Với chị Hoài Thu (mẹ của 2 bé Ốc, Thỏ, hiện đang sống tại Hà Nội), khi ôm con là cơ hội bố mẹ tạo nên sợi dây kết nối, thể hiện tình yêu thương, từ đó sẽ tạo ra sự thoải mái về mặt cảm xúc cho cả con và bố mẹ, giúp bố mẹ có thể gần gũi hơn với con, có thể lắng nghe và làm bạn với con.
1 ngày chị Thu thường ôm con vào 5 thời điểm sau, cũng là lúc mà các con cần một chiếc ôm từ bố mẹ nhất.
1. Ôm con mỗi sáng thức dậy
Sau khi Ốc, Thỏ ngủ dậy thì việc đầu tiên Thu thường làm là dang rộng vòng tay để ôm con vào lòng, xoa lưng và hỏi han con 1 vài câu để giúp con tỉnh ngủ hơn. Đơn giản chỉ là: tối qua con ngủ có ngon không? Con có mơ gì không kể cho mẹ nghe, con muốn tự buộc tóc hay mẹ buộc cho?... Viết thì dài vậy thôi chứ cái này chỉ chiếm 5, 10 phút. Nếu bố mẹ là người gọi con dậy thì hãy cố gắng dùng những lời tích cực, những bí kíp nhỏ để gọi con dậy trong vui vẻ, tránh mới sáng sớm đã hò hét, quát tháo con, hay sáng sớm đã nói con lề mề, chậm chạp... Vì chỉ 1 cái ôm buổi sáng của bố mẹ cũng giúp con có sự vui vẻ cả ngày.
2. Ôm con trước khi đi học
Đây là lúc con biết cả ngày con xa mẹ, đặc biệt với các con học mầm non thì bố mẹ lại càng không nên bỏ qua bước này. Ôm con và nói những lời chúc tích cực giúp con có 1 ngày đi học thật vui vẻ, hẹn gặp lại con vào buổi chiều và con sẽ kể cho mẹ nghe về 1 ngày đi học của con nhé! Có những bé cứ đòi ôm mẹ không chịu buông để vào lớp. Mẹ có thể nói: mẹ con mình ôm nhau 1 phút, 2 phút hay 5 phút tuỳ bố mẹ đưa ra hoặc cho con lựa chọn. Con biết hạn thời gian sẽ rất hợp tác.
3. Ôm con sau khi tan học
Cả 1 ngày con đi học xa bố mẹ, vậy thì khi con đón bố mẹ cố gắng trút bỏ hết những khó chịu trong công việc để dang tay ôm con ở cổng trường. Đây là điều mà Thu rất thích, mỗi khi đi đón Ốc, Thỏ. Việc Thu làm là dang tay và con chạy về phía mẹ, mẹ chào con. Và trên đường đi học về: mẹ chỉ quan tâm tới việc, hôm nay con đi học có chuyện gì vui kể cho mẹ nghe, con sẽ nhớ lại hết để kể cho mẹ. Ngược lại, mẹ cũng sẽ kể về 1 ngày làm việc của mẹ để con thấy rằng, mẹ cũng có rất nhiều chuyện vui muốn kể với con, coi con như 1 người bạn thân.
4. Ôm con trước khi đi ngủ
Thu thường ôm con sau khi con đánh răng và vào phòng ngủ. Vì các con ngủ riêng nên 5p này mẹ ôm con, thủ thỉ với con 1 vài điều, lâu dần những điều này sẽ đi vào tiềm thức của con. “ Mẹ rất yêu con, dù có chuyện gì thì mẹ cũng sẽ ở bên con, con là 1 bạn nhỏ rất đáng yêu, tốt bụng, nhiều tình yêu thương…” Hoặc thủ thỉ về những việc bố mẹ mong muốn con thay đổi để tốt hơn. Vừa ôm vừa nói sẽ giúp con biết lắng nghe để thay đổi hơn. Riêng cái ôm này, thì bố cũng nên làm với con để tạo sự gắn kết. Cuối cùng là thơm con 1 cái vào trán và nói "Chúc con ngủ ngon!".
5. Ôm con khi con có chuyện buồn, con mắc lỗi sai
Nếu bố mẹ là người nóng tính, hay quát tháo, là người nghiêm khắc, nhiều mong cầu ở con, muốn con làm gì cũng phải đúng thì con dễ bị áp lực, căng thẳng, sợ làm sai, sai rồi lại muốn trốn tránh, nói dối để che lấp. Nên khi con mắc lỗi sai chính con cũng đã rất sợ nên việc cần làm ngay lúc đó không phải là ép con nhận lỗi, bắt con nhìn ra lỗi và không đc phép tái phạm. Mà lúc đó thứ con cần là 1 cái ôm, cái ôm này sẽ giúp xoa dịu nỗi sợ trong con, giúp con bình tĩnh hơn. Lúc này bố mẹ có thể nói chuyện nhẹ nhàng với con, con sẽ dễ dàng tiếp thu lời bố mẹ nói hơn.
Hay bất cứ lúc nào có thể ôm con thì sẽ xin phép con để được ôm. Nếu lúc bố mẹ muốn ôm mà con lại không muốn thì bố mẹ cũng tôn trọng cảm xúc lúc đó của con nhé! Thu cũng có những lần bị con từ chối rồi. Không sao cả! Cũng như người lớn thôi, cũng có lúc tâm trạng mình không tốt và không muốn ai chạm vào người. Thì trẻ con cũng vậy.
Con có được nhiều tình yêu thương từ bố mẹ thì con sẽ sẵn sàng chia sẻ tình yêu thương của mình với người khác. Và quan trọng bố mẹ thể hiện càng nhiều cái ôm, càng nhiều lời nói yêu thương thì sẽ giúp bố mẹ kiểm soát cảm xúc tiêu cực rất tốt. Nên tận dụng cách này để bên con thật vui vẻ các bố mẹ nhé!
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.