Trẻ con dễ cảm thấy hạnh phúc, nhưng khi bước vào tuổi vị thành niên, hạnh phúc trở nên khó nắm bắt hơn nhiều. Chúng sẽ thường xuyên khó chịu với bạn bè, với giáo viên và tất nhiên là cả cha mẹ.
Là cha mẹ, chúng ta mong cho con mình luôn hạnh phúc và dạy cho con về hạnh phúc. Nhưng hóa ra phần lớn những gì chúng ta đang dạy bọn trẻ về hạnh phúc đều chưa đúng sự thật, chẳng hạn như 5 điều dưới đây:
Để người khác kiểm soát hạnh phúc của mình
Thật dễ sống như thể hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào người khác. Hôm nay đồng nghiệp có làm phiền bạn không? Bạn đã có một khách hàng vô lý phải giải quyết? Hàng xóm hoặc mẹ chồng của bạn đang khiến bạn lo lắng. Luôn có cơ hội cho người khác khiến bạn khó chịu. Tuy nhiên, khi đó bạn đang trao quyền kiểm soát hạnh phúc của mình cho người khác, và bạn đang dạy con mình làm điều tương tự.
Một trong những bí mật của hạnh phúc là nó không nằm ở cách người khác đối xử với bạn mà ở cách bạn đối xử với họ! Lựa chọn mở rộng lòng tốt với người khác, kể cả những người không tử tế với bạn, là yếu tố then chốt để sống một cuộc đời hạnh phúc.
Khi dạy trẻ em về hạnh phúc, chúng ta phải nói về lòng tốt.
Tiền mang lại hạnh phúc
Hầu hết chúng ta sẽ không nói với con mình rằng "tiền bạc là nguồn gốc của hạnh phúc" nhưng chúng ta lại sống như vậy.
Chúng ta làm việc nhiều giờ, căng thẳng về số tiền tiết kiệm cho hưu trí, hoặc chú tâm vào việc con mình kiếm được việc tốt với mức lương hậu hĩnh. Khi làm như vậy, chúng ta đã gửi đi thông điệp rằng chìa khóa của hạnh phúc là số tiền bạn kiếm được. Tất nhiên tiền là một công cụ quan trọng. Nhưng nó không phải là tất cả.
Chúng ta cần dạy con cái mình rằng tiền là phương tiện chứ không phải mục đích. Và trên thực tế, một trong những cách tốt nhất để hạnh phúc không phải là tích lũy càng nhiều tiền càng tốt mà là tìm cơ hội cho đi để tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người khác.
Những người hào phóng có xu hướng sống hạnh phúc hơn. Khi dạy trẻ em về hạnh phúc, chúng ta phải nói về sự rộng lượng.
Hạnh phúc không phải là điều cốt yếu
Chúng ta không muốn dạy bọn trẻ rằng hạnh phúc của chúng là tất cả. Mặt khác, hạnh phúc không phải là một phần bổ sung tốt đẹp cho cuộc sống mà là yếu tố then chốt để có một cuộc sống tốt đẹp.
Có thể tồn tại nhờ cơm ăn và nước uống, nhưng không ai trong chúng ta gọi đó là "sống sung sướng". Một yếu tố quan trọng để sống tốt là có một chút hạnh phúc, ngay cả đôi khi nó bị gián đoạn.
Một cách để có được nhiều hạnh phúc hơn là thực hành lòng biết ơn. Học cách "đếm những điều may mắn của bạn", ngay cả khi chúng rất ít và cách xa nhau, là một cách đã được minh chứng để có một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Khi dạy trẻ em về hạnh phúc, chúng ta phải nói về lòng biết ơn.
Hạnh phúc có thể tìm thấy
Khi dạy con mình về hạnh phúc, chúng ta thường sử dụng ngôn ngữ ngụ ý rằng hạnh phúc là thứ bạn khám phá được ở đâu đó "bên ngoài". Hạnh phúc có thể ẩn trong mối quan hệ phù hợp với người đặc biệt đó. Hoặc có lẽ hạnh phúc là được tìm đúng nghề, hoặc có một gia đình êm ấm.
Bằng bất cứ cách nào, chúng ta có thể truyền đạt rằng hạnh phúc ở ngoài kia đang chờ lũ trẻ tình cờ chạm tới.
Tuy nhiên, thực tế là hạnh phúc thường không nằm ở những gì bạn tìm thấy mà là những gì bạn cho đi. Những người thường xuyên ở vị trí phục vụ, cho dù đó là ở nhà thờ, hướng đạo sinh hay tại quán ăn từ thiện,… nhìn chung đều hạnh phúc hơn.
Khi dạy trẻ em về hạnh phúc, chúng ta phải nói về sự phục vụ.
Hạnh phúc có thể mua được
Chắc rằng bạn sẽ không nói hạnh phúc là thứ bạn có thể sở hữu. Tuy nhiên, chúng ta thường nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc hơn khi cuối cùng cũng có được ngôi nhà tuyệt vời, chiếc ô tô mới toanh hoặc phiên bản mới nhất của máy chơi game yêu thích.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rằng không có mối tương quan tích cực giữa việc sở hữu nhiều hơn và hạnh phúc. Trên thực tế, sống trong trạng thái không hài lòng với những gì bạn có là một con đường ngắn nhất dẫn đến đau khổ.
Mặt khác, sự hài lòng là cánh cửa dẫn đến hạnh phúc. Khi bạn tin rằng mình có đủ, nhiều khả năng bạn sẽ hài lòng với những gì mình có.
Khi dạy trẻ em về hạnh phúc, chúng ta phải nói về sự hài lòng.
Theo Timothy Diehl, allprodad
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.