Mỗi bậc phụ huynh đều mong muốn con trai mình sau này trở thành những chàng trai cao lớn, điển trai khiến bao người mê mẩn, còn con gái thì sở hữu một đôi chân dài miên man. Tuy nhiên, do yếu tố di truyền, có thể bố mẹ đều thấp bé nên nhiều người cảm thấy hy vọng con cao lớn trở nên mong manh.
Hầu hết bố mẹ đều quan tâm đến chiều cao, cân nặng và sự phát triển của con mình. Một khi thấy bạn đồng trang lứa cao hơn con mình, họ thường không khỏi lo lắng. Vậy, bạn đã biết chiều cao của con mình đạt chuẩn chưa?
Chiều cao trung bình của trẻ từ 2-12 tuổi có thể ước tính theo công thức sau: Chiều cao (cm) = Tuổi x 5 + 75 (hoặc 80)
Tất nhiên, mỗi trẻ khi sinh ra có cân nặng, chiều cao khác nhau, yếu tố di truyền của gia đình cũng khác nhau, vì vậy trẻ sẽ có sự khác biệt nhất định trong quá trình phát triển. Nhưng nếu chênh lệch quá nhiều, bố mẹ cần chú ý, tốt nhất nên đưa con mình đi khám để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh về sau của trẻ.
-
5 thói quen xấu của bố mẹ kìm hãm sự phát triển chiều cao của trẻ
1. Cho trẻ ăn quá no
“Ăn thêm một chút nữa đi, ăn no nê mới cao lớn được”, nhiều phụ huynh lầm tưởng rằng cho con ăn nhiều sẽ giúp con cao lớn, nhưng thực tế lại ngược lại. Theo các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em, khi cơ thể đói, tuyến yên sẽ tiết ra nhiều hormone tăng trưởng hơn, kích thích xương của trẻ phát triển. Tuy nhiên, khi ăn quá no, việc tiết ra hormone tăng trưởng lại bị ảnh hưởng, dẫn đến trẻ không cao lớn.
Ngoài ra, việc thừa cân còn khiến trẻ dậy thì sớm. Những đứa trẻ này trong một giai đoạn nhất định có thể cao hơn bạn bè cùng trang lứa, nhưng việc tăng chiều cao quá nhanh sẽ sớm chững lại, lúc đó xương không thể phát triển nữa, cuối cùng trẻ trở thành người thấp bé.
Lời khuyên: Bố mẹ nên chú ý cho trẻ ăn no 8 phần mỗi bữa là được, đồng thời chú ý đến chế độ ăn uống cân bằng, tránh tình trạng trẻ ăn kém, ăn vặt, cần đặc biệt chú ý bổ sung protein, đồng thời không bỏ qua rau xanh và trái cây.
2. Trẻ ít vận động bên ngoài trời
Nhiều phụ huynh làm việc cả tuần, đến cuối tuần muốn ở nhà nghỉ ngơi và tận hưởng thời gian bên con. Xem sách, chơi game, xem tivi trở thành những hoạt động thường ngày của trẻ vào cuối tuần. Nhưng thực tế, ánh nắng mặt trời giúp thúc đẩy sự phát triển của trẻ. Ở nhà cả ngày, không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, trẻ sẽ khó mà cao lớn.
Ánh nắng mặt trời chứa nhiều tia hồng ngoại và tia cực tím. Tia hồng ngoại giúp giãn nở mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn máu, kích thích tủy xương tạo máu, trong khi tia cực tím có thể tiêu diệt vi khuẩn, virus trên da và trong không khí, thúc đẩy cơ thể tổng hợp vitamin D, cải thiện quá trình chuyển hóa canxi và phốt pho trong máu, hỗ trợ sự phát triển của trẻ và ngăn ngừa thiếu máu.
Lời khuyên: Vào cuối tuần, bố mẹ nên đưa con ra ngoài đi dạo, hít thở không khí trong lành, chạy nhảy vận động nhiều hơn. Điều này không chỉ tốt cho sự phát triển của trẻ mà còn có lợi cho sức khỏe của chính bố mẹ.
3. Để trẻ ngồi chơi đồ chơi cả ngày
Mỗi đứa trẻ đều có rất nhiều đồ chơi thông minh, một số trẻ thích ngồi chơi đồ chơi hàng giờ liền. Chơi đồ chơi giúp trẻ phát triển trí não, thông minh hơn, điều này rất tốt, nhưng nếu trẻ ngồi quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và khả năng phối hợp của trẻ.
Khi vận động, đặc biệt là đi bộ, chạy, nhảy, sẽ kéo căng các khớp, khiến xương dài chịu lực, từ đó kích thích sự phát triển của sụn ở hai đầu xương, kích thích cơ thể tiết ra hormone tăng trưởng, giúp trẻ cao lớn. Nhưng nếu trẻ ít vận động, có thể trở thành người thấp bé.
Lời khuyên: Để trẻ phát triển cả về thể chất và trí tuệ, bố mẹ nên sắp xếp thời gian hoạt động hợp lý cho trẻ, kết hợp làm việc và nghỉ ngơi, kiểm soát lượng vận động của trẻ, điều này rất có lợi cho chiều cao của trẻ.
4. Đánh thức trẻ dậy quá sớm
Để bố mẹ đi làm, trẻ đi mẫu giáo đúng giờ, nhiều bậc phụ huynh phải gọi con dậy sớm để chuẩn bị. Tuy nhiên, việc đánh thức trẻ quá sớm, khiến trẻ thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chiều cao.
Để trẻ cao lớn, đặc biệt là vào mùa xuân - thời điểm "vàng" để phát triển chiều cao, cần đảm bảo trẻ có đủ giấc ngủ, ít nhất 8 tiếng mỗi ngày. Bởi vì hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều nhất trong khoảng 45-90 phút sau khi ngủ và hơn một nửa lượng hormone tăng trưởng trong ngày được tiết ra vào ban đêm. Trẻ chỉ tiết hormone tăng trưởng khi ngủ, khi thức thì không. Vì vậy, đừng nghĩ rằng cho trẻ ngủ sớm là đủ, đánh thức trẻ quá sớm cũng ảnh hưởng đến việc tiết hormone tăng trưởng.
Lời khuyên: Đừng để trẻ trở thành "cú đêm", khi trẻ đi ngủ, hãy tạo cho trẻ một môi trường ngủ ngon, yên tĩnh để trẻ dễ ngủ hơn. Bố mẹ hãy đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc và để trẻ tự nhiên thức dậy vào buổi sáng.
5. Bổ sung canxi bừa bãi cho trẻ
Chúng ta đều biết sự phát triển của trẻ không thể thiếu canxi, vì vậy nhiều phụ huynh rất chú trọng việc bổ sung canxi cho con, sợ rằng nếu cơ thể thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển.
Các chuyên gia cho biết, bổ sung quá nhiều canxi có thể khiến đĩa sụn tăng trưởng của trẻ đóng sớm. Trong quá trình phát triển, đĩa sụn tăng trưởng của trẻ dần đóng lại, xương cũng trưởng thành nhanh hơn. Trước khi đĩa sụn tăng trưởng đóng lại, khả năng tăng chiều cao rất lớn, nhưng nếu đĩa sụn sớm đóng lại, chiều cao của trẻ chắc chắn sẽ bị hạn chế.
Lời khuyên: Bổ sung canxi qua thức ăn an toàn hơn so với thuốc bổ. Ăn uống đầy đủ, cân đối, sẽ không gây ra tình trạng thừa canxi. Sữa mẹ, sữa công thức là nguồn cung cấp canxi tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Đối với trẻ lớn hơn, ngoài các sản phẩm từ sữa, có thể cho trẻ ăn các loại đậu, tôm khô, cá để bổ sung canxi. Ngoài ra, để tăng cường hấp thu canxi, cách an toàn nhất là cho trẻ tắm nắng.
Tóm lại, để trẻ cao lớn, không thể thiếu 3 yếu tố "dinh dưỡng, giấc ngủ, vận động". Hãy đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, vận động ngoài trời hợp lý, thông qua nuôi dưỡng và điều chỉnh, trẻ chắc chắn sẽ vượt qua giới hạn di truyền và đạt được chiều cao lý tưởng.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.