Tự ti là một loại khiếm khuyết về tính cách. Đối với trẻ em, tâm lý tự ti có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần, khiến cho chúng khép mình lại, sợ hãi thế giới xung quanh, không dám giao tiếp với mọi người, tự cho bản thân mình là kém cỏi và thua thiệt...
Chính những suy nghĩ và trạng thái tâm lý mang chiều hướng tiêu cực sẽ làm cho trẻ không thể có một tuổi thơ hạnh phúc đúng nghĩa, trẻ cũng sẽ khó có thể trưởng thành một cách lành mạnh, không dám đối diện với bản thân mình, không dám đón nhận thử thách, sống lúc nào cũng sợ hãi và dè chừng.
6 biểu hiện của đứa trẻ tự ti
1. Quá nhút nhát
Trong cuộc sống hàng ngày hoặc ở trường học, nếu trẻ luôn thu mình lại, không dám trả lời câu hỏi của cô giáo, không dám hát trước mặt bạn bè, từ chối thể hiện bản thân, không muốn tiếp xúc với người lạ... đó chính là biểu hiện của sự thiếu tự tin vào bản thân ở trẻ.
2. Không có ý kiến
Dù gặp vấn đề gì, khi được hỏi ý kiến thì con luôn im lặng. Con vâng lời cha mẹ, nghe người lớn một cách thái quá mà không có sự phản kháng, cũng không thể hiện chính kiến của mình. Đây cũng là biểu hiện của sự tự ti của trẻ.
3. Quá chú ý đến ý kiến của người khác
Trẻ tự ti thường rất để tâm đến cách suy nghĩ của người khác về mình. Chúng có thể bị trằn trọc khi mọi người đánh giá không tốt, không vui khi so sánh bản thân với người khác và luôn cảm thấy mình thua kém.
4. Không dám giao tiếp bằng mắt
Nhiều trẻ có thói quen cúi gằm mặt khi nói chuyện với người khác, đó là bởi chúng không dám nhìn vào mắt người đối diện. Việc không dám tiếp xúc ánh mắt là bởi trẻ không đủ tự tin vào bản thân và lo lắng rằng người khác sẽ nhìn thấu suy nghĩ của mình.
5. Từ chối kết bạn
Trẻ tự ti cực kỳ bảo vệ không gian riêng tư và không muốn bất cứ ai chen chân vào thế giới riêng của mình. Chúng sẽ không chủ động kết bạn, rất ngại nói chuyện hay làm quen với người mới, thậm chí là từ chối kết bạn.
6. Nói không rõ, nói lắp
Theo khảo sát, hơn 80% trẻ tự ti có khả năng diễn đạt ngôn ngữ kém, thường nói lắp khi ở nơi công cộng, nói không rõ ràng, diễn đạt không mạch lạc, vốn từ vựng kém.
Trong quá trình nuôi dưỡng con cái, phụ huynh nhất định không nên xem thường tâm lý tự ti của trẻ. Một khi phát hiện những biểu hiện của sự tự ti, bố mẹ cần phải có các hành động thiết thực giúp cho con tìm lại bản thân mình, hỗ trợ con vượt qua sự tự phủ định bản thân.
(Nguồn: 163)
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.