9 cách nói giúp mẹ từ chối 'yêu sách' của con

Mẹ dùng từ 'không' thường xuyên để từ chối sẽ gây ra sự bực bội và tạo mầm mống cho những cuộc nổi loạn sau này của con.

Nói "không" với con là một trong những hình thức phạt đơn giản nhất nhưng không phải hiệu quả nhất. Dưới đây là những cách tốt hơn để khiến bé nghe lời.

1. Có nhiều cách từ chối, ngăn cản hay phạt bé, hơn là lúc nào mẹ cũng nói "không"

Ngoài việc gây mệt mỏi cho cả cha mẹ và con cái, các chuyên gia về nuôi dạy trẻ tin rằng nói "không" quá nhiều có thể gây ra sự bực bội hoặc là mầm mống cho những cuộc nổi loạn sau này của con. Theo chuyên gia tâm lý học Mỹ, Audrey Ricker, dùng từ "không" thường xuyên có thể khiến trẻ "nhờn" với ý nghĩa của từ đó. Vì thế, cha mẹ nên để dành từ này cho những tình huống thực sự quan trọng. Hãy dùng những cụm từ ngắn, rõ ràng và súc tích để giải thích cho bé hiểu tại sao chúng không nên làm việc gì. Hãy thử những câu ngắn dưới đây để thay từ "không".

2. "Mẹ biết con thích kem, nhưng ăn nhiều quá không tốt"

Nhà giáo dục học, kiêm chuyên gia tâm lý người Mỹ, David Wals, gợi ý các phụ huynh khi muốn từ chối đề nghị ăn món yêu thích như kem hay kẹo của con có thể đưa ra cho chúng sự lựa chọn khác tốt hơn cho sức khỏe, chẳng hạn sữa chua. Ông Walsh cho hay, cha mẹ tránh hứa hẹn "ngày mai" với con.

"Trẻ không thể hiểu rõ khái niệm thời gian, thế nên đừng nói với chúng chính xác khi nào trong tương lai chúng sẽ được ăn kem. Phần lớn trẻ chỉ muốn những thứ chúng thích, vì thế bố mẹ cần bình tĩnh, cương quyết và nhẹ nhàng đề nghị món ăn vặt tốt cho sức khỏe, dù con đang lèo nhèo ăn vạ", ông Walsh nói.

Bằng cách này, trẻ vẫn được ăn, nhưng có sự lựa chọn tốt hơn. 

3. "Đồ ăn là để ăn, không phải để nghịch hay ném đi"

Trẻ thích chơi với đồ ăn vì có thể chúng vẫn cảm thấy no từ bữa trước. Thức ăn sau đó trở thành đồ chơi, theo Linda Shook Sorkin, chuyên gia kiêm nhà trị liệu về hôn nhân và gia đình người Mỹ. Thay vì quát mắng khi thấy con quẳng bát đầy đồ ăn xuống sàn nhà, mẹ chỉ cần có hành động đơn giản: Nhặt bát lên và giải thích lý do tại sao con không nên ném đi. Mẹ phải bình tĩnh và giảng giải khi thấy con bắt đầu bật nhảy trên giường vào buổi tối, bằng cách nói: "Giường là để ngủ và thư giãn, không phải để nhảy". Nếu con chịu uống sữa mà không phản ứng lại, mẹ hãy dành cho con lời khen ngợi.

4. "Đừng phá đổ các hình Lego. Hãy cho mẹ xem cách con xếp chúng nào"

Nếu đứa trẻ tò mò nhà bạn quyết định phá tháp Logo của anh trai, đó là dấu hiệu cho thấy bé đang ghen tị, hoặc ít ra là không ý thức được việc phá phách này, chuyên gia tâm lý học người Mỹ, Fran Walfis, giải thích. 

"Bé có thể không biết mình đang ghen tị với tài năng của anh trai. Con trông thấy tòa Lego và nghĩ phá đi sẽ rất vui đây", bà Walfish cho hay. "Phần lớn trẻ ghét bị bảo phải làm gì, nhưng lời khích lệ của mẹ sẽ giúp con ý thức hơn".

Bạn hãy hỏi con xem liệu mẹ có thể cùng chơi và làm mẫu cách chơi trong hòa bình với người khác không.

5. "Mọi thứ đều cần phải lớn lên. Hãy cư xử lịch sự"

Nếu bắt gặp con đang ngắt cánh hoa hoặc kéo đuôi thú cưng, mẹ hãy cho con biết cái cây hay con vật cũng có sự sống. 

"Khi làm đau hoa hay con vật tức là con đã làm tổn thương cảm xúc và sự phát triển của chúng". Cách nói này giúp trẻ nuôi dưỡng sự cảm thông và thấu hiểu cảm xúc với những vật thể có sự sống khác.

"Hãy để trẻ học được điều, cây cũng cần được đối xử tôn trọng, giống như thiên nhiên nói chung", Marva Soogrim, bảo mẫu được nhiều ngôi sao hạng A ở Hollywood tín nhiệm, nói. 

Marva Soogrim từng xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình danh tiếng và có bài viết về cách nuôi dạy trẻ trên một số tờ như Huffington Post, Today's Parent hay SheKnows.

6. "Chúng ta sẽ dùng lời nói, không dùng tay"

Đó là cách tiếp cận khéo léo để tránh nói câu: "Không đánh chị". "Trẻ không hiểu nhiều lắm ý nghĩa của câu 'đừng đánh chị' mà bạn nói với chúng. Việc của mẹ là cần chặn ngay hành động gây hấn của bé lại, sau đó bình tĩnh chỉ cho con cách cư xử mà bạn muốn, bằng cách nói: 'Chúng ta không đánh nhau khi giận dữ'", chuyên gia Shook Sorkin khuyên. 

Trong nhiều trường hợp, đứa trẻ đang thể hiện sự chán nản, thất vọng hoặc gây sự chú ý. "Hãy yêu cầu các con ôm nhau để nhận sự yêu thương từ người kia. Giúp trẻ bình tĩnh khi chúng giận dữ hoặc hỏi chúng muốn gì khi không vui", bà Sorkin nói.

7. "Mẹ không hiểu khi con nói giọng rên rỉ như thế. Nói cho mẹ nghe bằng giọng bình thường của con nào"

Khi trẻ học những từ mới, con có thể dùng giọng điệu rên rỉ để phản kháng hoặc đề nghị điều gì đó. Tránh nói câu: "Ngừng rên rỉ đi" hoặc "Chúng ta không lèo nhèo, rên rỉ". Thay vào đó, hãy khích lệ con giao tiếp bằng những từ đơn giản. Chuyên gia tâm lý học người Mỹ, Richard Bromfield, gợi ý các mẹ nên nói câu: "Mẹ không hiểu khi con dùng giọng điệu như vậy". Câu nói này giúp con nhận ra nên nói bằng giọng bình thường. 

8. "Coi chừng! Mẹ đang tới bắt con đây"

Tiếng cười có thể là một công cụ tuyệt vời khi bạn khép trẻ vào kỷ luật. "Trò giải trí hay sự hài hước là những chiến thuật xuất sắc được khuyên áp dụng với trẻ đang tỏ ra ương bướng và cáu kỉnh", tác gia, diễn giả kiêm nhà tâm lý học Mỹ, Eileen Kennedy-Moore, cho hay. "Trẻ nhỏ thích cười, vì thế hãy làm điều gì đó ngốc nghếch để chuyển hướng chúng tới sự hợp tác tốt hơn. Bạn không phải là một diễn viên hài xuất sắc nhưng bạn có thể nói những câu gây cười". 

9. "Mẹ có thể mượn điện thoại được không? Con sẽ có món đồ chơi này"

Trẻ có thể muốn cầm điện thoại của bạn mỗi khi có chuông reo. Lần sau, hãy đưa cho con một món đồ chơi nhỏ khi bé muốn chộp lấy điện thoại của mẹ. 

"Thay thế một hành vi ở trẻ dễ hơn là ngăn nó lại", bà Kennedy-Moore nói.

Nếu bạn không có đồ chơi trong tay, hãy đưa cho con vật gì đó an toàn và không ăn được (ví dụ quả bóng nhựa). Quả bóng sẽ không dễ bị hủy hoại hoặc gây bừa bộn, đặc biệt không nguy hiểm.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang