Có rất nhiều trở ngại trong việc giao tiếp khiến mối quan hệ cha mẹ và con cái không suôn sẻ. Nếu bạn nói quá nhiều, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, nếu bạn nói quá ít, trẻ sẽ không thể sửa được thói quen xấu.
Ông Đào Hành Trí, người sáng lập Hội cha mẹ - con cái Nhất Tâm (Trung Quốc), một chuyên gia có kinh nghiệm hơn 10 năm về giáo dục gia đình cho rằng, thật ra, để mối quan hệ cha mẹ - con cái tích cực, chỉ gói gọn trong một chữ: HIỂU.
Hiểu lòng trẻ, suy nghĩ vấn đề theo quan điểm của trẻ thì mới giúp trẻ giải quyết được vấn đề. Nhà giáo dục Liên Xô Suhomlinsky nói: "Giáo dục trước hết là thấu hiểu. Không hiểu trẻ, không hiểu quá trình phát triển trí tuệ của trẻ, không biết tư duy, sở thích, năng khiếu, thiên phú, khuynh hướng của trẻ thì khoan nói đến chuyện học vấn".
Hãy xem một "kịch bản" mà nhiều bậc cha mẹ gặp phải: Ngay khi con đi học về, nhiều phụ huynh vội hỏi: "Con làm bài xong chưa?". Sau đó là loạt lời ra lệnh và ca thán: "Không, con không được làm như vậy"; Mau làm bài đi. Làm xong bài tập chưa? Cả ngày chỉ biết xem TV và chơi game"...
Bố mẹ cần nhớ 1 câu: "Con cái không sợ mệt, không sợ vất vả, nhưng chỉ sợ không được cha mẹ hiểu và yêu thương thật lòng!". Ở đây, câu chuyện không phải là có vấn đề với bài tập về nhà, mà là có vấn đề về tình yêu thương.
Khi phụ huynh hỏi: "Bài tập về nhà đã xong chưa?" thì trong nội tâm đứa trẻ hét lên: "Điều bố/mẹ quan tâm là bài tập của con chứ không phải con!". Trẻ không thể bộc lộ những suy nghĩ thực sự bên trong của mình một cách lý trí mà chỉ có thể đối đầu với cha mẹ bằng một số hành vi "kỳ quặc" như: Nói ngược, nói tục, ngồi im, im lặng, gây sự...
Cha mẹ có khả năng yêu thương đúng cách, khi về nhà nhìn thấy con, trước tiên họ sẽ chào con: "Con về rồi, mẹ nhớ con nhiều, hôm nay con có mệt không? Nếu con mệt thì đừng quá lo lắng bài tập về nhà, hãy chơi một lúc rồi hãy làm nhé!".
Trẻ chỉ chăm chỉ học hành vì "tình yêu", nếu không chúng có thể không thực tâm học hành, khi lớn lên, nhiều vấn đề sẽ dần xuất hiện.
Khi bạn hiểu, bạn sẽ dễ dàng đồng cảm với con mình.
Bạn đi làm về sau một ngày mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi một chút, không nấu nướng. Lúc này chồng bạn chẳng thèm đoái hoài gì đến bạn mà chỉ nói: "Bữa cơm xong chưa! Tại sao em không nấu ăn?". Bạn có thể có hai lựa chọn tại thời điểm đó: Đầu tiên tích tụ những lời phàn nàn cho đến khi bùng nổ và tạo ra những tác động xấu; Thứ hai là bộc lộ cảm xúc của bản thân, phàn nàn hay thậm chí là cãi vã trực tiếp sẽ gây ảnh hưởng không tốt vào lúc này.
Suy nghĩ từ một khía cạnh khác, đây là cảm xúc thực sự của trẻ khi chúng về nhà mỗi ngày và nghe: "Con đã hoàn thành bài tập về nhà chưa?" hay "Tại sao con vẫn chưa làm bài tập về nhà?".
Cơ sở của sự đồng cảm là sự quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ, chỉ như vậy mới thực sự suy nghĩ theo quan điểm của trẻ, giao tiếp với trẻ và giúp trẻ giải quyết vấn đề.
Làm thế nào chúng ta có thể thực sự hiểu con mình? Hãy đảm bảo 5 quy tắc sau đây:
Đầu tiên, hãy chủ động hỏi thăm các hành vi khác nhau của trẻ: Dù trẻ làm gì, cha mẹ cũng không nên đoán suy nghĩ của trẻ dựa trên suy nghĩ của mình mà phải chủ động hỏi trẻ tại sao lại làm như vậy, để trẻ cởi mở và nói cho bố mẹ biết suy nghĩ của mình.
Thứ hai, hãy suy nghĩ về vấn đề từ góc độ của đứa trẻ: Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, và sự giáo dục sớm nhất trong cuộc đời của một người đến từ gia đình. Vì vậy, cha mẹ không nên tạo áp lực quá lớn, không áp đặt ý kiến riêng của mình cho trẻ mà cần hiểu tâm trạng của con để có sự giao tiếp phù hợp. Đừng luôn đối xử với con bằng quyền hành của cha mẹ mà hãy luôn nhìn con bằng sự cảm kích và luôn đứng ở vị trí của con, chỉ có như vậy con mới tôn trọng và tin tưởng bạn.
Thứ ba, hiểu tâm trạng của trẻ: Là cha mẹ, nếu bạn suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của trẻ, bạn có thể dễ dàng hiểu được tâm trạng của trẻ. Khi bạn làm điều này, bạn sẽ thấy rằng một số hành vi và lời nói dường như khó hiểu của trẻ lại thực sự bình thường và dễ dàng khoan dung với con hơn.
Thứ tư, hiểu những thay đổi trong tuổi dậy thì của trẻ: Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ thường xuất hiện những hành vi nổi loạn, thực ra ở giai đoạn này trẻ muốn chủ động thoát khỏi "gông cùm" của cha mẹ, cắt đứt tâm lý ỷ lại giữa mình và cha mẹ.
Đây là biểu hiện của sự phát triển tính tự giác của trẻ, là tâm lý bình thường, vì vậy cha mẹ nên tạo cho trẻ không khí thoải mái, thúc đẩy sự phát triển tính tự chủ của trẻ. Cha mẹ không nên lo lắng vì những thay đổi như vậy của con mình mà nên hiểu rõ và ủng hộ những thay đổi đó, đồng thời hướng dẫn tích cực cho trẻ.
Ví dụ, mẹ có thể nói: "Có vẻ như con gái đã lớn và bắt đầu có những chủ kiến của riêng mình. Mẹ thực sự tự hào về con. Nếu có việc gì cần mẹ giúp đỡ, mẹ sẽ rất vui lòng".
Thứ năm, hiểu các ý kiến khác nhau của trẻ em: Nhiều bậc cha mẹ luôn quen với việc lựa chọn và sắp đặt mọi thứ cho con cái. Trên thực tế, trẻ có suy nghĩ của riêng mình, và chúng thường không muốn để cha mẹ quyết định mọi việc mà hoàn toàn không để ý đến cảm xúc và suy nghĩ của chính mình.
Trên thực tế, khi một đứa trẻ sống cho cha mẹ, cuộc sống của chúng sẽ không có mục đích và không có đam mê. Nếu con bạn không có chính kiến về tương lai của mình, trẻ sẽ không thể tự chủ, và tất yếu sẽ bế tắc, gặp trở ngại rất lớn trong việc giao tiếp với cha mẹ.
Cha mẹ nên bao dung, soi sáng và sửa chữa những hành vi non nớt của trẻ thay vì đánh đòn và đàn áp con. Khi trẻ bày tỏ ý kiến, cha mẹ phải lắng nghe cẩn thận, điều này thể hiện sự tôn trọng trẻ. Bên cạnh đó, có thể bổ sung, sửa chữa những gì trẻ trình bày chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, nên tế nhị, đừng dội "gáo nước lạnh" vào những suy nghĩ non nớt của trẻ hay chế giễu, sẽ khiến trẻ ngại giao tiếp với cha mẹ.
Thực tế, trẻ em cũng giống như người lớn, chúng cũng là một tổng thể độc lập, mong được người khác hiểu và tôn trọng. Đặc biệt là sau khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, trẻ thường cảm thấy mình đã là người lớn, càng đòi hỏi cha mẹ phải hiểu mình hơn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.