Thức dậy thật sớm, bạn sẽ được dịp tận hưởng không khí yên ả của phố xá Thủ đô khi dòng người và xe chưa đông. Len lỏi từng ngóc ngách, bạn sẽ khám phá thêm nhiều điều thú vị.
Lễ 2/9 năm nay là chủ nhật, nếu chưa có kế hoạch đi đâu, bạn có thể dành thời gian để khám phá thủ đô trong vòng 12 tiếng.
7h30: Ăn sáng tại phố cổ
Người Hà Nội thường chuộng các món xôi với thịt trứng, pate... hay bánh giò vì nhanh gọn và giá cả phải chăng để khởi đầu ngày mới. Nhưng 2/9 là một ngày nghỉ, bạn có thể dành thời gian để tận hưởng bữa ăn của mình lâu hơn một chút.
Mỗi người có một món ăn yêu thích nhưng với tôi, một bát phở hay bún mọc vẫn là ưu tiên hàng đầu vì không nơi đâu ngon như khi ăn tại Hà Nội.
Bát phở hay bún mọc có giá trung bình khoảng 30.000 đồng. Các món đơn giản như: xôi, trứng vịt lộn, bánh giò... chỉ từ 10.000 đồng. Khách có thể chọn quán bình dân bên đường hay nhà hàng sang trọng.
Một số địa chỉ tham khảo: phở Thìn, phở Bát Đàn, các quán bún mọc trên phố Hàng Lược, Hàng Trống, Cầu Gỗ, Tràng Tiền...
9h: Trải nghiệm xe buýt 2 tầng
Tuyến buýt này có ba xe với sức chứa mỗi xe gần 80 người. Lộ trình đi qua 25 phố với 13 điểm dừng, đưa khách đến 30 điểm tham quan của Thủ đô. Cứ cách 30 phút tại bất kỳ điểm nào trong hành trình đều có một xe đến và đi.
Trên xe có trang bị hệ thống thuyết minh về các địa danh và dịch tự động sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Có ba loại vé:
- Vé 2 tiếng: 196.000 đồng.
- Vé 4 tiếng: 300.000 đồng.
- Vé 24 tiếng: 450.000 đồng
- Vé 48 tiếng: 650.000 đồng.
12h: Ghé chơi chợ Đồng Xuân và thưởng thức bữa trưa trong ngõ nhỏ
Chợ Đồng Xuân là một trong những khu chợ lớn nhất ở Thủ đô và cũng là điểm tham quan thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Trải qua hơn 100 năm, chợ vẫn tồn tại gắn liền với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Không chỉ là nơi bán buôn sầm uất, chợ còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tinh thần của người dân đất Hà Thành.
Thực đơn bữa trưa dành cho bạn có thể là bún chả kẹp que tre. Quán nằm khuất trong ngõ, đã mở lâu năm nên được nhiều thực khách ở Hà Nội biết đến. Địa chỉ này làm bún chả theo phong cách truyền thống, bọc lá xương sông và kẹp vào que tre, nướng trên than hồng.
Ngoài ra, bạn có thể chọn bún riêu ốc hoặc phở tíu cũng là món ngon, no lâu cho bữa trưa. Phở tíu được dùng với lượng nước dùng xâm xấp, không nhiều nước như phở bò tái, chín, cũng chẳng ít nước như phở trộn, ăn cùng thịt nạc được thái mỏng, bản to, lạc rang, hành khô.
Bún ốc thoảng hương thơm nhẹ vị nếp cái dùng làm dấm bỗng. Bạn cho thêm chút ớt chưng để tăng hương vị. Mỗi suất ăn dao động từ 30.000 đồng.
13h30: Cà phê phố cổ
Buổi trưa, khi phố cổ Hà Nội bước vào giờ cao điểm với những dòng xe, dòng người tấp nập nối đuôi nhau, lúc bụng đã no căng, bạn có thể dành thời gian để ngồi thư giãn tại quán cà phê. Đây là lúc tuyệt nhất để nhấm nháp ly cà phê và ngắm nhìn thành phố từ trên cao. Những quán nhỏ nép mình trên các tầng gác chật chội có ban công hướng xuống đường là lựa chọn lý tưởng. Bạn hãy thử uống ly cà phê trứng nổi tiếng với giá từ 25.000 đồng.
15h30: Dạo phố đi bộ hoặc hóng gió trên cầu Long Biên
Buổi chiều không khí trở nên dịu mát hơn, bạn dạo phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Nếu từ nơi khác đến, bạn đừng ngại để xin tham gia các thú vui từ đá cầu, nhảy dây, đi xe thăng bằng cho tới loạt trò chơi dân gian diễn ra tại đây.
Khi thấy đói, bạn hãy thử các món ăn vặt như nộm khô bò, bánh bột lọc, nem chua rán... có giá từ 35.000 đồng một suất.
Nếu không thích chơi ở phố đi bộ, bạn có thể lái xe ra cầu Long Biên - là dấu ấn nối liền giữa hiện tại và ký ức xưa của những người dân yêu Thủ đô. Cây cầu được xây dựng vào năm 1898, nối liền hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên.
Tên gọi ban đầu của cầu được đặt theo tên của Toàn quyền Đông Dương là Doumer. Dân gian còn gọi bằng tên cầu Sông Cái hay cầu Bồ Đề vì cầu bắc qua bến Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội. Ngày càng có nhiều cầu bắc qua sông Hồng nên cầu Long Biên không đông người đi lại như trước.
Bên dưới cầu là bãi giữa sông Hồng. Vùng đất này thường được phù sa bồi đắp màu mỡ nên trồng được nhiều loại hoa màu khác nhau. Bạn có thể men theo cầu thang để xuống khu vực này hoặc xuống phía đường dẫn chân cầu, nơi lúc nào cũng sôi động kẻ mua người bán các món ăn vặt, trà nước.
17h: Xem múa rối nước
Cùng với tuồng chèo, múa rối nước được xem là môn nghệ thuật có vị trí cao trong ngành sân khấu dân tộc của Việt Nam. Bạn có thể thưởng thức loại hình này tại rạp múa rối trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm.
Nội dung phổ biến của buổi diễn là những hoạt động sinh hoạt đời thường của người Việt như múa rồng, rước kiệu, chọi trâu, đấu vật hoặc trích đoạn các câu chuyện cổ tích Thạch Sanh, Tấm Cám..
Giá vé cho ghế hạng nhất là 100.000 đồng một vé, hạng hai là 60.000 đồng. Thời gian các suất diễn từ thứ 2 đến thứ 7 bắt đầu vào lúc 13h45, 15h, 16h10, 17h20, 18h30, 20h, 21h15. Riêng chủ nhật, suất diễn bắt đầu lúc 9h30, 13h45, 15h, 16h10, 17h20, 18h30, 20h, 21h15.
Mỗi suất múa rối nước sẽ kéo dài trong 45 phút. Lưu ý, nếu bạn sử dụng máy ảnh thì phụ thu là 20.000 đồng một máy, máy quay phim là 60.000 đồng.
18h: Ăn tối với mì vằn thắn
Sau khi xem xong vở múa rối, bạn có thể tìm đến quán mì vằn thắn gần Ô Quan Chưởng để ăn tối. Quán đơn giản nhưng từ cách bày biện đến đồ ăn đều sạch sẽ. Gian nhà nhỏ chừng 10 m2 được trang trí bắt mắt bởi những chiếc lồng đèn. Buổi tối, màu sắc của nơi này khiến thực khách đi ngang qua bị thu hút.
Tô mì ở đây đầy đặn, đầy đủ đồ ăn kèm. Quán ghi điểm với nước dùng đậm đà, thơm thoang thoảng mùi tôm. Sợi mì nhỏ, mềm nhưng không bị nhão khi để lâu trong nước dùng. Sủi cảo bên trong tô được nhiều khách đánh giá là "hào phóng" vì số lượng nhiều. Giá một suất ăn đầy đủ là 30.000 đồng.
19h30: Phố bia Tạ Hiện
Trong phố cổ, đặc biệt là ở Tạ Hiện, Bảo Khánh, Lương Ngọc Quyến, luôn có nhiều chỗ cho bạn uống bia hoặc các loại đồ uống được pha chế hấp dẫn. Đây cũng là một trong những nơi vui chơi về đêm sầm uất bậc nhất ở Thủ đô.
Theo vnexpress.net