10 tuổi đã vào đại học nhưng 1 năm sau cô bé này gặp phải cái kết buồn, đáng nói nhất là thái độ của người bố

Thời trẻ, ông Trương từng có ước mơ nghiên cứu khoa học nhưng không thể theo đuổi. Chính vì vậy, ông dồn hết mọi hy vọng lên con gái.

Trương Ý Văn (SN 2007) là một bé gái sống tại thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Từ năm 10 tuổi, cô bé đã nổi tiếng khắp cả nước bởi khả năng học tập xuất sắc của mình . 

Chẳng cần đến trường lớp, Ý Văn cũng đỗ đại học nhờ ở nhà ôn luyện cùng bố mẹ. Tuy nhiên đằng sau ánh hào quang ấy là những mặt trái và vô vàn hệ lụy đáng tiếc.

 

Thần đồng lớn lên dưới tham vọng của bố mẹ

Ngay từ khi còn nhỏ, Ý Văn đã nhận được rất nhiều sự kỳ vọng từ bố mẹ. 

Ông bà Trương thường xuyên đọc các tin tức về thần đồng, những trường hợp đi học đại học khi mới 9, 10 tuổi. Tin rằng con gái mình cũng có thể làm được điều này nên cặp vợ chồng ngày đêm ôn luyện cho con.

Mới 4 tuổi, Ý Văn đã được bố mẹ cho đến một trường tiểu học tư thục để học tập chương trình lớp 3. 

Tuy nhiên chỉ sau một thời gian, họ đã đón con về nhà để tự dạy dỗ. Ông bà Trương cho rằng, ở môi trường tập thể, cô giáo còn bận kèm cặp nhiều học sinh khác nên không thể nào quan tâm sát sao đến con mình được. 

Một lý do nữa là bởi bố của Ý Văn vốn bất mãn với chương trình giáo dục truyền thống nên muốn tự dạy con mình.

Trương Ý Văn và bố.

Được biết ông Trương là chuyên gia giáo dục và sở hữu một cơ sở giáo dục tư nhân. Thời trẻ, ông từng có ước mơ nghiên cứu khoa học nhưng không thể theo đuổi được. 

Chính vì vậy, ông dồn hết mọi hy vọng lên con gái và tiến hành các phương pháp giáo dục, quản lý nghiêm ngặt.

Mới 5 tuổi cô bé đã nhớ hết hơn 2.000 nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc. Đến năm 9 tuổi, Ý Văn học xong chương trình phổ thông trung học với điểm số xuất sắc ở cả các môn tiếng Trung, tiếng Anh, Toán học,...

 

Cùng năm đó, ông bà Trương cho con gái đi thi đại học nhưng cô bé chỉ được 172 điểm, thiếu 8 điểm nữa mới vào được một trường đại học ở Hà Nam. 

Không bỏ cuộc, năm sau họ lại cho con thi tiếp vào Học viện Công nghệ Thương Châu. Cuối cùng Ý Văn được nhận vào khoa Công nghệ thông tin điện tử của trường này với 352 điểm.

Lý do ông bà Trương cho con học trường này là vì gần nhà, dễ quản lý hơn. Họ cũng hy vọng con gái sẽ học hết chương trình đại học trong vòng 3 năm và chuyển sang một trường khác để lấy bằng thạc sĩ. 

Sau đó Ý Văn sẽ ra nước ngoài học tập. "Bằng cách này, con bé có thể bước lên xã hội thượng lưu và được mọi người tôn trọng", ông Trương chia sẻ.

Thần đồng lạc lõng trong môi trường đại học

Ngày đầu tới trường, Ý Văn lọt thỏm giữa những sinh viên 18 tuổi. Đi đến đâu cô bé lại gây chú ý tới đó. 

Không chỉ vậy, Ý Văn còn gặp khó khăn trong giao tiếp với bạn học bởi khoảng cách tuổi tác và sự thiếu hụt các kỹ năng, kinh nghiệm sống. 

Thời điểm nhập học, cô bé chỉ cao 1m40, không hề có bạn bè và cũng không được sống đúng với lứa tuổi của mình - đây là sự cách biệt quá lớn cả về mặt tâm lý và thể chất so với những sinh viên cùng lớp.

Ý Văn lọt thỏm so với các sinh viên khác.

Khi kỳ học quân sự bắt đầu, cô bé cũng gặp nhiều khó khăn bởi không có đủ sức khỏe, vóc dáng đáp ứng những bài chạy, bài tập bắn súng,... 

Vào kỳ nghỉ đông năm nhất, Ý Văn được về nhà và bày tỏ mong muốn được học tập với bạn bè cùng trang lứa. 

Tuy nhiên ông bà Trương không chấp nhận điều này bởi cả hai đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào con. Đôi bên vì vậy mà nảy sinh nhiều mâu thuẫn, không thể nào tìm ra cách khắc phục.

Được biết, Ý Văn không được sử dụng điện thoại di động. Thay vào đó, bố cô bé sẽ trực tiếp liên lạc với giáo viên và các bạn học để nắm bắt tình hình học tập của con.  ​​​​​​​

 

Ngoài ra, điều này để tránh việc Ý Văn sa đà vào điện thoại, chơi game và bỏ bê việc học.

Những ý kiến trái chiều của dư luận

Câu chuyện của Trương Ý Văn đã khiến dư luận không khỏi tranh cãi nảy lửa. Hầu hết mọi người đều công nhận công sức giáo dục của ông bà Trương và dành những lời khen đối với thành tích học tập của Ý Văn.

Tuy nhiên ai nấy đều đồng tình rằng ông bà Trương đã bắt con gái "chín ép" và không hề quan tâm đến cảm xúc, mong muốn của cô bé.

Một số thẳng thắn chỉ trích đây là cách nuôi dạy ích kỷ, tham lam, gây nguy hại cho tương lai của trẻ. Trương Ý Văn có trí tuệ thiên bẩm - đây là điều không thể phủ nhận. 

Nhưng việc tước đi tuổi thơ, bắt con gái trưởng thành sớm của vợ chồng Trương có thể khiến cô bé bị ảnh hưởng về tâm lý, thiếu hụt các kỹ năng sống và kinh nghiệm xã hội. 

Thiếu những điều này thì dù có thông minh, học cao đến mấy, Ý Văn cũng khó lòng thành công trong tương lai.

Không chỉ vậy, cô bé còn dễ bị u uất tâm lý. Thực tế, các biểu hiện này bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn học đại học - khi mà cô bé dần bị đuối so với những sinh viên lớn tuổi.  ​​​​​​​

 

Bên cạnh đó, một số luật sư và học giả giáo dục cũng cho rằng hành vi không cho con tới trường của ông Trương cũng đã vi phạm "Luật giáo dục bắt buộc".

Ngoài ra, tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học là một chuyện, còn vào đại học lại khác. Những năm qua Trương Ý Văn luôn cảm thấy chương trình đại học quá sức so với mình. 

Là một thần đồng trong mắt mọi người nhưng khi vào đại học, cô bé lại không thể hiện được bất kỳ tài năng đặc biệt nào và dần ít xuất hiện trên truyền thông. Việc bị báo chí soi mói quá mức cũng khiến Ý Văn cảm thấy khó chịu. 

Được biết, ông Trương từng nhiều lần tiếp đón phóng viên đến nhà, làm phiền con trong giờ học.

Đến nay vẫn có nhiều quan điểm cho rằng Trương Ý Văn là một "thần đồng giả mạo" do bị cha mẹ ép buộc.

 

Theo PHỤ NỮ VIỆT NAM

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU