Đột quỵ là gì?
Đột quỵ là do một vùng não bị mất oxygen đột ngột do mạch máu bị ngưng tuần hoàn. Có 2 loại đột quỵ chính là đột quỵ do nghẽn mạch máu, chiếm phần lớn (85-90%) và đột quỵ do vỡ mạch máu, chiếm ít hơn (dưới 10%).
Loại đột quỵ khác là TIA (cơn thiếu máu thoáng qua) cũng có thể coi là một dạng đột quỵ cho nghẽn mạch máu, nhưng cục máu đông sau đó lọt qua được khe hẹp và dòng máu lưu thông trở lại nên gọi là cơn thiếu máu thoáng qua.
Đột quỵ là một quá trình phát triển bệnh từ từ, không có triệu chứng, đến một giai đoạn nhất định thì bùng phát như giọt nước tràn ly.
Với đột quỵ do nghẽn mạch máu thì quá trình này bắt đầu từ cao huyết áp không kiểm soát, cao mỡ, tiểu đường, và các yếu tố viêm như hút thuốc lá khiến mạch máu dần dần bị nghẹt. Với trường hợp vỡ mạch máu cũng vậy, thường bắt đầu bằng cao huyết áp không kiểm soát, dẫn đến xơ vữa cứng động mạch làm dễ vỡ khi áp lực trong mạch máu quá lớn.
Đột quỵ do vỡ túi phình mạch máu não
Loại đột quỵ vỡ mạch máu do túi phình là loại nguy hiểm hơn do vỡ mạch máu dạng này thường lớn, tổn thương nhiều hay toàn bộ vùng não, và khó can thiệp. Vỡ túi phình thường dẫn đến xuất huyết dưới màng nhện khiến cho phần không gian dưới nhện, là nơi dịch não tủy lưu thông, bị nghẽn, khiến cho bệnh nhân bị liệt, hôn mê, thậm chí tử vong rất nhanh.
Túi phình là giãn nở một đoạn của động mạch khiến cho thành mạch vùng này mỏng hơn so với chỗ khác. Thường túi phình phát triển chỗ nhánh rẽ của động mạch do thành mạch nơi này thường mỏng hơn so với chỗ khác.
Đột quỵ dự phòng giảm rủi ro như thế nào?
Túi phình trong não có nhiều kích cỡ khác nhau, từ vài milimet đến vài cm. Khoảng 6.5 triệu người Mỹ có túi phình trong não (1 trong 50 người), nữ có nhiều hơn nam, và túi phình thường xuất hiện trong khoảng tuổi 35 đến 60, phần lớn túi phình phát triển sau 40 tuổi. Phụ nữ, nhất là sau 55 tuổi, có rủi ro vỡ túi phình gấp 1.5 lần so với nam. Ước tính khoảng 50-80% túi phình cỡ nhỏ không bị vỡ . Kích cỡ túi phình trên 2.5 cm là nguy hiểm do khả năng vỡ cao và khó chữa.
Triệu chứng vỡ túi phình: ngoài các triệu chứng thường gặp của đột quỵ như liệt yếu, thay đổi giọng nói, ..bệnh nhân bị vỡ túi phình còn có những triệu chứng sau
Mờ mắt hay mất thị lực, mí mắt sụp một bên, giãn đồng tử
Nhức đầu kinh khủng, nhất là bên trong mắt
Tê liệt và yếu
Ói mửa và buồn nôn
Cứng cổ, co giật, động kinh
Lưu ý là bệnh nhân có thể có những triệu chứng khác ngoài những triệu chứng trên.
Cách ngăn ngừa đột quỵ
Theo khuyến cáo của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ và Hội Tim mạch Hoa Kỳ ai cũng có rủi ro bị đột quỵ, càng lớn tuổi thì các rủi ro càng cao. Các khuyến cáo ngăn ngừa hiện nay nhằm vào kiểm soát các bệnh mãn tính (lâu dài), thay đổi lối sống, và cùng chủ động chăm sóc sức khỏe với BS.
Hội đột quỵ Hoa Kỳ đưa ra 8 điều nhằm giảm rủi ro đột quỵ
1. Tìm ra rủi ro đột quỵ của mình dựa mình các yếu tố như huyết áp, các lab, và chỉ số khác. Hội đột quỵ Hoa Kỳ khuyên bệnh nhân nên thử tính toán rủi ro đột quỵ của mình. Khi bệnh nhân biết rủi ro đột quỵ của mình, ví dụ như cao hay thấp, thì bệnh nhân sẽ hiểu hơn tầm quan trọng của việc kiểm soát các bệnh mãn tính khác, tập thể dục, hay đổi lối sống.
2. Ăn uống khỏe mạnh với chế độ cân bằng, gồm có rau củ quả tươi, fiber, đạm và chất béo vừa phải. Quý vị có thể xem các video về dinh dưỡng ăn uống của tôi.
3. Giữ cơ thể vận động thường xuyên như tập thể dục đều đặn. Tập thể dục được tính là 150 phút tập nhẹ mỗi tuần hay gần 1 giờ tập 3 lần mỗi tuần hoặc 75 phút tập nặng 25 phút một lần và 3 lần mỗi tuần.
Thể dục để phòng đột quỵ.
4. Theo dõi cân thường xuyên. Cân nặng, đặc biệt là thừa cân và béo phì là những rủi ro rất nguy hiểm cho đột quỵ.
5. Không hút thuốc vì đây là một rủi ro cao có thể dẫn đến đột quỵ. Lưu ý là hút thuốc thụ động cũng tăng rủi ro đột quỵ.
6. Kiểm soát các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, hay cao mỡ. Các bệnh này đều làm mạch máu dần dần nhỏ hẹp, xơ cứng, dẫn đến đột quỵ.
7. Uống thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, ngay cả khi các bệnh đã kiểm soát hoàn toàn. Một số bệnh nhân khi thấy huyết áp đã ổn định thì ngưng thuốc.
8. Chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của mình cùng với bác sĩ, hỏi các câu hỏi liên quan và tìm ra cách chăm sóc thích hợp nhất cho mình.
Có nên tầm soát đột quỵ bằng siêu âm động mạch cảnh?
Thực tế thì đột quỵ phức tạp hơn nhiều so với việc siêu âm động mạch cảnh. Các nghiên cứu chỉ ra phần lớn đôt quỵ xảy ra ở bệnh nhân không bị hẹp động mạch cảnh. Và quan trọng hơn, việc đo lường chính xác độ hẹp của động mạch cảnh lại tùy thuộc vào kinh nghiệm của chuyên viên siêu âm.
Vì vậy, trường Harvard và tổ chức chuyên khoa như Hội Đột Quỵ Hoa Kỳ không khuyến cáo dùng siêu âm để tầm soát đột quỵ.
Đột quỵ là bệnh nguy hiểm dẫn đến tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Có 2 loại đột quỵ là nghẽn mạch máu và vỡ mạch máu, đều do quá trình tích lũy dần dần của bệnh lý.
Đột quỵ do vỡ túi phình trong não là loại cực kỳ nguy hiểm. Cách tốt nhất để ngăn ngừa đột quỵ là tập thể dục, thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, ăn uống cân bằng.
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.