

Hơn nữa, biện pháp "khóa cửa, giữ chìa" còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy hoặc nếu nhà dân có người cần cấp cứu sẽ khó khăn hơn.

Theo luật sư Tú, các địa phương cần thực hiện việc đón người về quê ăn Tết theo quy định phòng chống dịch của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/4-nguoi-bi-nhot-7-ngay-vi-co-nguoi-than-ve-tu-vung-do-hai-phong-chinh-quyen-noi-gi-161221701160535889.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang