Làm cha mẹ ai cũng muốn con mình ngoan ngoãn, hiếu thảo. Tuy nhiên, tâm lý của trẻ không phải lúc nào cũng ổn định. Đến 1 giai đoạn nào đó, con đột nhiên trở nên ương bướng, cá tính rất mạnh. Con thường xuyên làm theo ý mình, cãi lại lời bố mẹ. Lúc này trong mắt phụ huynh, con dễ trở thành kẻ phản nghịch. Cha mẹ cảm thấy buồn, chán nản, cáu giận vì nghĩ rằng mình không dạy nổi con.
Tuy nhiên PGS.TS Tâm lý Phạm Mạnh Hà cho biết, ít nhất trong cuộc đời con người đều từng trải qua giai đoạn nổi loạn với các hình thức khác nhau. Đây là trạng thái tâm lý phản ứng bất thường với những yêu cầu của người khác. Trẻ thường làm trái lại với những yêu cầu của người lớn. Chúng thách thức quyền lực, đối đầu với cha mẹ.
Dưới đây là 2 giai đoạn trẻ nổi loạn nhất, cha mẹ nên nắm được để có phương pháp giáo dục con đúng đắn:
1. Giai đoạn từ 3-6 tuổi
Đây là độ tuổi con cảm nhận được gần như đầy đủ các yếu tố cơ bản của sự sống, có những hiểu biết ban đầu về môi trường, giới tính... Con không còn là em bé đặt đâu ngồi đó nữa mà muốn tự do khám phá những điều chúng tò mò. Ở giai đoạn này trẻ đang có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chất. Chúng có xu hướng chống đối lại những hạn chế của cha mẹ đối với các hoạt động thể chất. Nhiều phụ huynh quá lo lắng, sợ đủ thứ dẫn đến cấm đoán trẻ làm những điều chúng tò mò. Vì thế dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực của trẻ.
Ngoài ra, đây là giai đoạn con phản ánh lại hành vi của cha mẹ. Phụ huynh làm gì con cũng bắt chước theo. Nếu cha mẹ thường xuyên sử dụng những câu lệnh như "Ăn đi!", "Ngủ đi", "Mẹ nói không là không"… Trẻ sẽ sớm học được cách nói trống không thông qua hành vi của người lớn.
Thời kỳ này trẻ đã hình thành ý thức riêng nhưng lại chưa biết cách biểu đạt ý kiến theo cách của mình. Vì thế thay vì nói với cha mẹ, chúng thường phớt lờ, cứng đầu. Hoặc khi không đồng ý với hành động của phụ huynh, con la hét, khóc lóc, ném đồ...
2. Giai đoạn tuổi dậy thì
Ở độ tuổi 12-15, bé bước vào giai đoạn dậy thì. Lúc này tâm lý thay đổi thường xuyên, bất định. Đây là giai đoạn cao nhất của thời kỳ nổi loạn. Con bắt đầu có chính kiến riêng, muốn thể hiện cho cha mẹ biết và thường cho bản thân mình là đúng. Trẻ cũng phản kháng mạnh nhất, ý thức về bản thân mạnh mẽ nhất. Các em bắt đầu theo đuổi sự độc lập về nhân cách và tinh thần. Lúc này cha mẹ càng ép buộc, cấm đoán con, thì tâm lý nổi loạn của chúng càng mạnh mẽ.
Theo các chuyên gia tâm lý, khoảng thời gian này con thường có triệu chứng phù hợp với tiêu chuẩn chẩn đoán của 1 số rối loạn tâm lý. Có thể kể đến như trầm cảm rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, rối loạn sử dụng thuốc kích thích...
Cha mẹ cần làm gì khi con bước vào giai đoạn nổi loạn?
Để có phương pháp giáo dục con ở thời kỳ nổi loạn, cha mẹ cần nắm bắt được tâm lý bất thường của trẻ, từ đó có sự giúp đỡ, can thiệp kịp thời, hiệu quả.
1. Phụ huynh cần có cách giáo dục phù hợp
Muốn tránh con có phản ứng tiêu cực, cha mẹ cần xem lại cách ứng xử của mình với trẻ và với người khác. Phụ huynh thường xuyên nói xẵng giọng, trả lời trống không... con sẽ rất dễ bắt chước. Vì vậy cha mẹ cần có thái độ và lời nói phù hợp với con và với mọi người.
Khi con muốn thể hiện suy nghĩ, cá tính của mình, cha mẹ đừng vội phủ nhận chúng. Hãy lắng nghe con nói ra suy nghĩ, giải thích về hành động của mình. Có thể 1 vấn đề chỉ do góc nhìn của 2 thế hệ khác nhau. Trẻ càng muốn thể hiện bản thân, cha mẹ lại cứ liên tục nhắc nhở, thúc giục; yêu cầu trẻ làm thế này, thế kia; ra lệnh cho con phải làm tốt công việc nào đó,... thì chúng sẽ nảy sinh tâm lý khó chịu và kháng cự với những lời cha mẹ nói.
Cha mẹ không buông bỏ, để mặc trẻ làm mọi chuyện mà hãy âm thầm theo dõi, quan sát hành động của con. Khi trẻ gặp khó khăn, hãy giúp đỡ chúng. Khi dạy dỗ con cái, phụ huynh nên học cách thông cảm, lắng nghe và suy nghĩ từ quan điểm của trẻ. Có như vậy con mới cảm nhận được bố mẹ yêu thương và đang cố gắng thấu hiểu, muốn giúp đỡ mình.
2. Cha mẹ hãy cho con quyền tự chọn
Cha mẹ nên cho trẻ tự làm và tự quyết định một số việc liên quan tới mình, sau khi xem xét các yếu tố an toàn cho con. Phụ huynh không nên ép con làm theo ý của mình 1 cách cứng nhắc. Ví dụ như con thích đá bóng hơn chơi đàn piano, cha mẹ hãy tôn trọng điều đó chứ đừng ép con chơi đàn.
Khi để con có quyền lựa chọn, cha mẹ hãy để trẻ chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình. Phụ huynh nên ít can dự vào việc của con, cho con không gian độc lập. Chúng ta chỉ ra tay giúp đỡ khi cảm thấy thật sự cần thiết hoặc con lên tiếng nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ.
3. Tôn trọng quyền riêng tư của con
Khi con bắt đầu ý thức được về giới tính, về bản thân, cha mẹ nên tôn trọng quyền riêng tư của trẻ. Nhiều phụ huynh thường xuyên đọc trộm tin nhắn, nhật ký của con. Điều đó khiến trẻ cảm thấy mình bị xúc phạm, không gian riêng tư bị xâm lấn... Và càng như thế con càng muốn giữ bí mật tất cả và không chia sẻ với cha mẹ. Vì vậy khi con ở giai đoạn nổi loạn, cha mẹ nên gõ cửa trước khi vào phòng con, muốn làm gì đó trong phòng của trẻ, hãy hỏi ý kiến của chúng trước...
Lúc này, cách dạy con hay nhất là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Hãy dạy con về các quy tắc chuẩn mực đạo đức, cách giao tiếp, bảo vệ bản thân,...
4. Tránh phản ứng trẻ cùng tông giọng mà con nói với cha mẹ
Khi con đang nổi loạn, cãi lại cha mẹ, phụ huynh đừng nên lớn tiếng mắng con. Điều này chỉ làm cho cuộc cãi vã nghiêm trọng hơn mà thôi. Phụ huynh hãy dùng những lời nói nhỏ nhẹ, có thể hạ thấp bản thân xuống ngang bằng tầm mắt của con để nói chuyện. Như vậy con sẽ cảm nhận được mình đang được tôn trọng.
5. Cho trẻ nhận thức được hậu quả của hành vi
Khi con bình tĩnh hơn, cha mẹ nên phân tích cho con hành vi của chúng sai ở đâu và có hậu quả thế nào. Đồng thời cũng hướng dẫn con cách khắc phục hậu quả. Có như vậy khi gặp tình huống tương tự con sẽ biết cách xử lý.
6. Chuyển hướng cơn giận dữ của trẻ
Nếu con ngang bướng, nhất quyết đối đầu với cha mẹ đến cùng, phụ huynh nên đổi hướng chú ý của trẻ. Cha mẹ có thể rời đi để con bình tĩnh hơn, hoặc đánh lạc hướng tâm trạng của trẻ bằng chủ đề khác.
Tuổi nổi loạn nghe có vẻ đáng sợ, nhưng kỳ thực luôn có cách hiệu quả khắc chế từng giai đoạn nổi loạn của trẻ. Chỉ khi thấu hiểu và chia sẻ cùng con, gia đình mới có thể vượt qua giai đoạn nổi loạn của trẻ dễ dàng.