18 năm ròng cõng con gái trên lưng mưu sinh giữa Sài Gòn, người mẹ vẫn nói "không ngán, thương con lắm"

“Con, đừng có khóc nữa, mẹ thương con lắm, ngoan, ngoan nào, để mẹ đi bán vé số, chút về mẹ mua sữa cho con nha”, ôm đứa con gái vào lòng, người mẹ tiếp tục đạp xe, rong ruổi khắp Sài Gòn để bán từng tờ vé số để mưu sinh.

Người mẹ ấy là Lê Thị Lệ Trinh (43 tuổi) cùng đứa con gái tội nghiệp Giang Tiên Đào (18 tuổi), bị động kinh, không đi đứng, nói năng gì được.

Cuộc sống của con là trên lưng mẹ hiền

Tìm đến căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm 166/20/18 đường Phạm Phú Thứ, phường 4, quận 6, TP.HCM nơi cả nhà chị Trinh sống nương nhờ cùng với hơn 20 người nhà bố mẹ chồng.

Không dám mời chúng tôi vào nhà, chị Trinh lặng lẽ tìm một quán café để kể tiếp câu chuyện về cuộc sống của gia đình mình.


Căn nhà nhỏ với hơn 20 người nhà chồng sinh sống.


18 năm ròng mẹ đưa con đi khắp muôn nơi.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Đồng Tháp, bố mẹ mất sớm, một mình chị Trinh phải bỏ quê lên thành phố tìm kế sinh nhai. Như một duyên nợ từ kiếp trước, chị gặp và nên duyên vợ chồng cùng một người Trung Quốc dù vấp phải sự không thuận tình của gia đình chồng. Trải qua biết bao đau đớn, tủi hờn, hai vợ chồng vỡ òa hạnh phúc khi đón đứa con đầu lòng với cái tên thật đẹp Giang Tiên Đào.

Nhưng nào ngờ, đứa con gái chào đời lại không giống như bao đứa trẻ khác, không khóc, không cười cũng chẳng biết một lần cất tiếng gọi bố mẹ. Nghĩ rằng con chậm phát triển, lại không có tiền để đi khám cho con, hai vợ chồng chị Trinh vẫn hi vọng một ngày nào đó, Tiên Đào sẽ như bao đứa trẻ khác.


Nước mắt của người mẹ khi kể lại chuyện gia đình mình.


Hết lòng yêu thương Tiên Đào.


Chị Trinh kể những ngày sống chung với gia đình chồng, bị bố mẹ chồng hắt hủi, thương chồng thương con chị tiếp tục cố gắng.

Ôm Tiên Đào vào lòng, chị Trinh nghẹn ngào nói: "Lúc mới sinh nó kháu khỉnh lắm, nhưng cứ mãi không chịu lớn, đến lúc 3 tuổi thì lên cơn co giật, mất ý thức tạm thời, chị đau đớn lắm".

Dù đã đưa Tiên Đào vào bệnh viện để cấp cứu nhưng các bác sĩ cho biết em bị động kinh, không thể nào chữa khỏi. "Nghe con bé sẽ không đi lại, nói năng gì được, vợ chồng chị chỉ biết ôm nhau mà khóc. Vừa thương con, vừa không biết chuỗi ngày tiếp theo sẽ như thế nào", chị Trinh cho biết.


Em Tiên Đào dù đã 18 tuổi nhưng không đi lại, nói năng gì được.


Mỗi ngày, hai mẹ con lại rong ruổi đi bán vé số.


Số tiền bán vé số kiếm được mỗi ngày chỉ đủ lo cho cơm ngày ba bữa.

Nhớ lại chuỗi ngày vất vả, chị Trinh không giấu được nỗi xúc động. Vì thương con, hai vợ chồng tự động viên nhau để tiếp tục cố gắng, chăm lo cho Tiên Đào. Để có tiền trang trải cuộc sống và mua thuốc men cho con, hai vợ chồng phải thay phiên nhau vừa đi làm, vừa chăm sóc cho Tiên Đào. "Lúc đầu chồng chị làm thuê cho một xưởng sản xuất gần nhà nhưng không đủ chi tiêu, dù thương con nhưng chị phải ẵm con đi phụ bán vé số khắp nơi để kiếm thêm thu nhập. Bố mẹ chồng thì không lo cho Tiên Đào, nên chị phải ẵm con trên tay mà đi, mới đó đã 18 năm rồi", chị Trinh ngậm ngùi.

Vì Tiên Đào mỗi ngày một lớn, không thể cõng con đi bộ cả ngày nên chị Trinh dành dụm sắm được chiếc xe đạp cũ rồi đặt em ngồi quay người lại trên đùi của mình để thuận tiện cho việc đi bán vé số.


Bàn chân yếu ớt của em Tiên Đào.


Tiên Đào rất đáng yêu, vui vẻ bên mẹ của mình.

Chị nói: "Thấy con đi hoài ngoài đường, nắng mưa bụi bặm chị thương lắm. Nhưng giờ không đi làm thì lấy gì mà mua sữa, thuốc men cho nó. Nhiều lúc nó bệnh, chị phải nghỉ cả tuần để ở nhà chăm con, có hôm hết tiền mua gạo, cả nhà phải nhịn đói".

Hành trình của hai mẹ con mỗi ngày gắn liền với năm sáu chục tờ vé số trên các tuyến đường thuộc quận 5, quận 6, có khi lên đến huyện Bình Chánh… Số tiền ít ỏi kiếm được mỗi ngày chỉ đủ cho gia đình chị lo cơm ngày ba bữa.

Không dám sinh thêm con vì lo cho Tiên Đào


Có Tiên Đào, cuộc sống của chị Trinh vui vẻ hơn rất nhiều.

Nhìn thấy Tiên Đào lớn lên mỗi ngày, cứ ú ớ không nói được, chị Trinh vừa buồn, vừa tủi, chị cho biết: "Con bé đáng thương lắm, nếu nó giống con người ta giờ đã đi học đại học, rồi có chồng có con, giờ thì... Coi vậy chớ nó biết hết đó, mỗi lần muốn mẹ yêu thì nó đưa cái má vào bắt chị thơm nó. Có nó, hai vợ chồng anh chị cũng đỡ buồn".

Khi được hỏi về chuyện sinh thêm con để Tiên Đào có em, hai vợ chồng anh chị lại có người nương tựa tuổi già, chị Trinh bật khóc: "Sinh thêm rồi thì ai lo cho Tiên Đào, chị đâu thể nào bỏ con để kiếm thêm đứa khác. Nó bị tật nguyền như vậy đã đau đớn lắm rồi".


Ròng rã trên lưng mẹ hiền suốt 18 năm.

Theo chị Trinh, từ khi Tiên Đào còn nhỏ, nhiều người thân, hàng xóm đều khuyên chị gửi Tiên Đào vào trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật rồi cả hai vợ chồng kiếm thêm đứa mới để sau này còn nương tựa nhưng chị nhất quyết không làm theo.

"Con nào mà chả là con, con bé có tội tình gì đâu. Nó cũng cần tình thương bố mẹ mà, chị sao nhẫn tâm đem nó vào trung tâm được. Có nghèo khổ cỡ nào, chị cũng không ngán đâu, nhất quyết nuôi con", chị Trinh xúc động.

Kìm nén cảm xúc, chị Trinh tâm sự: "Phải chi gia đình mình giàu có, được bố mẹ chồng yêu thương thì cũng ráng sinh thêm đứa nữa em ha. Chứ cái số mình khổ quá, phải đi ở nhờ ở đậu bố mẹ chồng trong sự ghẻ lạnh, tiền ăn ngày ba bữa đã khó, sinh thêm con thì lấy gì mà nuôi".

Nhìn Tiên Đào trìu mến, chị Trinh vui vẻ đùa với con: "Có mình Tiên Đào là đủ rồi ha, Tiên Đào của mẹ đẹp gái nè, ai mà không thương".

Vì số tiền bán vé số không đủ để lo sữa, tã giấy cho Tiên Đào, mới đây chị Trinh nhận thêm việc dọn dẹp nhà cửa cho người ta với tiền công 50.000 đồng/2 tiếng. Cuối tuần thì chồng chị ở nhà trông Tiên Đào, chị Trinh đạp xe ra trung tâm thành phố để giúp việc nhà nguyên ngày.

"Cuộc sống tuy vất vả nhưng vui em ạ. Được cái chồng chị rất thương hai mẹ con. Có cái gì ngon cũng đem về cho Tiên Đào. Hôm trước chị đăng ký đi thi chương trình hài, anh phải nghỉ làm cả ngày để chở hai mẹ con đi thi. Mình tuy nghèo nhưng cảm thấy hạnh phúc, chị mê hài lắm, nó giúp chị lạc quan hơn trong cuộc sống", chị Trinh hồ hởi nói.


Người mẹ tiếp tục hành trình của mình cùng với đứa con gái thân yêu.

Thấy hoàn cảnh gia đình chị Trinh khó khăn, những người hàng xóm láng giềng cũng thường xuyên lui tới, thăm hỏi để động viên.

Bà Đàm Thoại Hòa, Tổ trưởng Tổ 47, phường 4 cho biết: "Hoàn cảnh gia đình chị Trinh khó khăn lắm, hai vợ chồng làm bao nhiêu cũng lo cho đứa con cả. Con bé mỗi tháng nhận được hơn 700.000 đồng tiền trợ cấp khuyết tật. Phía chính quyền cũng thường xuyên quan tâm để giúp đỡ gia đình chị. Chỉ mong có thêm được sự chung tay từ phía cộng đồng để giúp gia đình chị vượt qua nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống".

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU