6 tháng làm "Junior" (lính mới) tại một doanh nghiệp lớn với mức lương khởi điểm không quá thấp so với mặt bằng chung của "sinh viên Ngoại thương", Trà cảm thấy chưa thỏa mãn. Cái cô cần không phải là tiền, mà là một thứ "danh phận" đủ để các bạn học phải xuýt xoa nhấn "wow" khi cô cập nhật lên Facebook hay LinkedIn. Một thứ chức vụ làm đám "haters" phải xôn xao chụp màn hình rồi đem về bàn luận trong nhóm chat (không có mặt cô); hay một vị trí đủ cao để bạn bè phải ồ lên "Ái chà chà, ghê nha, giàu rồi nha" trong mỗi buổi họp lớp.
Nhìn thấy bạn bè lần lượt tiến lên "Senior", "Supervisor", "Manager", "Trưởng Phòng", ở độ tuổi còn rất trẻ, Trà tức lắm! Về ngoại hình, mình đâu có thua chúng nó? Kinh nghiệm cũng chẳng phải dạng vừa, không có lí do gì mà mình ì ạch ở vị trí "nhân viên" trong khi chúng nó đã lên quản lí.
Trà tức tốc xin nghỉ việc ở tập đoàn lớn với mức đãi ngộ rất tốt để nhận lời làm việc cho một start-up của người quen, nơi cô được "offer" vị trí trợ lý của Phó Tổng Giám Đốc với lời hứa rằng sau khi chị này nghỉ thai sản và hoàn toàn rút lui về nhà làm một bà nội trợ hạnh phúc, chiếc ghế Phó Tổng này sẽ thuộc về "người phụ nữ" 23 tuổi.
Viễn cảnh về "những cái WOW" đầy ngạc nhiên lẫn thán phục của bạn bè khi mình cập nhật công việc mới "Vice General Director" (Phó Tổng Giám Đốc) khiến Trà như u mê và bằng một cách thần kì nào đó, cô bé không hề nhận ra sự bất cập khi được mời về làm trợ lý với mức lương… 7 triệu đồng.
Cơ hội là thứ không đong đếm được bằng tiền. "Chấp nhận mức lương 7 triệu lúc này nhưng một năm nữa nó sẽ là 70 triệu", Trà thầm nghĩ.
Người ta nói: "Phụ tá của một lãnh đạo tốt sẽ trở thành lãnh đạo tương lai. Phụ tá của một lãnh đạo tồi mãi mãi chỉ là chân sai vặt". Trà từng đọc, nhưng chưa bao giờ để vào đầu trích dẫn này, bởi nhiệt huyết của một cô gái 23 tuổi còn đang hừng hực thổi lên ngọn lửa tích cực trong cô.
Ngọn lửa ấy thiêu đốt hết tất cả những lời ong tiếng ve, nào thì "Trợ lý gì mà lương 7 triệu?", "Ủa công ty nó làm, tớ thấy đăng tuyển suốt ý, chắc chẳng ai trụ được lâu", "Bà sếp nó nổi tiếng xấu tính từ thời còn đi học đại học cơ, "phốt" đầy trên trang Confession kìa".
Có khi nào Trà lung lay không? Có chứ, một cô gái tốt nghiệp Đại học Ngoại thương không có lí nào lại u mê đến mức không điều tra, quan sát và rút ra nhận xét riêng của mình mỗi khi bắt gặp những thông tin bất lợi về tổ chức mà mình đang cống hiến.
Nhưng giấc mơ về chiếc ghế Phó Tổng Giám Đốc, về mức thu nhập "nghìn đô" mà hàng ngày lãnh đạo vẫn đang rót vào tai cô, khiến cô tặc lưỡi chấp nhận tất cả. Đã phóng lao thì phải theo lao.
"Mộng mơ nhiều như niêu cơm của Thạch Sanh, ai muốn lấy cứ lấy, không thể nào mà sạch banh".
Mỗi lần nghe một lời đàm tiếu về sếp, về công ty, về con đường của mình, như một lần có ai đó thò tay vào "niêu cơm mộng mơ" của Trà, bốc một nắm cơm và vứt ra ngoài. Và cô, ngay lập tức, phải tự lấp đầy nó bằng những lời tự an ủi. Rằng mình sẽ cố gắng, mình phải đánh đổi, không có thành công nào dễ dàng hết.
Điều quan trọng, là không ai được nhìn thấy đáy của niêu cơm đó. Ở đó có sự thật, rằng vét hết những mộng mơ này đi, Trà sẽ phải đối mặt với câu hỏi tối giản nhất của cuộc đời mình: "Cô thật sự muốn thăng tiến, hay chỉ đơn giản là sợ thua kém bạn bè nên phải "nhảy cóc" trong sự nghiệp?".
Những đêm dài thức đến 1, 2 giờ sáng, cầu cứu tất cả bạn bè, người thân, họ hàng, để tìm cách giải quyết những công việc mà người sếp "chửa mãi chưa thấy đẻ"; không những không hướng dẫn gì mà chỉ quẳng một câu cụt lủn: "Chị không cần biết quá trình, chị chỉ cần em show ra đây kết quả", Trà đẩy laptop xuống giường, tháo kính, nằm dài gạt nước mắt, cố kìm lòng cho tiếng khóc bật ra đánh thức đứa em gái nằm bên cạnh.
Có những ngày Chủ Nhật vốn dành để tái tạo sức lao động cho một tuần làm việc mới đầy khó khăn, cô gái trẻ kiệt sức, không nhấc mình dậy được, tin nhắn nhảy tanh tách, toàn là những lời lẽ nhạt nhẽo: "Em đang làm gì", "Cafe với anh không?", từ mấy anh đồng nghiệp, người mà nếu cô không tỏ ra hứng thú với họ, họ sẽ xếp yêu cầu công việc của cô xuống dưới một tỉ yêu cầu công việc khác, và nếu tác vụ đó không hoàn thành thì đương nhiên người bị mắng chửi chính là cô.
Hay có nhiều khách hàng nam giới, đứng tuổi, đã có gia đình, có người còn đáng tuổi bố cô, vẫn nhắn tin "tà lưa": "Mồng 8/3 em muốn gì anh mua?".
"Dạ thưa chú, cháu muốn chú đầu tư một khoản tiền lớn vào doanh nghiệp của cháu với tư cách một nhà đầu tư bình thường, và mong chú bỏ tay khỏi eo cháu mỗi khi chụp ảnh", Trà vừa nghĩ, vừa xóa những thứ dơ bẩn đó ra khỏi inbox.
Tất cả những áp lực này, những cám dỗ này, những góc khuất của thương trường, những quy tắc ngầm, những "tệ nạn", tất cả, đều vượt quá sức tưởng tượng của cô gái trẻ.
Đây hoàn toàn không phải là những gì Trà muốn. Cô muốn làm việc trong một môi trường mà mọi người phối hợp cùng nhau giải quyết từng tác vụ, vì trách nhiệm của mỗi người là như thế và vì họ được trả lương để làm điều đó.
Cô ghét cái cách gã thiết kế cứ lấm lét nhìn vào khuy áo của mình, nhưng cứ hôm nào không ra ngồi cạnh hắn, không giả vờ hòa vào những trò đùa nhạt nhẽo của hắn và không trả lời tin nhắn của hắn vào lúc nửa đêm, thì y như rằng, hắn sẽ trả về cho cô những sản phẩm nham nhở; và người chịu phạt đương nhiên là cô, vì gã thiết kế là em họ chủ tịch.
Cô ghét cái cách chị Phó Tổng giám đốc nhắc cô nên "ăn mặc nữ tính hơn một chút" khi đi dự tiệc với đối tác. Chị ta khéo nhắc nhở Trà "Trợ lý thì nên nhanh mồm nhanh miệng", ra cụng li với người này, người kia, toàn những người đáng tuổi bố mẹ mình. Rồi đến khi chồng chị ta có vẻ trọng dụng Trà, chị ta lại giở giọng: "Chị muốn em năng động hơn là để tốt cho em thôi, còn tự em phải biết vị trí của mình"; ý muốn nhắc khéo Trà đừng có trèo qua đầu chị.
Rốt cuộc thì cô đang bán sức lao động, hay bán mình?
Có những hôm làm thêm giờ đến gần khuya, bước vào nhà với tâm trạng bực dọc, cáu gắt với cha mẹ, với các em, thật lòng Trà không hiểu mình đang là ai, đang làm gì và sẽ như thế nào.
"Anh có quen ai không", "Chị có quen ai làm trong lĩnh vực này không?", "Mẹ ơi con bị giao phải làm việc A, mẹ có biết ai…" là những câu chat quen thuộc mà Trà vẫn phải cào phím hàng ngày trong hoảng loạn.
Trong lúc tuyệt vọng chờ sự trợ giúp từ "khán giả trong trường quay", Trà bần thần lướt Facebook, trống rỗng ngắm nhìn những người bạn học đang yên ổn ở cái vị trí "nhân viên" mà cô nhất mực coi thường, chối bỏ và "skip" nó luôn khỏi đường công danh, họ đang đăng ảnh hạnh phúc bên những "mentor", những tiền bối, những đồng nghiệp đi trước tài giỏi và sẵn lòng cầm tay chỉ việc, hướng dẫn họ từng chút một, nuôi nấng ước mơ và chắp cánh cho họ.
Rồi những người lương 5 triệu, nếu thật sự chăm chỉ, sẽ ngày càng thành công. Còn Trà, những lúc mệt mỏi, chán việc, toan viết đơn thôi việc, cô sẽ được người sếp "chửa mãi chưa thấy đẻ" tiếp tục an ủi, tiếp tục hứa hẹn để giữ cô lại làm chân sai vặt cho đến khi tìm được một cô bé khác ngây thơ hơn.
Rồi thì ngày đó cũng đến, công ty "start-up 10 năm tuổi", "start" mãi không thấy "up" hân hạnh chào đón thế hệ mới, một lứa gà con vừa ra trường, nhiệt huyết, say mê, dư thừa năng lượng, háo hức làm giàu và đặc biệt là "mắc bệnh sĩ ngầm" giống như Trà của một năm về trước.
Những cô, cậu bé đó rồi sẽ nhận được những lời mời y như Trà, được nghe những hứa hẹn, những đường mật quen thuộc và lao đầu vào cống hiến với tất cả những sự hăm hở của bản thân.
Còn Trà, nếu nghỉ việc và bắt đầu lại từ đầu, cô sẽ phải trở về vạch xuất phát. Bởi đúng như người ta nói, "phụ tá của một lãnh đạo giỏi sẽ trở thành lãnh đạo tương lai, phụ tá của một kẻ bất tài sẽ mãi mãi là chân sai vặt".
Một năm qua Trà học được những gì từ chị Phó tổng Giám Đốc của một start-up 10 năm tuổi, "start mãi không thấy up", ngập ngụa trong nợ nần với những dự án chết nổ thì to mà làm thì xịt?
Cô biết cách đặt vé máy bay, khách sạn, thuê hội trường tổ chức sự kiện, biết sửa loa đài micro máy chiếu, biết săn ưu đãi nhà hàng để tổ chức tiệc tùng với nhà đầu tư, thuộc lòng các quán karaoke trên địa bàn thành phố có "tay vịn" và không có "tay vịn" để book phòng giải trí và kí hợp đồng cho các nhà đầu tư và các khách hàng có đam mê văn nghệ.
Cô thành thạo các bước khai thuế sao cho có lợi nhất cho doanh nghiệp của mình. Cô biết chỗ mua những bộ đồ công sở vừa đủ "nữ tánh" để thúc giục nhà đầu tư đặt bút kí cho xong hợp đồng, lại vừa kín đáo nghiêm trang để đối phó với máu hoạn thư của chị sếp.
Cô trở thành "thượng đế" của các hãng taxi công nghệ nhờ chuỗi ngày ròng rã book xe cho sếp đi muôn nơi. Cô biết chỗ mua hoa, mua giày, mua cà vạt tặng đối tác, mua quà sinh nhật cho con của đối tác. Cô biết cách nhắn tin "thả thính" một cách đúng mực để công việc được đầu xuôi đuôi lọt mà không mang tiếng hư hỏng.
Nhưng tất cả rồi cũng để làm gì đâu? Lương của cô sau 1 năm vẫn là 7 triệu. Và ngay khi cô nhắn tin xin tăng lương, chị Phó Tổng Giám Đốc, người đã hứa trao ghế lại cho cô (với một loạt chữ "nếu") trả lời cô bằng hàng loạt những câu hỏi? Trong đó:
"Một năm vừa qua em đã làm được những gì mà em nghĩ là chị nên ghi nhận và tăng lương cho em?".
Chà, một câu hỏi khá "đắng".
"Ồ, tôi không thể ngờ chị lại hỏi câu đó đấy. Thế chị nghĩ ông X rót 2 tỉ vốn vào công ty mình vì thật sự thích dự án mới của vợ chồng nhà chị sao? Nực cười! Là vì ông ta đã sờ mông tôi trong bữa tiệc đó? Thế chị nghĩ xưởng sản xuất cho các người nợ 200 triệu tiền hàng là vì tin tưởng vào chữ "tín" của các người hả? Các người nếu có chữ tín đã chẳng nợ lương nhân viên đến 3 năm trời, để bài "tế" của người ta còn đầy trên Google kia kìa? Các người biết tôi đã phải cầu xin họ thế nào không? Các người biết tôi đã phải làm chuyện nhục nhã gì không?"
Gõ nửa chừng, Trà khóc nấc lên từng đợt, rồi nằm quắp người ôm điện thoại, cố gắng không phát ra bất kì tiếng động nào.
"Chị không quan tâm em làm cách nào? Chị chỉ cần em show kết quả ra đây!". Câu nói vô trách nhiệm ấy cứ văng vẳng trong đầu Trà. Nhưng chẳng phải đây chính là cuộc sống sao? Không ai quan tâm, không ai thèm quan tâm, không ai đủ sức quan tâm đến việc bạn đã phải vật lộn như thế nào?
Chị ta tuyển một trợ lý 23 tuổi và hứa hẹn đủ điều, vì chị ta thừa hiểu một người dày dặn kinh nghiệm sẽ phát hiện ra sự vô vọng của doanh nghiệp này sau nhiều nhất là một tuần làm việc.
Chị ta thích sự non nớt của Trà, thích cái khoảng trống mênh mông giữa năng lực và tham vọng của cô sinh viên ngoại thương mới ra trường mà chị ta dễ dàng lấp đầy bằng những lời hứa viển vông, khiến Trà cảm thấy mình quá tài giỏi, quá hoàn thiện, quá vượt trội so với các bạn cùng trang lứa.
Ngay từ lần đầu gặp nhau trong buổi phỏng vấn, chị ta đã tự nhủ: "Con bé này thích sĩ với bạn bè, mình sẽ cho nó sĩ với bạn bè, và bóc lột nó, và tìm kiếm những đứa giống nó để sẵn sàng thay thế, phòng một ngày nó khôn ra".
5 rưỡi sáng…
1 năm 3 tháng kể từ ngày nhận được lời hứa "Sau khi sinh em bé, chị sẽ lui về hậu phương và nếu "bơ-phom-mần" (performance) (đại ý là màn trình diễn trên sân khấu mang tên công việc) của em tốt, nhiều-khả-năng chủ tịch (chồng chị) sẽ cân nhắc em vào vị trí Phó Tổng Giám Đốc".
1 năm, 3 tháng, 14 ngày, nhưng chị mới mang thai được 8 tuần. Và chắc trong một lần nghén giữa đêm, hoặc đột nhiên cãi nhau khi phát hiện ra "những sự bất thường" giữa chồng chị và một vài nhân viên nữ mới, chị phó Tổng bật dậy nhắn tin cho Trà hỏi về công việc, một công việc có deadline là 4 ngày nữa.
Cảm thấy không thể chịu đựng được việc thời gian của mình được trả bằng một cái giá quá rẻ mạt, Trà muốn nổi cơn tam bành, sau đó sẽ xin nghỉ.
Nhưng cứ nghĩ đến việc mình phải bắt đầu lại từ đầu với một chức vụ thấp hơn, ở trong một doanh nghiệp lạ lẫm, nơi Trà phải làm quen lại từ đầu với công việc mới, với đồng nghiệp mới, nơi cô (lại) phải bắt thân với những người cô không thích cho lắm, chỉ để công việc được trót lọt, vì thật lòng 1 năm làm việc ở đây cô chả học được gì ngoài kĩ năng nịnh đầm, nghĩ đến việc bạn bè sẽ hỏi: "Ủa sao đang làm trợ lý xuống nhân viên chi vậy má?", "Ủa tao thấy bạn tao làm trợ lí xong lên lead một dự án mới đó?". Trà lại do dự.
Cô thật sự cần một người để tư vấn.
Cô tìm kiếm tên người yêu trong box chat, nhưng chợt nhớ ra, hai người đang "tạm dừng", bởi trong một cơn vô vọng tìm kiếm người có thể giúp đỡ mình tháo gỡ những rối bời trong công việc, cô đã gắt lên: "Anh đã không giúp gì được thì đừng có phán xét em! Sao anh không bao giờ nghĩ rằng nếu anh tài giỏi hơn, em đã chẳng phải làm ở đây, em đã chẳng phải cầu cạnh anh ta?".
Cô tìm kiếm tên nhóm chat có vài người bạn.
"Ơ, cho mày chết, là lựa chọn của mày mà? Sĩ cho lắm vào? Chê người ta làm nhân viên thấp hèn còn gì? Chính mày tự chui đầu vào cái chỗ chẳng ra gì vì nó chẳng ra gì mới bổ nhiệm người trẻ như vậy làm quản lí, vì nó không đủ tiền thuê người có kinh nghiệm. Mày biết mà mày còn cố thì giờ trách ai?".
Họ đã nói thế, họ sẽ nói thế và họ đang nói thế trong những nhóm chat không có cô. Còn trong nhóm chat có mặt cô, họ sẽ giả vờ thông cảm: "Ừ, mệt quá thì nghỉ đi". "Tao thấy lương executive ở công ty này, công ty này, công ty kia cũng khá ổn đó", mà Trà thừa hiểu, ý họ là "Chừa chưa, đừng khinh thường nhân viên quèn nhé! Lương quản lý ở doanh nghiệp start up của mày cũng chỉ bằng lương nhân viên quèn ở chỗ khác thôi!".
6 giờ sáng, Trà nói chuyện với mẹ. Mẹ là người mà cô tin tưởng nhất, người cuối cùng trên đời sẽ lắng nghe mà không phán xét, khuyên giải mà không hả hê, người duy nhất không giả vờ đồng cảm để che lấp những nụ cười gian manh độc địa.
Mẹ Trà khuyên nhủ bằng những lời tận đáy lòng: "Con cần gì? Con sống một đời cho bản thân mình hay cho người khác xem? Con đi làm để nuôi chính bản thân con hay đi làm để khoe với bạn bè?"
Và có lẽ Trà đã thức tỉnh.
Cô sẽ quay trở lại vạch xuất phát của con đường thành công, đi lên từ những vị trí nhỏ nhất, chăm chỉ học tập và trau dồi, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của bạn bè và không bao giờ cho rằng chức vụ cao sẽ phản ánh năng lực tốt.
Một năm "nhảy cóc" trên đường đời, tưởng là tiết kiệm thời gian, hóa ra là lãng phí. Một năm sải bước quá rộng để ăn gian vài nấc thang trên danh lộ, tưởng là quyết định đúng đắn, hóa ra lại là sai lầm. Để đến khi đôi chân mỏi nhừ vì cứ phải bước những sải quá lớn, đôi vai đau nhói lên bởi phải gánh trên vai những trọng trách nặng nề, đến khi cha mẹ, người thân, người yêu, bạn bè phải hứng chịu những cơn cáu giận bao gồm cả những câu nói như mũi dao đâm vào lòng họ những vết thương không bao giờ lành lại được, Trà mới nhận ra: "Mình đi nhanh quá, nên sai đường rồi".
Con sẽ làm công, ăn lương, bắt đầu từ vị trí nhân viên bình thường, con sẽ về sớm ăn cơm với gia đình, cuối tuần, không phải hầu hạ những con người chỉ tay năm ngón, cũng không phải gồng mình lên làm những công việc quá sức trong một tập thể lôm côm không định hướng, con sẽ đăng kí vài lớp học thêm để trau dồi bản thân".
Con sẽ xin lỗi những người bạn mà con vô tình khiến họ phật lòng bởi những phát biểu nông cạn như "Tốt nghiệp Ngoại thương mà ra làm nhân viên bình thường á? Lương 5 triệu á?". Con sẽ hẹn gặp anh ấy một lần, con sẽ nhận sai, con sẽ nói với anh rằng em sai rồi, em sai khi quá kiêu ngạo và cho rằng việc đánh đổi nhân phẩm của mình lấy sự trót lọt trong công việc là một quyết định bản lĩnh và khôn ngoan. Em xin lỗi". Và dù chúng con có thể bước tiếp bên nhau, hay vẫn bước tiếp nhưng trên những con đường khác nhau, con vẫn muốn anh ấy là một trong những người chứng kiến con tỉnh ngộ.
----
8 giờ sáng, Trà đang định book xe ôm đi làm thì một anh chàng trong công ty mà đương nhiên cô chẳng có chút hứng thú nào nhắn tin: "Hôm nay anh có việc đi qua nhà em, có cần không anh chở đi làm luôn".
"Dạ không ạ!", Trà thẳng thừng đáp.
Lần đầu tiên trong suốt hơn một năm, cô không sợ làm mất lòng đồng nghiệp nữa. Cô đã ngộ ra rằng: người có năng lực thật sự sẽ không bao giờ phải lợi dụng những ham muốn mang tính bản năng của con người để kích thích họ hoàn thành công việc. Nếu anh có giận tôi vì lạnh nhạt với anh mà gây khó dễ cho công việc của tôi, thì cũng kệ anh.
Một chuyến xe ôm từ nhà đến công ty chỉ hơn hai chục nghìn thôi, và nhân phẩm của cô đắt giá hơn thế.
Đứng chờ thang máy, tiện tay lướt Facebook, Trà bắt gặp bài đăng của chị Phó Tổng Giám Đốc, trích dẫn một bài báo nói về việc người trẻ đi làm đang bị ảo tưởng, thành tựu thì chưa có đã đòi tăng lương. "Ồ, vừa sáng nay mình nhắc chuyện tăng lương xong", Trà cười khẩy. Khi không dám nói thẳng vào mặt nhau thì người ta sẽ chia sẻ link báo như một cách dằn mặt đối tượng và những con người đang manh nha ấp ủ những suy nghĩ giông giống đối tượng.
Chưa bao giờ dũng cảm và tràn đầy năng lượng hơn thế, Trà tự tin bình luận:
"Em nghĩ chị muốn nói ai thì nên tag thẳng người đó vào!".
Rồi, xong, hôm nay mình sẽ nghỉ việc.
Theo Trí thức trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.