"Yoga là chìa khóa vàng mở ra cánh cửa bình yên, tĩnh lặng và niềm vui", B.K.S. Iyengar, một bậc thầy về yoga có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới, từng nói.
Không chỉ đơn thuần là loại hình thể thao rèn luyện sức khỏe, yoga còn là môn khoa học toàn diện về đời sống, là sự hợp nhất cơ thể, tâm trí, tâm linh, giúp chúng ta khỏe mạnh cả về thể chất, tinh thần, cảm xúc và năng lượng.
Nhưng chẳng hiểu thế nào, từ một môn thể chất, một lối sống "hướng về tâm trí bên trong", trong thời gian gần đây lại trở thành công cụ phô diễn của các bà, các chị trong bộ trang phục không thể thiếu phù hợp hơn ở những nơi đáng ra chẳng-nên-mặc và chẳng nên uốn.
Yoga vốn dĩ không sinh ra cho mục đích phô diễn
Dù là người mới bắt đầu, hay những người đã tập lâu năm, khi bước vào lớp yoga, việc đầu tiên mà HLV/người hướng dẫn nhắc nhở chúng ta luôn là: "Hãy tắt chuông điện thoại và giữ yên lặng trong suốt quá trình tập". Bởi chỉ khi thật sự yên tĩnh và tập trung, người tập mới có thể cảm nhận từng hơi thở, lắng nghe từng nhịp tim và cảm nhận được sự thư thái qua từng động tác.
"Cơ thể được hưởng lợi từ chuyển động và tâm trí được hưởng lợi từ sự tĩnh lặng" - theo Sakyong Mipham, tác giả của cuốn "Thiền động".
Những động tác yoga kết hợp với thở sâu, thở đều giúp cho cơ thể và bộ não được thư giãn, giúp tinh thần ổn định, nhờ vậy mà mỗi người trong chúng ta điềm tĩnh hơn.
Cô Hoàng Tuyết Tushti - giáo viên hướng dẫn yoga cổ điển, chia sẻ: "Yoga là hướng vào nội tại bên trong, để mỗi người hiểu cơ thể mình, từ đó chăm sóc và yêu thương bản thân nhiều hơn.
Yoga là lối sống toàn diện bao gồm: Tư thế đúng, hít thở đúng, thư giãn đúng, ăn uống đúng, tư duy tích cực và thiền định.
Yoga không phải là uốn dẻo, phô diễn, hay những lời tán tụng, thành tích, huy chương... Nếu tập yoga mà hướng ra bên ngoài, chạy theo trào lưu, là đi ngược lại hoàn toàn triết lý và mục đích đầu tiên của yoga".
Xã hội hiện đại, phát triển nên cũng có nhiều hình thức tập luyện được sáng tạo để phục vụ nhu cầu của cuộc sống, và người ta gọi đó là yoga hiện đại.
Người tập yoga, mỗi khi thực hiện được một tư thế nào đó, đều muốn ghi lại những khoảnh khắc ấy, như một sự công nhận của chính bản thân mình sau quá trình tập luyện bền bỉ suốt một thời gian dài.
(Nguồn: Huyền Trần)
Trích lời chia sẻ của Ngọc Diệp - một giáo viên Isha Hatha Yoga cổ điển: "Đừng quá trông mong vào những hình ảnh huyễn hoặc mà người đi trước chia sẻ khi họ thiền, bởi chỉ bạn mới là người hiểu thế nào là sự tĩnh lặng, tỉnh táo với hệ quy chiếu của chính mình. Với yoga cũng thế, quá nhiều điều mong đợi khiến yoga vô hình trung trở thành bài thuốc hữu hiệu mà bất cứ ai cũng muốn tìm đến - nhưng họ lại chẳng hiểu thế nào là yoga. Thế là họ chỉ biết yoga dưới hình hài một chuỗi các bài tập thể chất".
Luyện tập yoga là hành trình rèn luyện sức khỏe, sự bình an trong nội tâm, chứ không phải là một cuộc ganh đua của các tư thế uốn dẻo, phô diễn cơ thể.
Thật khó để tĩnh tâm với Yoga thời nay
Khi mạng xã hội ngày càng phủ sóng, nhu cầu được kết nối, chia sẻ của mỗi người cũng mãnh liệt hơn. Khi đó mỗi khoảnh khắc được lan tỏa, lại tạo thêm động lực để mọi người cùng nhau hướng tới tinh thần và lối sống tích cực của yoga.
Tuy nhiên, tất cả những điều tốt đẹp ấy chỉ "linh nghiệm" khi yoga được thực hành đúng và phù hợp. Sự phù hợp ở đây được xét theo nhiều phía cạnh, từ trang phục, phong cách tập đến địa điểm tập luyện.
Không gian yoga cần nhất là sự tĩnh lặng, để người tập có thể nhập tâm cảm nhận nhịp thở của bản thân. Có thể thấy, tất cả những người tập yoga thuần túy đều thực hành tại nơi yên tĩnh như phòng tập, tại nhà hoặc hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ trong một không gian tĩnh mịch vắng người; chứ không phải những nơi xô bồ, đông đúc, cốt chỉ để nhận về vô vàn lời tán dương bên ngoài.
Gần đây, trên MXH xuất hiện đoạn clip do khách nước ngoài ghi lại, khoảnh khắc một nhóm người mặc đồ bó sát tạo thế yoga trên đỉnh Fansipan. Đoạn clip ngay lập tức viral khắp cõi mạng.
(Nguồn: @babo65ct)
Không hiểu nhóm người này muốn lan tỏa điều gì khi thực hiện các động tác yoga tại địa điểm hút khách du lịch như đỉnh Fansipan, chỉ biết là họ đang khiến những người xung quanh (có cả khách nước ngoài) cảm thấy ngại ngùng thay.
"Sợ thật, không biết những người này nghĩ gì khi tập ở một địa điểm du lịch đông người", "có thể các chị không ngại, nhưng người ngại là chúng tôi, nhìn thôi đã thấy phản cảm, chưa nói đến những người trực tiếp có mặt ở đây", "không ai nói, lại cứ tưởng thế là hay"... Đây là những lời bình luận của dân tình khi chứng kiến cảnh tượng này. Thậm chí ở một vài góc nhìn, những động tác ấy còn trở nên phản cảm giữa chốn đông người.
Rất nhiều những nhóm người tràn lan ra đường tập luyện, biểu diễn yoga và chụp ảnh khiến mọi người không khỏi bức xúc. (Nguồn ảnh: Facebook Quê Tôi Thái Bình).
Người phụ nữ này còn tập yoga ngay trên đường cao tốc. Động tác đòi hỏi sự dẻo dai nên chắc hẳn người này đã tập yoga một thời gian dài mới có thể hiện được. Vậy mà cô vẫn ngang nhiên tạo dáng trên đường, bất chấp dòng xe đang qua lại. (Nguồn: Hội Khẩu Nghiệp - Hội Nhiều Chuyện).
Đỉnh điểm, không chỉ phạm vi trong nước, có người còn đưa yoga "xâm chiếm" các địa điểm du lịch nước ngoài. Hình ảnh người phụ nữ tạo dáng yoga với bộ đồ tập ôm sát ngay trước cung điện Gyeongbokgung - một địa điểm du lịch mang nét văn hóa, lịch sử lâu đời tại Hàn Quốc, khiến dân tình thật sự chán nản.
(Nguồn: @cristianoronaldo85cr7).
Lại một lần nữa, những hình ảnh yoga này dấy lên ý kiến trái chiều trên MXH: "Xin chị đấy, hãy về phòng tập, về nhà mà tạo dáng yoga, đừng hồn nhiên giữa đường thế này được không", "tự nhiên lại làm xấu hình ảnh của yoga trong mắt người khác", "rõ ràng cung điện là nơi trang nghiêm, vậy mà còn mặc đồ ôm sát, tạo dáng ở đây được"...
Với những nhóm người này, có thể họ chỉ muốn khoe cho tất cả biết mình đang tập yoga, họ phô diễn những động tác uốn dẻo nơi công cộng để được mọi người tán dương. Mục đích đơn thuần chỉ có vậy, nào ngờ nhận về là những ánh mắt soi xét, những cái lắc đầu ngán ngẩm và cả sự chê trách của dân tình.
Hơn 5 năm tập luyện, Thanh Huyền (sinh năm 1985, CEO một công ty thời trang tại Hà Nội) cũng là một người yêu thích và luôn mong hướng tới lối sống điềm tĩnh của yoga, cô cũng được bạn bè gửi những đoạn clip, hình ảnh trái chiều vừa qua.
"Mình cảm thấy ngại khi xem những đoạn clip như vậy trên MXH. Vì ở góc độ nào đó, những khoảnh khắc ấy vô tình khiến một bộ phận người xem không hiểu được sự tốt đẹp cốt lõi của yoga. Mình nghĩ rằng, ai cũng có quyền được theo đuổi đam mê, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa khi được đặt đúng không gian và thời điểm.
Khi bạn theo đuổi hoặc yêu mến điều gì đó, bạn sẽ muốn khoe với cả thế giới. Tuy nhiên cá nhân mình cũng có chút e ngại và băn khoăn vì theo mình cốt lõi yoga mang đến giá trị tinh thần thiêng liêng, không phù hợp với những nơi xô bồ hay ồn ào. Việc tập luyện ở những nơi công cộng, địa điểm du lịch có thể sẽ gây phiền cho người xung quanh và ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung" - Thanh Huyền chia sẻ.
Ở tuổi U40, Thanh Huyền vẫn duy trì tập luyện các động tác yoga tại nhà mỗi ngày. (Ảnh: NVCC).
Nếu muốn khoe, hãy khoe một cách tinh tế
Sự tinh tế trong lối sống yoga còn thể hiện ở việc lựa chọn trang phục tập luyện của mỗi người. Vẫn biết những món đồ tập đa phần thường có kiểu dáng ôm sát lấy cơ thể, nhưng những trang phục ấy chỉ phù hợp khi tập luyện tại địa điểm riêng tư, vắng người, chứ không phải mặc vào để phô diễn cơ thể và tập vô tội vạ ở khắp mọi nơi.
Huyền Trần - người sáng lập kênh Yoga Lối Sống Khí Chất, cũng là một người hướng dẫn yoga, chia sẻ: "Mình cảm thấy các chị em có thể mặc đồ bình thường và thực hiện động tác yoga nơi công cộng thì không vấn đề gì, nhưng mặc đồ tập như vậy và tạo dáng tại địa điểm du lịch để check in thì không nên.
Nhất là trong đoạn clip tạo dáng yoga trên đỉnh Fansipan, trong khi khách du lịch chỉ muốn chụp ảnh để lan tỏa cảnh đẹp, chứ không phải lên núi để ngắm mọi người tạo dáng. Mặc dù có thể những tấm hình hay đoạn clip được lan truyền, mình thấy có vài câu khen, còn lại hầu như người xem đều cảm thấy ngại. Nếu họ lựa chọn không gian phù hợp, đúng chất yoga, mặc đồ kín đáo hơn thì những điều tốt đẹp sẽ được lan tỏa trọn vẹn".
Là một người trực tiếp hướng dẫn yoga, Huyền Trần cũng không hiểu thông điệp mà nhóm người tạo dáng trên đỉnh Fansipan hay người phụ nữ tạo dáng ở cung điện Hàn Quốc... muốn truyền tải là gì. Nếu là lối sống hay triết lý của yoga thì chắc chắn không phải, yoga hướng vào nội tâm bên trong, tập trung vào sự tĩnh lặng, chứ không phải xô bồ, ồn ào như vậy.
Còn nếu hướng đến mục tiêu rèn luyện sức khỏe, thì trên đỉnh núi rất lạnh, khi họ mặc những bộ đồ bó sát và tạo dáng yoga, có thể sẽ bị cảm lạnh, rất nguy hiểm. Việc truyền tải thông điệp về sức khỏe không khéo lại phản tác dụng trong trường hợp này.
"Thật ra, mình cũng không chê trách họ, vì có thể họ chỉ muốn lưu lại một vài khoảnh khắc đẹp trong quá trình tập luyện. Nếu họ có trao đổi với xung quanh về việc họ sẽ chụp hình nhằm mục đích gì, hoặc không gây ảnh hưởng đến mọi người, thì có thể sẽ được thông cảm nhiều hơn" - Huyền Trần chia sẻ.
Dù không phải là người tập yoga, chúng ta vẫn cảm thấy sượng trân khi nhìn những hình ảnh này. Dẫu biết không thể đánh đồng họ với những người đã và đang theo đuổi yoga thuần túy, nhưng cũng không thể tránh khỏi những suy nghĩ lệch lạc hướng về yoga qua những hành ảnh nhạy cảm này.
Chỉ vì vài bức ảnh khoe trên MXH, sự phô trương đến mức phô phang, mà vô tình "làm xấu" đi những điều tích cực từ lối sống yoga mà mọi người đang theo đuổi.
Và ngay chính bản thân những người thực hiện các động tác yoga vô tội vạ ấy, cũng nhận về vô vàn gạch đá dư luận. Người phụ nữ tạo dáng ở cung điện bị dân tình ném đá, phê phán khắp nơi, nhóm người tạo dáng yoga giữa đường bị cơ quan chức năng lập biên bản và xử phạt hành chính...
Bất chấp tất cả để khoe ra như vậy, liệu có đáng không?
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.