Trong bài viết này, Amy Lu - mẹ của 2 em bé, người sáng lập trang web Making Motherhood Matter chuyên về kiến thức mang thai và kinh nghiệm nuôi dạy trẻ - sẽ hướng dẫn cha mẹ nhận biết 4 thời điểm bé khóc nhiều nhất và cách dỗ bé nín khóc bằng chính kinh nghiệm thực tế của bản thân.
Biết được nguyên nhân trẻ khóc sẽ giúp bố mẹ dỗ bé nín khóc dễ dàng (Ảnh minh họa).
Phản xạ đầu tiên của bà mẹ Amy Lu khi con bắt đầu khóc đó là kiểm tra đồng hồ và tính toán: Con ăn cách đó bao lâu rồi, lần thay bỉm/tã gần nhất là khi nào, con đã được vỗ lưng cho ợ hơi chưa. Theo Amy Lu, cha mẹ nên đặt thời gian biểu cụ thể cho bé như giờ ăn, giờ tắm, thay tã, giờ đi ngủ hoặc thức dậy. Dựa trên thời gian biểu này, mẹ có thể dự đoán chính xác hơn nguyên nhân khiến bé khóc và đáp ứng được nhu cầu của bé.
1. Bé khóc trong hoặc ngay sau khi ăn
Nếu bé khóc trong khi ăn hoặc ngay sau đó, nguyên nhân thường do bé bị đầy hơi. Mẹ hãy giúp bé ợ hơi bằng cách để để đầu bé tựa vào vai mẹ, thân người bé áp vào ngực. Một tay mẹ đỡ mông bé và một tay còn lại xoa hoặc vỗ nhè nhẹ vào lưng bé. Nếu bé vẫn tiếp tục khóc có thể do bé vẫn đói và muốn ăn thêm. Mẹ hãy thử cho bé ăn thêm sữa và vỗ về bé.
Vỗ lưng cho bé ợ hơi là 1 cách giúp bé dễ chịu hơn sau khi ăn (Ảnh minh họa).
2. Bé khóc trong lúc thức chơi
Mẹ hãy thử kiểm tra đồng hồ xem liệu bé ăn đã lâu chưa, bé có đói không, bé có bị mệt hay ướt quần, áo không? Nếu không, mẹ hãy thử thay đổi vị trí nằm của bé. Theo kinh nghiệm của Amy Lu, bé thường nằm không yên, thậm chí cáu kỉnh khi nằm tại 1 vị trí sau khoảng 10-15 phút, đặc biệt là quãng thời gian bé mới sinh và không thể tự trườn hay xoay người ra chỗ khác. Sau khi đã thực hiện loại bỏ các nguyên nhân trên mà bé vẫn không nín khóc, mẹ thử cho bé ợ hơi theo cách hướng dẫn ở trên, hoặc xoay xoay chân bé để giúp thoát khí trong dạ dày bé.
3. Bé khóc trước giờ đi ngủ
Có thể trước khi ngủ bé sẽ tỏ ra cáu kỉnh và khóc 1 chút, mẹ đừng lo, hãy chuẩn bị tã mới, sạch và thay cho bé trước giờ ngủ. Với bé sơ sinh mẹ có thể quấn quanh cơ thể của bé như một chiếc kén ấm áp, giúp bé có cảm giác an toàn, yên tâm như những ngày còn ở trong bụng mẹ. Điều này sẽ giúp bé dễ ngủ hơn. Mẹ cũng cần tập cho bé nhận biết thời gian đã đến lúc đi ngủ bằng cách hát ru, lắc lư, ôm bé vào lòng vỗ về và đặt bé xuống để ngủ. Bằng cách tạo ra thói quen, thời gian biểu, bé sẽ bắt đầu học các dấu hiệu ngủ từ hành động của mẹ.
Mẹ có thể quấn tã quanh cơ thể của bé như một chiếc kén ấm áp, giúp bé có cảm giác an toàn hơn.
4. Bé khóc khi đang ngủ
Hãy kiểm tra xem bé có bị đóikhông, bé bị ướt không (mẹ đã thay tã mới cho bé sau khi bé tè hoặc ị chưa, nước tiểu có tràn ra và ngấm vào quần áo bé không), bé có bị đầy bụng không. Vì vậy, các mẹ luôn cố gắng cho bé ăn đủ no để bé không bị thức giấc giữa chừng vì đói.
Mẹ luôn nhớ kiểm tra các nhu cầu của bé đã được đáp ứng chưa (Ảnh minh họa).
Ví dụ, bé thường đi ngủ lúc 8h tối, mẹ Amy Lu sẽ cho bé ăn sữa lúc 6h-7h tối, lần ăn tiếp theo là gần 8h tối, vỗ lưng cho bé ợ hơi và cho bé ngủ. Mẹ có thể điều chỉnh lại giờ ngủ cho bé dựa trên kinh nghiệm của bản thân và nhu cầu của bé. Nếu 8h là giờ ngủ của bé, mẹ có thể cho bé ngủ sớm trước 15 phút vì nếu để đến 8h bé sẽ khóc vì mệt và quá buồn ngủ.
Bé khóc do nhiều nguyên nhân khác nhau, cha mẹ là người chăm sóc bé và sẽ dự đoán chính xác nhất vì sao bé khóc, bé đang cần gì, từ đó có phương án đáp ứng nhu cầu của bé. Ngoài ra, bé cũng có thể khóc do bị ốm, mọc răng, mệt mỏi sau khi tiêm phòng, thay đổi môi trường. Nếu bé khóc nhiều và dù đã làm đủ cách mà bé không nín, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc thực hiện các xét nghiệm cần thiết xem bé có bị thiếu chất gì không.
Nguồn: Healthy
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.