1. Lễ cúng giao thừa
Lễ cúng giao thừa hay lễ Trừ tịch được cử hành vào thời khắc kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới (hết giờ Hợi ngày 30 sang giờ Tý mở đầu ngày mùng 1 Tết).
Theo phong tục của dân tộc Việt Nam, bàn cúng Giao thừa được chia làm 2 mâm: một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà.
Mâm cúng giao thừa được chuẩn bị đầy đặn để cầu mong một năm mới sung túc, an lành. (ảnh: internet)
Văn hoá dân gian quan niệm con người sống trong Trời-Đất. Ở Thiên đình cũng có tổ chức quan quân trông coi hạ giới. Mỗi năm, đến phút giao thừa, Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, nên thường mỗi gia đình có một mâm cỗ cúng Trời, tiễn người cũ, đón người mới, với hy vọng một năm làm ăn yên ổn, mưa thuận gió hoà.
Gia chủ làm lễ cúng bái cầu chúc cho một năm mới tốt lành bằng cách thắp hương từ ngoài trời sau đó khấn vái và thắp vào trong nhà để mang may mắn đến. Trong lễ này tại gia đình, người ta nhắc đến công ơn trời đất, tổ tiên, tạ lỗi cùng cha mẹ, làm hòa với nhau, trút bỏ điều xấu và hứa hẹn những điều tốt đẹp sẽ thực hiện.
Ý nghĩa của lễ giao thừa là đem bỏ đi hết những điều xấu dở cũ kỹ của năm cũ sắp qua để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới sắp tới.
2. Xuất hành đầu năm
Sau lễ cúng giao thừa, vào lần ra khỏi nhà đầu tiên, thường là khi đi lễ, mọi người chọn giờ và hướng xuất hành để gặp may mắn quanh năm.
Tuy nhiên ngày nay, vì tránh mê tín nên mọi người xuất hành ít chọn giờ và chọn hướng như trước.
3. Lễ chùa
Vào thời điểm bắt đầu năm mới, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Thần, Phật phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình trong năm mới.
Hoạt động đi lễ tùy vị trí xa gần mà có khi xuyên suốt hết đêm giao thừa.
4. Hái lộc
Đi lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có tục hái một nhành cây nhỏ trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất, Thần Phật ban cho.
Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.
Ngày nay để tránh những người thiếu ý thức gây phá hoại cây xanh thì tục lệ hái lộc đã có một số biến thể. Thay vì hái lộc cây xanh, người ta có thể đặt những cây cảnh lớn và treo các bao lì xì (bên trong có tiền hoặc lời chúc) để mọi người "hái lộc lì xì".
5. Hương lộc
Ở nhiều nơi người dân xin lộc tại các đình đền chùa miếu sau lễ lạt bằng cách đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó cắm tại bình hương bàn thờ Tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ Công ở nhà.
Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Lấy lửa tự các nơi thờ tự mang về, tức là xin Phật Thánh phù hộ cho được phát đạt tài lộc quanh năm.
6. Mua muối, mua mía lấy lộc
Theo quan niệm dân gian, muối tượng trưng cho sự mặn mà, nồng nàn, tình cảm ấm áp trong các mối quan hệ gia đình, người thân.
Đầu năm mua muối cũng là hành động để cầu mong cho gia đình cả năm yên ấm, thuận hoà, nồng nàn tình cảm giữa ông bà, cha mẹ với các con cháu hoặc giữa các anh chị em với nhau.
Muối cũng được xem là thứ có thể đem lại may mắn cho con người, tẩy bỏ đi những đen đủi, xú uế của năm cũ, xua đuổi những điều không hay. Chính vì vậy, mua muối vào đầu năm cũng là để cho một năm mới trọn vẹn, may mắn, không bị ảnh hưởng bởi nhưng sự đen đủi của năm cũ.
Mua mía lộc đầu năm
Nếu như việc mua muối đầu năm mang ý nghĩa vị mặn của muối sẽ giúp xua đuổi những điều kém may mắn trong năm cũ và đem lại sự no đủ, tốt lành trong năm mới thì sự ngọt ngào của cây mía lại có ý nghĩa đem tài lộc, may mắn về cho gia chủ.
Trong đêm giao thừa đón năm mới, người ta thường mua 2 cây mía về để đặt lên hay bên ban thờ gia tiên.
7. Xông nhà
Xông đất hay xông nhà là một phong tục truyền thống lâu đời. Thông thường người xông nhà là người ngẫu nhiên ngoài gia đình đến nhà khi vừa qua giao thừa, bắt đầu ngày mới năm mới.
Tuy nhiên nếu các gia đình muốn tự xông nhà thường chọn một người dễ vía, hợp tuổi ra khỏi nhà từ lúc chưa đúng giờ trừ tịch, rồi khi lễ trừ tịch tới thì dự lễ tại đình chùa hoặc ở thôn xóm, sau đó xin hương lộc hoặc hái cành lộc về.
Lúc trở về đã sang năm mới, người này sẽ tự xông nhà cho gia đình mình, mang về gia đình sự tốt đẹp quanh năm.
Một số gia đình lại nhờ người thân quen đến xông nhà trước khi có khách tới chúc Tết để người này đem đến sự dễ dãi may mắn và tài lộc cho gia đình.
8. Chúc Tết
Ngay sau khoảnh khắc đón giao thừa là lúc mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, nâng ly rượu chúc mừng năm mới, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong không khí rộn ràng nhộn nhịp khi xuân về.
9. Lì xì mừng tuổi
Đây tục lệ rất đặc biệt của Tết nguyên đán. Vào ngày đầu năm mới, người lớn sẽ mừng tuổi trẻ em bằng những đồng tiền mới hoặc cho vào phong bao giấy màu đỏ.
Phong bao lì xì đỏ chủ yếu mang ý nghĩa tinh thần, cầu mong cho người nhận được mạnh khỏe, bình an và tài lộc.
(Tổng hợp)
Link bài gốc: http://ttvn.vn/thoi-su/9-phong-tuc-dem-giao-thua-cau-may-man-tai-loc-cua-nguoi-viet-nam-820202318504184.htm
Theo Trí thức trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.