Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa giấc ngủ với hệ miễn dịch. Mặc dù giấc ngủ không phải thuốc chữa bệnh, việc làm này lại là biện pháp hiệu quả để chống lại các mối đe dọa tới sức khỏe từ bên ngoài. Dưới đây những là tác động mạnh mẽ của giấc ngủ tới hệ miễn dịch mọi người nên biết:
Ngủ đủ cải thiện thời gian phản ứng của hệ miễn dịch
Một giấc ngủ ngon vào ban đêm giúp đảm bảo hệ miễn dịch hoạt động trong trạng thái tốt nhất, sẵn sàng phản ứng với mầm bệnh. Theo Michael Breus, bác sĩ, chuyên gia về giấc ngủ kiêm tác giả của cuốn sách The Power of When, nguyên nhân chủ yếu là do việc làm này thúc đẩy cơ thể sản sinh các tế bào T đóng vai trò quan trọng trong quá trình phản ứng của hệ miễn dịch với virus.
Trên thực tế, chất lượng giấc ngủ thậm chí có thể cải thiện chức năng tế bào T. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Thực nghiệm vào năm 2019 cho thấy, ngủ đủ giấc giúp tăng cường khả năng phản ứng của các tế bào T. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết điều này có thể là do các hormone gây căng thẳng, làm ức chế khả năng tiêu diệt mầm bệnh của tế bào T, giảm mạnh khi bạn chợp mắt.
Hơn nữa, một giấc ngủ ngon cũng thúc đẩy sản xuất các protein khác đóng vai trò quan trọng trong phản ứng của hệ miễn dịch. Theo chuyên gia Breus, sau khi trải qua 4 giai đoạn ngủ, cơ thể sẽ thúc đẩy giải phóng và tạo ra cytokine, một loại protein đa năng giúp hệ miễn dịch phản ứng nhanh chóng với các kháng nguyên.
Giấc ngủ tăng cường bộ nhớ miễn dịch
Bộ nhớ miễn dịch là khả năng của hệ miễn dịch trong việc nhận ra kháng nguyên đã gặp phải và tạo ra phản ứng phù hợp. Cơ chế này sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bạn không ngủ đủ mỗi ngày.
Theo một bài viết đăng trên Tạp chí Sinh học Pflügers Archiv, sau khi tiêm vaccine định kỳ, ngủ ngon vào ban đêm có thể thúc đẩy cơ thể sản sinh gấp đôi kháng thể, từ đó tăng cường phản ứng miễn dịch tự nhiên chống lại mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Ngược lại, thiếu ngủ hay ngủ chập chờn sẽ ảnh hưởng tới quá trình hoạt động của hệ miễn dịch.
Thiếu ngủ khiến cơ thể dễ mắc bệnh
Tình trạng này không chỉ làm giảm hiệu quả của vaccine mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh. Michael Twery, bác sĩ kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Rối loạn Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ giải thích: “Thiếu ngủ làm suy yếu hàng rào bảo vệ của cơ thể và chức năng tế bào. Hậu quả là cơ thể sẽ phản ứng chậm hơn khi bị virus tấn công”.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sleep vào năm 2017 đã kết luận, mất ngủ mãn tính làm ức chế hệ miễn dịch và tăng khả năng mắc bệnh như cúm, cảm lạnh.
Mất ngủ mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài
Mất ngủ không chỉ là dẫn tới những tác động ngắn hạn. Theo thời gian, tình trạng này có thể kéo theo các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới lớn tới sức khỏe tổng thể.
Theo bác sĩ Twery, nhiều bằng chứng đã chỉ ra không ngủ đủ giấc làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh về chuyển hóa và viêm nhiễm.
Ngoài các vấn đề sức khỏe liên quan đến tim, viện Mayo cho biết, thiếu ngủ mãn tính góp phần dẫn tới bệnh béo phì và tiểu đường. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Sinh học Pflügers Archiv, có lẽ do việc mất ngủ kéo dài kèm theo phản ứng căng thẳng của cơ thể là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm mãn tính.
Nếu bạn đang gặp vấn đề về giấc ngủ, khó thể chợp mắt vào ban đêm, hãy tham khảo một số mẹo dưới đây:
- Duy trì giờ giấc ngủ đều đặn mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần. Tránh thói quen ngủ ít từ thứ hai đến thứ sáu rồi cố gắng chợp mắt bù vào cuối tuần.
- Hãy giảm ánh sáng và hạn chế tiếng ồn trong phòng ngủ để tạo không gian chợp mắt lý tưởng.
- Tránh dùng rượu, caffeine, nicotine và các chất kích thích khác có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ vào ban đêm.
Theo Livestrong
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.