5 sự thật về tâm lý trẻ nhỏ giúp việc nuôi con nhàn hơn

(lamchame.vn) - Những sự thật về tâm lý trẻ nhỏ sẽ giúp mẹ giải quyết các vấn đề của con dễ dàng hơn trong hành trình nuôi dạy các bé.

Có bao giờ các mẹ gặp tình trạng trẻ vừa mới la lối, khóc lóc nhưng chỉ vài phút sau lại cười vui vẻ chưa? Nếu cha mẹ vẫn thắc mắc "sao con mình lại khó hiểu thế nhỉ" thì đừng bỏ qua những sự thật dưới đây:

1. Trẻ sẽ không quá đói nếu chỉ bỏ qua một bữa

Khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm, sẽ có những ngày mẹ cảm thấy đau đầu vì con không chịu ăn. Dù đã làm đủ mọi cách nhưng bé vẫn không hợp tác, thậm chí còn ném đồ ăn, ăn vạ, khóc lóc. Lúc này, mẹ sẽ lo lắng rằng không biết con có đói không, phải cố nhồi nhét để con có đủ dinh dưỡng, nhưng sự thật thì không cần phải như vậy.

Hãy bình tĩnh, có thể là sự thay đổi từ trẻ do con đang ở trong giai đoạn chán ăn. Hãy chuẩn bị cho trẻ nhiều loại thức ăn dinh dưỡng khác nhau và cho phép trẻ lựa chọn món ăn yêu thích của bữa ăn đó. Nếu trẻ không muốn món ăn nào, không nên ép trẻ và thử lại lần nữa trong bữa ăn tiếp theo.

- Giải pháp cho bố mẹ: Đừng lo lắng vì nếu con đói, trẻ sẽ học được bài học về việc không nên bỏ qua bất kì bữa ăn nào trong ngày. Dĩ nhiên, mẹ cần kiên định, đừng vì nuông chiều con mà bỏ qua quy tắc. Nếu được nới lỏng, trẻ sẽ không còn nghe lời trong lần tiếp theo đâu.

2. Trẻ thích được lựa chọn

Thay vì mang ra một bộ quần áo và ép con "mặc đi", bố mẹ nên thử cho bé tự quyết định. Hãy mang ra 2 bộ đồ mà bạn cho là phù hợp nhất, sau đó bảo con lựa chọn. Bé sẽ cảm thấy bản thân rất "oai phong" vì được tự ra quyết định liên quan đến bản thân mình.

- Giải pháp cho bố mẹ: Hãy trao cho trẻ cơ hội được lựa chọn những điều đơn giản, như bữa trưa ăn gà hay bơ, nên đeo giày thể thao hay dép tông hoặc nên chơi ở công viên hay vòi phun nước tự động. Hoặc hiệu quả nhất là ở khu đồ chơi, nếu con muốn mua nhiều thứ thì mẹ hãy ra điều kiện "chỉ được phép chọn 1". Lúc này, việc lựa chọn sẽ phát huy hiệu quả lắm đó.

5 sự thật về tâm lý trẻ nhỏ giúp việc nuôi con nhàn nhã hơn - Ảnh 1.

3. Có những lúc trẻ cố tình không muốn hiểu ý bố mẹ

Có những khoảnh khắc bố mẹ không thể yêu thương trẻ. Đó là khi chúng đòi hỏi quá nhiều thứ, giận dỗi vì mọi việc không theo ý muốn và có nhiều hành động khiến bố mẹ giận dữ. Trên thực tế, việc bố mẹ cố gắng giải thích cho trẻ hiểu trong một tình huống nào đó thường không mang lại hiệu quả.

Theo chuyên trang Parenting, những đòi hỏi có giới hạn và suy luận logic dường như không tồn tại ở trẻ và đó là điều hoàn toàn bình thường. Trẻ chưa phải hiểu về nguyên nhân - kết quả nên con rất hay hỏi "tại sao". Bởi vậy đôi khi, dù có giải thích hàng chục lần, trẻ vẫn cho rằng suy nghĩ của con mới là đúng.

- Giải pháp cho bố mẹ: Đừng mất kiên nhẫn, thi thoảng hãy thả lỏng bản thân và chấp nhận rằng con chưa thể hoàn toàn hiểu hết những điều bố mẹ nói. Hãy bình tĩnh và dần tìm ra giải pháp tốt hơn.

4. Trẻ không chia sẻ với em bé vì ghen tỵ

Nhiều bố mẹ tỏ ra không vui khi con đầu lòng cãi vã và không muốn chia sẻ bất kì thứ gì với em bé. Thực ra, không hẳn là vì con không yêu em, mà đơn giản là bởi bé đang ghen tỵ vì em đã chiếm mất bố mẹ của mình. Thông thường, điều này xảy ra khi bố mẹ không đối xử công bằng giữa các con.

Khi thấy con lớn không nhường em, bố mẹ hay quát "lớn rồi không biết chia sẻ à", "con là anh/chị mà sao ích kỷ quá vậy", nhưng thật ra nên giải quyết từ gốc rễ. Điều con cần là tình yêu thương, sự quan tâm của bố mẹ nhiều hơn. Khi trẻ cảm thấy an toàn, không bị tranh giành thì con sẽ sẵn sàng nuông chiều em bé.

- Giải pháp cho bố mẹ: Nhẹ nhàng nói chuyện, ôm con vào lòng và bày tỏ mong muốn có thể cho em chơi cùng được không. Luôn nói với con rằng bố mẹ yêu thương tất cả các con và điều đó sẽ không bao giờ thay đổi.

5 sự thật về tâm lý trẻ nhỏ giúp việc nuôi con nhàn nhã hơn - Ảnh 2.

5. Trẻ rất thích thăm dò thái độ bố mẹ

Dù nhỏ nhưng bé có khả năng thấu hiểu nhiều hơn người lớn nghĩ. Với trẻ chưa biết nói, con sẽ tỏ thái độ bằng những màn ăn vạ, khóc lóc, mè nheo. Và nếu đạt được nguyện vọng thì những lần sau, trẻ sẽ tiếp tục sử dụng "chiêu" đó với cha mẹ. Tất nhiên, nếu không thành công thì con sẽ chẳng áp dụng nó cho lần sau nữa.

- Giải pháp cho bố mẹ: Hãy quyết đoán với những việc cha mẹ muốn con sửa đổi. Khi đã nói "không" thì đừng thay đổi thái độ chỉ vì điều gì đó.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang