Trải qua thời gian, nhân loại đã để lại vô số di sản nổi tiếng toàn thế giới. Từ tượng nhân sư của Ai Cập, tháp Eiffel tại Paris, cho đến bức họa Monalisa của thiên tài Leonardo da Vinci - tất cả đều là các công trình và hiện vật với giá trị lịch sử không thể chối cãi.
Nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn, bạn sẽ thấy nhiều công trình còn ẩn chứa những bí mật mà không nhiều người biết đến.
1. Căn hộ ở đỉnh tháp Eiffel
Tháp Eiffel là công trình biểu tượng của nước Pháp do kiến trúc sư Gustav Eiffel thực hiện - đây cũng là kiến thức đa số chúng ta đều đã biết.
Tuy nhiên, có bao giờ bạn tò mò đỉnh của tòa tháp này có gì không? Đó là một căn phòng bí mật, do chính Gustav Eiffel đã tự thiết kế và xây dựng một căn hộ dành riêng cho mình trên đỉnh tháp. Căn hộ có bếp, một phòng tắm, 2 phòng ngủ, một phòng khách và khung cửa cho phép ngắm nhìn toàn cảnh thành phố.
Đây là nơi ông thường dùng để nghỉ ngơi và tiếp khách, và đặc biệt ông đã từng có một cuộc tranh luận cùng Thomas Edison trong chính căn phòng này. Ngày nay, căn phòng được dùng như một bảo tàng lưu trữ hiện vật, với 2 bức tượng sáp của Eiffel và Edison bên trong.
2. Xiềng xích dưới chân tượng Nữ thần Tự Do
Tượng Nữ thần Tự Do được người Pháp gửi tặng cho Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Cách Mạng Mỹ diễn ra thành công.
Nhưng ít ai để ý rằng dưới chân pho tượng có khắc họa hình ảnh một sợi xích bị phá vỡ. Mục đích của sợi xích này là để tượng trưng cho sự tự do, dân chủ và bãi bỏ chế độ nô lệ.
3. Căn phòng bí mật trên núi Rushmore
Không chỉ là nơi khắc họa khuôn mặt 4 vị tổng thống vĩ đại nhất Hoa Kỳ, núi Rushmore còn có một bí mật nữa, đó là một căn phòng bên trong lòng núi do chính kiến trúc sư Gutzon Borglum thực hiện.
Borglum muốn tạo ra một căn phòng làm nơi lưu trữ những thông tin lịch sử bí mật của Hoa Kỳ. Nghĩ là làm, ông quyết định tạo ra một cửa hang đằng sau phần đầu của tổng thống Abraham Lincoln.
Tuy nhiên, Borglum đã qua đời trước khi có thể hoàn thành dự định của mình. Đến năm 1998, chính phủ Hoa Kỳ mới quyết định ký gửi vào đó một số bản sao văn kiện lịch sử quan trọng, biến nó thành một căn hầm lưu trữ thực sự.
4. Hình dạng gốc của tượng Nhân sư (Ai Cập)
Tượng Nhân sư khổng lồ trong khu lăng mộ Giza là một trong những bức tượng cổ nhất thế giới. Có điều, những gì bạn thấy bây giờ là một công trình đã bị thời gian bào mòn đi rất nhiều.
Các tài liệu lịch sử cho thấy, trước kia tượng nhân sư từng được trang trí bằng nước sơn sáng màu. Ngoài ra, tượng còn có mũi và râu, giống như hình ảnh của các pharaoh thời xưa.
Một số ý kiến khác cho rằng tượng nhân sư ban đầu thực chất là có cái đầu của sư tử hoặc của loài chó, còn mặt người được khắc lại sau đó. Điều này cũng rất hợp lý, bởi nó giải thích được cho việc chiếc đầu của bức tượng đang khá nhỏ so với tỷ lệ cơ thể.
5. Màu sắc của Cầu Cổng Vàng
Cầu Cổng Vàng là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ hiện nay. Nhưng trên thực tế thì hành trình xây dựng cây cầu này cũng gặp nhiều gian truân.
Phải tốn khá nhiều thời gian, Hải Quân Mỹ mới được cấp phép xây dựng cây cầu. Nhưng khi mới hoàn thành, họ muốn cây cầu được sơn màu đen sọc vàng để có thể nhìn thấy ngay cả trong sương mù. Tuy nhiên cuối cùng, họ chọn màu cam - cũng chính là màu sắc ngày nay - nhờ công thuyết phục của kiến trúc sự Irving Morrow.
Màu sắc này vừa đảm bảo về mặt thẩm mỹ, vừa cho phép người ta quan sát được cây cầu rõ hơn khi thời tiết xấu đi.
6. Bầu trời đỏ rực trong bức họa "Tiếng thét"
Cái tên ban đầu của bức tranh là "Tiếng thét của thiên nhiên". Trong cuốn nhật ký của mình, danh họa Edvard Munch có mô tả: "Bầu trời đột nhiên đỏ rực. Tôi ngưng lại, mệt mỏi, ngả ra hàng rào, ngắm nhìn chiếc lưỡi lửa vắt ngang bầu trời..."
Nhưng tại sao bầu trời lại đỏ rực? Năm 2003, một số nhà khoa học cho biết nguyên nhân có thể là sự kiên núi lửa Krakatoa phun trào vào năm 1883. Khi đó, một lượng lớn tro núi lửa đã phun thẳng vào bầu khí quyển. Cộng thêm ánh dương tàn buổi chiều tà, nó tạo ra một cảnh tượng hung hiểm, và là nguồn cảm hứng cho bức họa huyền thoại của Edvard Munch.
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.