Ca viêm gan cấp tính trên trẻ em đầu tiên được phát hiện vào khoảng cuối tháng 3/2022 tại Scotland. Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng (tính đến 12/05/2022) Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã xác định có 348 trường hợp nhiễm bệnh trên hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời có 70 trường hợp từ 13 quốc gia đang chờ xét nghiệm.
Ngày 11/05/2022, Indonesia công bố bệnh nhi thứ 5 tử vong do căn bệnh này, nâng tổng số ca tử vong được công bố trên toàn cầu lên 11 ca. Như vậy, hiện tại các quốc gia có trẻ em tử vong vì viêm gan cấp tính gồm có 5 ca tại Mỹ, 5 ca tại Indonesia và 1 ca đầu tiên không được WHO thông tin cụ thể là tại nước nào.
Ảnh minh họa (Nguồn: Sohu - Trung Quốc)
Theo China News, người phát ngôn của WHO - ông Tarik Jasarevic cho biết, các số liệu trên có thể chỉ là bề nổi của tảng băng chìm so với con số thực tế. Thêm 1 điều khiến không chỉ các bậc phụ huynh mà các nhà khoa học cũng phải bối rối là đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Những giả thuyết về nguyên nhân gây viêm gan cấp tính ở trẻ em
Để hiểu về nguyên nhân gây bệnh, trước hết cần biết viêm gan cấp tính là gì. Đây là thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng tế bào gan bị viêm và hủy hoại nhanh, diễn ra trong thời gian dưới 6 tháng. Nguyên nhân bao gồm nhiễm virus, rượu bia, thuốc lá, ảnh hưởng từ hóa chất hoặc do 1 số rối loạn chuyển hóa và hệ miễn dịch…
Ông Enrique Perez - Giám đốc sự cố, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết, các nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm gan cấp tính thường là virus viêm gan A, B, C, D và E. Tuy nhiên giả thuyết này đã được bác bỏ khi các xét nghiệm không tìm thấy các virus trên trong mẫu bệnh phẩm.
Ảnh minh họa (Nguồn: China News - Trung Quốc)
Cơ quan An toàn Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) đã đưa ra 4 giả thuyết về nguyên nhân bùng phát viêm gan cấp tính ở trẻ em được đa số các nhà khoa học ủng hộ như sau:
- Adenovirus ở người.
- Các yếu tố như thuốc, chất độc hoặc tiếp xúc với môi trường.
- Nhiễm mầm bệnh chưa rõ.
- Nhiễm một biến thể mới của SARS-CoV-2.
Sau khi khẳng định 5 loại virus viêm gan A, B, C, D, E không được tìm thấy trong bất kỳ ca bệnh nào, WHO cũng cho biết Adenovirus được phát hiện trong phần lớn mẫu máu của các trẻ mắc bệnh.
Cụ thể, theo báo cáo của WHO ngày 23/4/2022, trong tổng số 169 trẻ mắc viêm gan cấp tính, có 74 ca dương tính với adenovirus, trong đó 18 ca dương tính với adenovirus thể 41. Hơn nữa, tại Anh, nơi có số ca bệnh được báo cáo nhiều nhất cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể các trường hợp nhiễm adenovirus trong cộng đồng.
Giải mã adenovirus - kẻ tình nghi gây viêm gan cấp tính ở trẻ em
Adenovirus được phát hiện từ năm 1953, có tới 57 loại thuộc 7 chủng với những khả năng gây bệnh khác nhau. Các tổn thương thường gặp nhất gồm: viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), viêm bàng quang, viêm màng não…
Ảnh minh họa (Nguồn: Sohu - Trung Quốc)
Virus này thường lây truyền theo mùa, cao điểm vào khoảng từ tháng 2 đến tháng tư. Nó dễ mắc và gây ảnh hưởng nặng hơn với người có bệnh đường hô hấp, bệnh mãn tính, người già, người có hệ miễn dịch suy yếu và đặc biệt là trẻ dưới 4 tuổi. Trong đó, Adenovirus loại 41 là nguyên nhân phổ biến gây viêm dạ dày ruột cấp tính ở trẻ em, thường kèm theo tiêu chảy, nôn mửa, sốt và các triệu chứng về đường hô hấp.
Các chuyên gia WHO cho biết thêm, các cơ quan đích chính của adenovirus là phổi và gan. Hầu hết adenovirus có thể tích tụ trong gan, trong khi gan của trẻ em có khả năng miễn dịch kém nên nếu nhiễm virus rất dễ gây ra viêm gan, phá hủy tế bào.
Về cách thức lây truyền, nó chủ yếu lây qua đường hô hấp, giọt bắn nhưng cũng có thể lây truyền qua đường phân. Thậm chí 1 số nghiên cứu còn chỉ ra rằng adenovirus từ động vật có thể lây nhiễm sang người.
Ảnh minh họa (Nguồn: Sohu - Trung Quốc)
Cụ thể, theo Giáo sư Francois Balloux - Giám đốc Viện Di truyền Đại học London (Anh) thì chó có mang adenovirus trên người. Bao gồm cả chủng CAV-1, một tác nhân gây bệnh gan cho chó. Trong khi đó có tới 70% trẻ em mắc viêm gan cấp tính tại Anh sống trong gia đình có nuôi chó hoặc từng tiếp xúc với loài thú cưng này trước khi mắc bệnh.
Đến thời điểm hiện tại, adenovirus đang được đánh giá là tác nhân có khả năng cao nhất gây ra viêm gan cấp tính ở trẻ em. Tuy nhiên, WHO khẳng định vẫn cần thêm thời gian để thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khác trước khi đi đến kết luận cuối cùng.
Nguồn và ảnh: China News, WHO, Sohu
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/adenovirus-ke-tinh-nghi-dung-sau-benh-viem-gan-cap-tinh-o-tre-em-dang-khien-the-gioi-chao-dao-2202212520522593.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.