10 cử chỉ cực tệ khi trò chuyện được các chuyên gia tâm lý khuyên đừng bao giờ mắc phải nếu không muốn mọi chuyện "tồi hơn"

Phần lớn thời gian chúng ta không thể biết được những cử chỉ từ chân, tay hay biểu hiện trên khuôn mặt mình trông như thế nào đối với những người xung quanh. Và nếu chúng mang nghĩa tiêu cực thì thật là tệ.

Ngôn ngữ cơ thể tiết lộ rất nhiều thông tin - đây là điều được các chuyên gia tâm lý chỉ ra từ lâu. Nhưng thực sự thì chúng ta, phần lớn thời gian không thể biết được những cử chỉ từ chân, tay hay biểu hiện trên khuôn mặt mình trông như thế nào đối với những người xung quanh.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như các cử chỉ ấy không mang nghĩa tích cực? Hệ quả cũng dễ đoán thôi: mọi người có thể không muốn ở gần bạn nữa, bạn cũng dễ mất đi những cơ hội tốt chẳng mấy khi xuất hiện trong một đời người, và nhiều câu chuyện không hay chưa thể liệt kê ra.

Để không khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ như trend "Ôi hoàng tử" gần đây, thì bên dưới là một số cử chỉ được các chuyên gia tâm lý khuyên bạn đừng bao giờ mắc phải. Đọc mà tránh đi nhé.

1. Co đầu rụt cổ

Dáng đi, đứng hay ngồi có thể tiết lộ rất nhiều điều về độ tự tin của bạn. Rõ ràng tư thế rụt đầu không hề đẹp, nhưng đồng thời nó còn cho thấy bạn đang cảm thấy bất an. Nếu không sớm sửa, tư thế ấy hoàn toàn có thể trở thành thói quen và khiến người khác đánh giá không tốt về bạn.

2. Khoanh tay, gác chân

Rất nhiều người trong chúng ta có thói quen khoanh tay, gác chân khi ngồi. Cũng tốt thôi, nhưng chỉ tốt khi bạn ngồi một mình thôi. Còn khi nói chuyện với người khác, tư thế này cho thấy sự phòng thủ, rằng bạn không sẵn sàng lắng nghe những gì đối phương muốn chia sẻ, thậm chí là đang cảm thấy không thoải mái với sự hiện diện của họ.

3. Đôi tay nghịch ngợm

Đây cũng là thói quen rất nhiều người mắc phải. Bạn sẽ cảm thấy rất khó giữ cho tay mình được yên mà luôn phải nghịch ngợm một thứ gì đó, đặc biệt là khi đang căng thẳng.

Tuy nhiên, thực sự đây là thói quen không tốt. Nếu cứ nghịch tóc, nghịch nhẫn, gõ tay hay nhìn đồng hồ khi đang trò chuyện, người đối diện sẽ cảm thấy bạn đang buồn chán và muốn rời đi.

4. Gãi đầu gãi tai

Để chữa ngượng hoặc giải tỏa căng thẳng, chúng ta đôi khi vẫn có động tác gãi đầu gãi tai. Thói quen này cũng không hại gì, chỉ là cần tránh làm quá nhiều. Bởi lẽ trong trường hợp đó, người đối diện sẽ cảm thấy bạn đang lo lắng hoặc không thoải mái.

5. Cắn móng tay

Một thói quen khác có thể chỉ ra sự căng thẳng, đó là cắn móng tay. Dù quả thực nó có tác dụng giải tỏa, nhưng nó lại khiến người đối diện cảm thấy phân tâm, thậm chí là... sợ, và hiển nhiên để lại ấn tượng xấu. Ngoài ra, hành động này cũng không tốt cho móng tay của bạn đâu.

6. Tiếp xúc mắt quá ít, hoặc quá nhiều

Né tránh ánh mắt của người đối diện cho thấy sự thiếu tự tin, và thể hiện bản thân là một người khó tin tưởng. Nhưng ngược lại, nhìn vào mắt nhau quá lâu lại là dấu hiệu mang tính gây hấn, khiến đối phương cảm thấy không thoải mái.

Vậy phải làm sao? Tốt nhất là tiết chế, nhìn vào mắt nhau rồi lại nhìn đi hướng khác, vậy là được.

7. Tỏ ra thiếu tập trung

Thiếu tập trung trong một cuộc hội thoại là bất lịch sự, nhưng thông thường bạn sẽ không thể nhận ra chính mình đang rơi vào cảnh đó. Thậm chí đôi khi bạn có tập trung, nhưng biểu hiện ra ngoài lại không như thế.

Dĩ nhiên, làm vậy sẽ khiến người đối diện phật ý, cảm thấy thiếu tôn trọng và dễ làm hỏng cả mối quan hệ bạn đang mất công gây dựng.

8. Đảo mắt

Đảo mắt là một dấu hiệu cực kỳ rõ ràng cho thấy sự thiếu tôn trọng khi đối thoại. Có thể đó là cử chỉ bình thường đối với bạn bè, nhưng với đồng nghiệp, với sếp hoặc người lạ, nó sẽ gây phật ý đấy.

9. "Quên" không cười

"Một nụ cười là 10 thang thuốc bổ" - dân gian đã có câu như vậy. Trên thực tế, cười cũng là cách để thể hiện sự tự tin và cởi mở hơn khi đối thoại. Dẫu vậy đôi khi vì quá tập trung mà chúng ta quên đi hành động này, và vô tình làm khó công việc của mình hơn.

Nhưng nhớ này, đừng cười quá nhiều. Có những tình huống nụ cười sẽ khiến bạn trở nên kém chuyên nghiệp và phản tác dụng đấy nhé.

10. Quá im lặng

Việc giữ im lặng quá lâu có thể khiến người đối diện cảm thấy bạn không có hứng thú, hoặc thậm chí là không tập trung vào những gì họ nói. Ngoài ra, việc bạn không có phản ứng gì dễ khiến người ta không thoải mái đấy.

Tham khảo: BS, VT.co

Link báo gốc: http://helino.ttvn.vn/the-gioi/10-cu-chi-cuc-te-khi-tro-chuyen-duoc-cac-chuyen-gia-tam-ly-khuyen-dung-bao-gio-mac-phai-neu-khong-muon-moi-chuyen-toi-hon-2202018181027645.htm

Theo Trí Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU